Phát triển vùng sản xuất rau tập trung

Phát triển vùng sản xuất rau tập trung
15 giờ trướcBài gốc
Diện tích đất sản xuất rau xanh ở vùng ven đô thị của tỉnh đang dần bị thu hẹp, đỏi hỏi người dân phải đưa khoa học, công nghệ vào phục vụ sản xuất rau an toàn để tăng năng suất, chất lượng.
Nhằm phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, 5 năm trở lại đây, Thái Nguyên đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách do Trung ương, tỉnh ban hành như: Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; định hướng quy mô vùng trồng rau an toàn, ưu tiên các vùng sản xuất tập trung; hình thành chuỗi liên kết sản xuất rau xanh…
Bên cạnh đó, tỉnh đã có cơ chế hỗ trợ các hợp tác xã sản xuất rau an toàn; xây dựng mã số vùng trồng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, các cấp, ngành trong tỉnh còn quan tâm tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, chuẩn giao khoa học nghệ về quy trình sản xuất rau san toàn đến người dân; khuyến khích người dân sản xuất rau công nghệ cao…
Ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Để hỗ trợ người dân phát triển vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, chúng tôi luôn tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn việc buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ đã bị cấm sử dụng. Hướng dẫn người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tác “4 đúng”; kiên quyết loại bỏ các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật không đủ điều kiện; hình thành mạng lưới bảo vệ thực vật gắn với công tác đảm bảo an toàn thực vật cây trồng đến tận cơ sở. Đặc biệt là làm tốt công tác dự tính, dự báo sâu bệnh hại…
Với nhiều nỗ lực, đến nay, Thái Nguyên đã phát triển được một số vùng rau tập trung với diện tích hơn 500ha. Trong đó, có gần100ha đã được áp dụng ứng dụng công nghệ sản xuất an toàn, VietGAP, sử dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tự động; sản xuất rau trái vụ... Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đã có 1 cơ sở sản xuất rau an toàn được cấp mã số vùng trồng…
Có thể khẳng định, Thái Nguyên đang phát triển sản xuất rau an toàn, vùng sản xuất rau tập trung phù hợp với yêu cầu đặt ra, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Tuy nhiên, diện tích sản xuất rau an toàn, vùng sản xuất rau tập trung của tỉnh vẫn còn khá khiêm tốn.
Bên cạnh đó, đầu ra cho các loại rau xanh sản xuất theo hướng an toàn chưa đảm bảo. Gần 20 năm nay, người trồng rau Thái Nguyên vẫn luôn nằm trong tình trạng được mùa, mất giá.
Bà Nguyễn Thị Quế, làng rau Túc Tiến, Túc Duyên (nay thuộc phường Phan Đình Phùng), chia sẻ: Dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, tôi phải bán su hào, rau cải bắp với giá rẻ như cho (từ 2 đến 5 nghìn đồng/kg), thu không đủ chi…
Do đó, để phát triển vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, thời gian tới, Thái Nguyên cần có những giải pháp đồng bộ, khả thi. Trong đó, việc tổ chức cho doanh nghiệp và nông dân “bắt tay” trong sản xuất, tiêu thụ rất cần được nhà quản lý quan tâm. Nhất là đẩy mạnh thực hiện liên kết gắn với tiêu thụ nông sản qua hợp đồng kinh tế, từ đó, hình thành các chuỗi sản xuất bền vững.
Cùng với đó, các cấp, ngành chức năng trong tỉnh cần tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ cá thể tích tụ, tập trung đất đai, đầu tư sản xuất rau chuyên canh, đáp ứng nhu cầu phục vụ chế biến. Khuyến khích người dân ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, chế biến để nâng cao năng lực, chất lượng sản phẩm…
Bà Quế cho hay: Sản xuất rau an toàn, theo hướng tập trung là điều người dân chúng tôi mong muốn từ lâu. Tuy nhiên, khi quỹ đất trồng rau ở đô thị dần thu hẹp như hiện nay, chúng tôi mong các cấp, ngành chức năng có nhiều giải pháp khả thi hỗ trợ người dân sản xuất rau công nghệ cao, mang lại năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao hơn.
Tùng Lâm
Nguồn Thái Nguyên : https://baothainguyen.vn/kinh-te/202507/phat-trien-vung-san-xuat-rau-tap-trung-4e622f0/