“Số hóa” quản lý, giảng dạy
Chủ động “số hóa” hoạt động quản lý, giảng dạy để nâng cao chất lượng giáo dục đang được Trường THPT Nguyễn Khuyến, xã Bù Nho, huyện Phú Riềng thực hiện nhiều năm nay. Trường hiện có 30 phòng học và các phòng chức năng đều được trang bị máy chiếu, màn hình tivi, đáp ứng việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giảng dạy. Giáo viên đưa công nghệ vào từng bài giảng, khai thác tối đa nguồn tri thức mở từ không gian mạng đã giúp các tiết học trở nên sinh động hơn khi không còn phụ thuộc hoàn toàn vào sách giáo khoa.
Em Phạm Thái An Bình, học sinh lớp 10A10, Trường THPT Nguyễn Khuyến chia sẻ: “Em rất hứng thú với những giờ học như thế. Các video, clip mà thầy, cô giáo sử dụng đã giúp chúng em có nhiều trải nghiệm mới, mở rộng kiến thức, hiểu bài sâu hơn”.
Thầy Hoàng Chinh Chiến, giáo viên môn Vật lý, Trường THPT Nguyễn Khuyến cho biết: Trong quản lý lớp học, giáo viên cũng đang sử dụng nhiều phần mềm hỗ trợ như: lịch báo giảng, điểm danh, ký sổ đầu bài online. Chỉ cần một thao tác chuột, mọi thông tin đều được cập nhật công khai. Kế hoạch giáo dục của trường đều được đưa lên website nội bộ để Ban Giám hiệu đọc và duyệt. Đặc biệt, triển khai học bạ điện tử, bảng điểm điện tử kết hợp chữ ký số đã giúp giáo viên giảm áp lực khi không phải ghi chép, nhận xét học bạ thủ công như trước. Thông qua ứng dụng vnEdu cũng tạo điều kiện rất lớn cho phụ huynh chủ động kiểm tra, nắm bắt kết quả học tập của con em mình, tạo sự trao đổi thông tin 2 chiều giữa phụ huynh với giáo viên một cách thường xuyên, thuận lợi.
Nhiều phòng học và phòng chức năng của Trường THPT Nguyễn Khuyến, huyện Phú Riềng đã được trang bị máy chiếu, màn hình tivi, đáp ứng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy
Nhờ công nghệ hỗ trợ mà công tác quản lý, dạy và học từng bước được giải phóng. Đó là số hóa thông tin quản lý, số hóa học liệu, sử dụng học bạ điện tử, sổ điểm điện tử, chữ ký số, thực hiện thanh toán học phí không dùng tiền mặt, ứng dụng phần mềm chuyên ngành vào công tác dạy và học...
Thầy Nguyễn Mạnh Trường, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến cho biết: Đầu tư các trang thiết bị hiện đại giúp giáo viên, học sinh có điều kiện tốt nhất để thay đổi cách dạy và học. Điển hình, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT của trường hằng năm luôn đạt gần 100% và số lượng học sinh đậu vào các trường đại học, cao đẳng hằng năm luôn đạt trên 85%. Điều này cho thấy, ứng dụng CĐS như một “phép màu” không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện mà còn giúp các em hình thành kỹ năng số. Trường học thông minh là nền tảng vững chắc để hình thành thế hệ công dân số trong tương lai.
Còn tại thành phố Đồng Xoài, CĐS được xem là giải pháp quan trọng trong đổi mới phương thức quản lý, động lực để nâng cao chất lượng GD&ĐT. Lộ trình CĐS cũng đang được ngành giáo dục thực hiện từng bước bài bản, vững chắc trong từng trường học, cấp học. “Chúng tôi đã lắp đặt màn hình thông minh ở các lớp học, hệ thống camera quan sát toàn trường. Thời gian tới, trường sẽ hoàn thành xây dựng thư viện số và lắp đặt thiết bị điểm danh bằng vân tay và nhận diện khuôn mặt tại các dãy phòng học. Mục tiêu nâng cao chất lượng GD&ĐT theo hướng hiện đại, tinh gọn, hiệu quả, phục vụ chiến lược dài hạn của thành phố trong xây dựng trường học thông minh, bắt kịp những tư duy giáo dục mới, đó là giáo dục toàn diện, giáo dục mở và giáo dục 4.0” - bà Trịnh Thị Phương Mai, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Xuân, thành phố Đồng Xoài chia sẻ.
