Phép thử với doanh nghiệp xuất khẩu

Phép thử với doanh nghiệp xuất khẩu
10 giờ trướcBài gốc
Sẵn sàng ứng phó, chuyển hướng thị trường
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Cafatex Nguyễn Văn Kịch chia sẻ, ngay khi nhận tin Mỹ tạm dừng áp thuế đối ứng trong 90 ngày, công ty đã họp triển khai cho toàn bộ nhân viên trong hệ thống tổ chức thu mua nguyên liệu. Nhà máy vận hành hết công suất trên tinh thần "làm ngày, làm đêm" để đáp ứng các đơn hàng đã ký và những hợp đồng bị trì hoãn giao hàng trong thời gian qua. Trước mắt tập trung giải quyết nhanh gọn các hợp đồng này trong thời gian 90 ngày, nếu có hợp đồng mới cũng phải bảo đảm tiến độ giao hàng sớm trong giai đoạn này. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam đã khuyến cáo các DN thủy sản tranh thủ giai đoạn 90 ngày thuế quan 10% đẩy mạnh xuất khẩu; đồng thời, tính toán phương án chuyển hướng và đa dạng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu sang châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, qua các hiệp định thương mại tự do (FTA)… để giảm phụ thuộc vào một thị trường.
Tương tự, các DN ngành gỗ tăng tốc hoàn thành đơn hàng đang dang dở, đẩy nhanh hơn để kịp giao ra cảng. Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài, các đơn hàng quý II/2025 không có nhiều thay đổi nhưng đơn hàng từ quý III của đơn vị xuất đi Mỹ đã được đưa vào tình trạng xem xét. Khu vực sản xuất nhanh chóng hoàn thiện các đơn hàng đã chắc chắn, còn bộ phận kinh doanh đã lên hai giải pháp cấp bách là tìm nhà cung cấp nguyên liệu với chi phí rẻ hơn và giảm biên độ lợi nhuận để cạnh tranh được với các đối thủ như: Indonesia, Malaysia, Thái Lan. Cùng với đó, một số DN đã và đang nỗ lực chuyển hướng thị trường và tranh thủ thuế nhập khẩu gỗ giảm để nhập và xuất sang các nước khác, đặc biệt chú trọng phân khúc cao cấp.
Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường chia sẻ, thị trường biến động, thuế suất cao không phải là điều mới xảy ra với dệt may Việt Nam. Bởi đây là ngành công nghiệp đã trải qua nhiều sóng gió trong quá khứ nhưng vẫn vững vàng vượt qua, khẳng định được vị trí xuất khẩu thứ hai trên thế giới. Cùng với chủ động, linh hoạt ứng phó với những biến động của thị trường thương mại quốc tế, cộng đồng DN mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị, Chính phủ tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ tài chính như: giảm lãi suất vay, giãn nợ, miễn giảm một số loại thuế và phí trong ngắn hạn để giảm áp lực cho DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ. Đồng thời, Chính phủ cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nhằm kích cầu nền kinh tế, tạo thêm việc làm và nhu cầu tiêu dùng trong nước; tăng cường các chương trình đào tạo và tư vấn cho DN về quản trị rủi ro và hội nhập quốc tế.
Chế biến thủy sản xuất khẩu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh Phạm Hùng
Nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp
Nhiều chuyên gia đồng quan điểm, thay vì xây dựng kế hoạch dài hạn cứng nhắc, DN cần đặt ra mục tiêu linh hoạt, điều chỉnh theo từng năm và sẵn sàng thay đổi chiến lược khi thị trường biến động. Chẳng hạn, nếu Mỹ tăng thuế, DN cần có ngay kế hoạch ứng phó, từ tiết kiệm chi phí, tối ưu hóa quy trình sản xuất đến điều chỉnh mục tiêu kinh doanh. Bên cạnh đó, DN cần chú trọng việc tiết kiệm chi phí và giảm giá thành sản phẩm. Trong bối cảnh giá cả thị trường ngày càng giảm, chỉ những DN có nội lực mạnh mới có thể tồn tại. Sự phân hóa sẽ diễn ra mạnh mẽ, DN nào không thích ứng sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Do đó, đa dạng hóa sản phẩm và thị trường để tránh rủi ro khi phụ thuộc vào một khu vực nhất định là việc cần làm ngay đối với các DN trong bối cảnh hiện nay.
Đề cập về giải pháp ứng phó với chính sách thuế mới của Mỹ, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, các DN cần xây dựng cả kế hoạch ngắn hạn và dài hạn phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể, cùng với đó, đàm phán với đối tác Mỹ ký kết thêm hợp đồng, chốt giá và cam kết giao hàng trong giai đoạn chưa bị áp thuế; tối ưu logistics và chuỗi cung ứng, tận dụng giá cước vận tải hiện hành, chuẩn bị hàng hóa nhanh, linh hoạt hơn trong giao nhận. Điều quan trọng là cần đánh giá rủi ro chính sách, thành lập nhóm theo dõi tình hình đàm phán Mỹ - Trung hoặc Mỹ và các nước để kịp thời điều chỉnh chiến lược.
Về lâu dài, cần giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ bằng cách mở rộng sang thị trường EU, Đông Nam Á, Ấn Độ, Nhật Bản... Một mặt, tái cấu trúc sản phẩm và định vị thương hiệu, tập trung phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, ít bị cạnh tranh về giá. Đồng thời, tăng cường năng lực nội tại bằng cách đầu tư vào công nghệ, tự động hóa, kiểm soát chất lượng và chuyển đổi số để tăng năng lực cạnh tranh toàn cầu. Khuyến nghị DN cần thay đổi cấu trúc chuỗi cung ứng theo hướng phân tán rủi ro, mở rộng nhiều thị trường khác nhau, TS Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam phân tích, đây là giải pháp cốt lõi.
Chính phủ cần quan tâm thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, bởi với lợi thế dân số trẻ cùng thị trường rộng lớn, quy mô 100 triệu dân là một điểm tựa vững chắc cho các DN Việt Nam khai thác. Từ đó, từng bước giảm phụ thuộc vào xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang triển khai nhiều chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa bảo đảm tăng trưởng trên 8% trong năm nay và hai con số những năm tiếp theo.
TS Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương)
Ánh Ngọc
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/phep-thu-voi-doanh-nghiep-xuat-khau.690226.html