Lực lượng cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân vụ động đất ở Mandalay ngày 30/3. (Ảnh: Reuters)
Liên minh Dân tộc Karen, một trong những lực lượng vũ trang dân tộc thiểu số lâu đời nhất của Myanmar, cho biết trong một tuyên bố rằng chính quyền quân sự "tiếp tục thực hiện các cuộc không kích nhằm vào khu vực dân sự, ngay cả khi người dân phải chịu đựng rất nhiều hậu quả từ trận động đất".
Nhóm này cho rằng thông thường quân đội sẽ ưu tiên nỗ lực cứu trợ, nhưng hiện nay lại tập trung "triển khai lực lượng để tấn công người dân".
Một phát ngôn viên của chính quyền quân sự Myanmar không trả lời đề nghị bình luận về cáo buộc này, Reuters cho biết.
Myanmar mắc kẹt trong cuộc nội chiến với nhiều nhóm vũ trang đối lập kể từ cuộc đảo chính năm 2021, khiến chính phủ của bà Aung San Suu Kyi bị lật đổ.
Một tổ chức cứu trợ cho biết, ngay sau trận động đất tàn khốc ngày 28/3, máy bay quân sự đã tiến hành các cuộc không kích và tấn công bằng máy bay không người lái ở bang Karen.
Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan vừa kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức để hỗ trợ việc phân phối viện trợ, sau cuộc họp khẩn cấp trực tuyến với các quan chức Asean.
Tâm chấn của trận động đất mạnh 7,7 độ nằm ở khu vực do chính quyền quân sự kiểm soát, nhưng gây thiệt hại trên diện rộng và ảnh hưởng đến một số vùng đất mà lực lượng vũ trang đối lập đang kiểm soát.
Ngày 30/3, Chính phủ Thống nhất Quốc gia (bao gồm những người còn lại của chính phủ bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2021), cho biết lực lượng dân quân của họ sẽ tạm dừng mọi hoạt động tấn công quân sự trong 2 tuần.
Ông Richard Horsey, cố vấn cấp cao về Myanmar của tổ chức phi chính phủ Crisis Group, cho biết một số lực lượng chống chính quyền quân sự đã dừng tấn công, nhưng giao tranh vẫn tiếp diễn ở những nơi khác.
"Chính quyền tiếp tục tiến hành không kích, bao gồm cả những khu vực bị ảnh hưởng. Điều đó cần phải dừng lại”, ông Horsey cho biết.
Trong khi đó, số người chết trong trận động đất ở Myanmar tiếp tục tăng, trong khi các bệnh viện vật lộn với tình trạng quá tải và một số cộng đồng vẫn cực kỳ thiếu nguồn lực để cứu hộ và khắc phục hậu quả.
Trận động đất kinh hoàng đã khiến tổng số khoảng 1.700 người thiệt mạng, 3.400 người bị thương và hơn 300 người mất tích tính đến ngày 30/3.
Tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu chính quyền quân sự, cảnh báo rằng số người tử vong có thể tiếp tục tăng.
Nhiều quốc gia đã gửi hàng cứu trợ và đội cứu trợ đến Myanmar để hỗ trợ, nhưng người dân ở các thành phố Mandalay và Sagaing cho biết vẫn chưa nhận được viện trợ quốc tế.
Bình Giang
Theo Reuters