Phép thử với đế chế thương mại điện tử Trung Quốc trước bão thuế quan

Phép thử với đế chế thương mại điện tử Trung Quốc trước bão thuế quan
5 giờ trướcBài gốc
Khán phòng tại trụ sở chính của Alibaba chật kín người tham dự. Có người thậm chí không cần ngồi, họ dựa vào tường và chen chúc trên cầu thang. Hàng trăm chủ doanh nghiệp nhỏ đang chăm chú lắng nghe một loạt đại diện từ Alibaba - gã khổng lồ mua sắm trực tuyến - trấn an về khả năng phục hồi của Trung Quốc trước đòn thuế quan cao ngất ngưởng của Mỹ.
"Kể từ đầu tháng 4, chúng tôi đã nghiên cứu và thảo luận. Trong môi trường chính sách như thế này, với tình hình thay đổi nhanh chóng, chúng tôi nên có phương pháp và thái độ như thế nào?", Wang Shan - một giám đốc tiếp thị kỹ thuật số - cho biết. "Mọi người đều đồng thuận doanh nghiệp vẫn phải hướng tới thị trường nước ngoài. Khả năng của chúng tôi đang bị thách thức".
Theo New York Times, tư duy "chiến đấu" đã trở thành chuẩn mực với lượng lớn người Trung Quốc bán hàng trực tuyến sang Mỹ. Họ là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn từ thuế quan, khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc về thương mại trực tuyến, chiếm hơn 1/3 doanh số. Nhiều người Mỹ dùng Shein để mua đồ bơi giá rẻ hoặc Temu để mua máy ép tỏi giá 2 USD, hay nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ sử dụng các nền tảng như DHGate hay Alibaba buôn hàng số lượng lớn.
Hệ sinh thái khổng lồ hỗ trợ cho "cỗ máy" xuất khẩu hàng điện tử
Hội nghị Alibaba - diễn ra tại thành phố Hàng Châu - cung cấp cái nhìn thoáng qua về cách Trung Quốc trở thành gã khổng lồ trong lĩnh vực mua sắm trực tuyến, đồng thời gợi ý về cách ngành này có thể vượt qua khủng hoảng.
Thành công trong ngành thương mại điện tử từ lâu đã trở thành trọng tâm trong thành tựu kinh tế của Trung Quốc. Khi nghĩ tới tấm gương nghèo vượt khó, gần như ai cũng nhắc tới người sáng lập Alibaba Jack Ma, từ giáo viên tiếng Anh thành doanh nhân mua sắm trực tuyến và một trong những người đàn ông giàu nhất thế giới.
Hành trình của Jack Ma thành công một phần nhờ hệ sinh thái rộng lớn hỗ trợ cho "cỗ máy" xuất khẩu mà chính phủ đã xây dựng. Hệ sinh thái này không chỉ có nhà máy, nhà tiếp thị hay công ty vận chuyển, mà còn có dấu chân của nhà cung cấp drop-shipping - những người tìm nguồn cung và giao hàng thay cho người bán, người phát sóng trực tiếp,...
Xưởng may quần áo cho Shein tại Quảng Châu. Ảnh: New York Times.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc ưu tiên mở rộng bán hàng trực tuyến quốc tế, giảm thuế cho nhiều công ty và khuyến khích các trường đại học giới thiệu chuyên ngành liên quan. Hàng Châu rải rác những tòa nhà giảm giá cho cho các doanh nhân thương mại điện tử.
Với mức thuế quan cao như hiện tại, chính phủ đang tích cực hỗ trợ cho các công ty. Các quan chức Hàng Châu hứa hẹn sẽ giúp đỡ các thủ tục pháp lý cho các công ty chuyển hướng khỏi thị trường Mỹ.
Tại hội nghị Alibaba, các nhân sự trấn an những người tham dự bằng cam kết hỗ trợ xử lý thủ tục hải quan. Các nền tảng trực tuyến cũng cam đoan chi hứa hàng chục triệu USD giúp các nhà xuất khẩu quảng cáo nội địa.
Tâm lý "không làm tốt vẫn phải thử"
Do đó, nhiều doanh nhân lo lắng nhưng không hề nao núng.