Tiện ích, minh bạch với học bạ điện tử
Các mô hình dạy học tiên tiến trên nền tảng số đang được các trường học trên địa bàn tỉnh nhân rộng, phù hợp với điều kiện, đặc thù, nhu cầu thực tế của mỗi trường. Ngoài ứng dụng hiệu quả CNTT vào giảng dạy, các trường đang khai thác tối đa tiện ích của học bạ điện tử và tiến tới là học bạ số nhằm giảm bớt thủ tục hành chính không cần thiết. Điển hình như Trường THCS Minh Lập, xã Minh Lập, thị xã Chơn Thành, qua một thời gian sử dụng học bạ điện tử đã mang lại rất nhiều thuận lợi, giúp giáo viên bộ môn giảm áp lực sổ sách, đồng thời tăng tính công khai, minh bạch trong đánh giá, xếp loại học sinh.
Trường THCS Minh Lập, xã Minh Lập, thị xã Chơn Thành sử dụng học bạ điện tử tăng tính công khai, minh bạch trong đánh giá, xếp loại học sinh
Thầy Phạm Quốc Hoàn, giáo viên Toán, Trường THCS Minh Lập chia sẻ: “Trước đây với học bạ giấy, giáo viên sẽ phải lật từng trang để ký, ghi tên. Còn với học bạ điện tử, chỉ cần ký 1 lần, có thể hoàn thành học bạ cho tất cả học sinh. Khi giáo viên nhập điểm, hệ thống sẽ tính toán ra kết quả điểm trung bình học kỳ, năm học, tránh sai sót, tiết kiệm được nhiều thời gian cho thầy, cô giáo”.
Lợi ích nổi bật của học bạ điện tử đó là nâng cao chất lượng quản lý hồ sơ, sổ sách, dữ liệu thông tin học sinh khi kết quả học tập của từng em được lưu trữ trên nền tảng số. Dữ liệu học sinh được đồng bộ, tự động từ các trường tới cấp phòng quản lý và cấp sở. Khi cần số liệu thống kê hay kiểm tra kết quả học tập của bất kỳ học sinh nào, các cơ quan quản lý chỉ thực hiện một vài thao tác là có đầy đủ số liệu, thay cho việc kiểm tra trực tiếp hoặc tổng hợp hồ sơ giấy như trước.
Sử dụng học bạ điện tử giúp giáo viên Trường THCS Minh Lập, xã Minh Lập, thị xã Chơn Thành giảm áp lực sổ sách, dành nhiều thời gian đồng hành với học sinh
Cô Nguyễn Thị Chung Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Minh Lập cho biết: “Trước đây giáo viên phải viết tay, ghi từng ngày một thì bây giờ có thể đồng bộ, đỡ mất thời gian. Về quản lý, trường dễ dàng kiểm tra việc nhập thông tin, điểm số, ký số của giáo viên có thường xuyên và đầy đủ không. Từ đó tăng tính công khai, minh bạch trong việc đánh giá, xếp loại học sinh. Giúp việc quản lý trở nên khoa học và hiện đại hơn”.
Bộ GD&ÐT đã thí điểm thực hiện học bạ số ở cấp tiểu học, tiến tới triển khai ở tất cả cấp học. Qua triển khai thí điểm tại 63 địa phương trên cả nước, áp dụng cho năm học 2023-2024, bước đầu ghi nhận nhiều kết quả khả quan. Hiện cả nước có hơn 4,2 triệu học bạ từ lớp 1 đến lớp 4 năm 2023-2024 (đạt 62,29%), vượt kế hoạch đề ra. Với những kết quả đạt được bước đầu, việc triển khai thực hiện học bạ số sẽ dần được thực hiện đồng bộ, đánh giá đúng sự tiến bộ của học sinh, giảm áp lực sổ sách cho giáo viên, góp phần thực hiện hiệu quả CÐS ngành giáo dục.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó GD&ĐT là một trong những lĩnh vực cần được ưu tiên thực hiện CĐS trước. Ngành GD&ĐT Bình Phước đang chủ động, linh hoạt đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng và nguồn lực phù hợp để chuyển đổi. Từ những kết quả đạt được bước đầu cho thấy, giáo dục CĐS thành công sẽ đào tạo ra thế hệ công dân thông minh, công dân điện tử, tạo động lực CĐS cho các ngành nghề khác, phục vụ lâu dài cho nhiệm vụ CĐS trên địa bàn tỉnh.
Ngân Hà