Qiu Leisi - 36 tuổi, người có kế hoạch mở một cửa hàng trực tuyến bán quần áo cỡ lớn cho các nhà bán lẻ tại Mỹ và châu Âu - sẽ chuyển phí đội lên từ thuế quan lên khách hàng. "Các chủ doanh nghiệp Mỹ nên nhận thấy rằng sự bất công bắt nguồn từ chính lãnh đạo của họ", cô chia sẻ bên lề Hội nghị Alibaba.
Cô Qiu không lo ngại người Mỹ phản đối ý tưởng này. Bố mẹ Qiu điều hành một nhà máy phần cứng máy tính, nơi xuất khẩu 1/3 sản phẩm đến Mỹ, nhưng họ đã bán bớt hàng tồn kho sang Ấn Độ với mức chiết khẩu nhỏ. "Họ (bố mẹ Qiu) sẽ nhượng bộ với những người thân thiện với chúng tôi. Ngay cả khi chúng tôi mất nước Mỹ, vẫn còn nhiều quốc gia khác gia nhập cuộc chơi", cô chia sẻ.
Một phần quan trọng trong chiến lược của Trung Quốc là chuyển hướng xuất khẩu sang các quốc gia khác. Ngay cả trước khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng, các doanh nhân đã tập trung mở rộng thị trường Đông Nam Á và châu Âu.
Shawn Zhao - người điều hành công ty HyperSKU giúp chủ doanh nghiệp nhỏ nước ngoài tìm nguồn hàng như thảm tập yoga từ các nhà máy Trung Quốc - đã dành vài tuần qua ước tính chi phí. Khoảng một nửa khách hàng của ông Zhao đến từ Mỹ.
Để thích ứng với thuế quan tăng cao, ông cắt giảm ngân sách quảng cáo cho Mỹ và tập trung nhiều hơn vào châu Âu. Ông cũng cho rằng chuỗi cung ứng từ Trung Quốc không thể thay thế, vì nước này có thể cung cấp hàng hóa rất cụ thể, theo lô nhỏ, tốt hơn mọi quốc gia khác.
Tuy nhiên, ông Zhao dự kiến doanh thu sẽ giảm ít nhất 20%. "Có một số thứ trên thị trường nằm ngoài tầm kiểm soát, như các yếu tố chính trị", ông Zhao nói.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc về thương mại trực tuyến, chiếm hơn 1/3 doanh số. Ảnh: Reuters.
Sự lạc quan tại Hội nghị Alibaba đi ngược lại với một vài thực tế. Một số người đề xuất tránh thuế quan bằng cách chuyển hướng hàng hóa qua một quốc gia thứ ba. Nhưng dưới áp lực từ Nhà Trắng, một số quốc gia cam kết trấn áp hoạt động này.
Ngoài ra, việc tìm kiếm thị trường nước ngoài không còn là lựa chọn, mà là điều cần thiết với một số người. Thị trường nội địa của Trung Quốc có tính cạnh tranh cao và do nền kinh tế chậm lại, công chúng không muốn chi tiêu mạnh tay. Đó cũng là lý do chính phủ rất muốn thúc đẩy thương mại điện tử ra nước ngoài.
"Thị trường (nội địa) chỉ có quy mô nhất định và các doanh nghiệp quá bão hòa, vì vậy thị phần của chúng tôi ngày càng thu hẹp", Fu Sicong - 27 tuổi, điều hành một cửa hàng trực tuyến bán đồ trang trí ôtô thử sức với thị trường châu Âu vào năm 2024 - cho biết. "Ngay cả khi chúng tôi không thể làm tốt, chúng tôi vẫn phải làm".
Chính quyết tâm đó - kinh doanh bất chấp mọi biến động - dường như thúc đẩy sự tự tin của nhiều doanh nhân.
Bên trong tòa nhà Building Dreams - khu công nghiệp chuyên về thương mại điện tử xuyên biên giới của Hàng Châu, Li Tongzi - 30 tuổi - không còn quan tâm tới việc doanh số vòng tay và phụ kiện bói toán sang Mỹ đã "bốc hơi". Anh sẽ tăng gấp đôi doanh số trên thị trường Trung Quốc, mặc dù lợi nhuận thu hẹp.
"Vấn đề nằm ở việc kiếm ít hay nhiều. Ngay cả khi chỉ kiếm được 10 xu, chúng tôi vẫn dám làm", anh nói.
Trí Ân
Nguồn Znews : https://znews.vn/phep-thu-voi-de-che-thuong-mai-dien-tu-trung-quoc-truoc-bao-thue-quan-post1549802.html