Trong một lần thực hiện nhiệm vụ bay đánh chặn pháo đài bay B-52 (ngày 16/4/1972), Trung tướng Phạm Phú Thái phát hiện hai chấm trắng tròn như quả bóng dẹt, cứ lơ lửng ở cự ly 7-10 km mà không thể nào vào gần hơn sau quãng đường dài truy đuổi. Hai vật thể này được ông nhận định là UFO (vật thể bay không xác định).
Báo Điện tử VTC News lược đăng câu chuyện tại hồi ký "Lính bay 2" của Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Phạm Phú Thái:
Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Phạm Phú Thái.
Đáp trả lại đòn tổng tiến công chiến lược của ta ở miền Nam, chính quyền Mỹ đã tiến hành chiến dịch mang tên "Linebacker", mở màn từ ngày 10/4 đến 16/4/1972.
Khoảng 3h sáng ngày 10/4/1972, hơn 50 lần chiếc máy bay Mỹ trong đó có 12 chiếc B-52 đánh bom rải thảm khu vực vịnh Bến Thủy. Từ 2h30 đến 3h00 ngày 13/4/1972 có 70 lần chiếc trong đó có 6 chiếc B-52 đánh phá sân bay Thọ Xuân, khu vực cầu Hàm Rồng. Từ 3h sáng đến chiều 16/4/1972, hơn 270 lần chiếc máy bay trong đó có 9 chiếc B-52 đánh phá Hải Phòng.
Trung đoàn 921 trong đó có Đại đội 1 vẫn định hướng theo nhiệm vụ trên chiến trường khu 4 vào đến vùng Vĩnh Linh, Quảng Trị. Tôi và Võ Sỹ Giáp đã bay vào trực ở sân bay Anh Sơn (sân bay quân sự nhỏ ở xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) gặp được mấy phi công của cả hai Trung đoàn 921 và 927, trong đó có anh Đặng Ngọc Ngự, Lương Thế Phúc và mấy người nữa lại được lệnh bay ra Nội Bài.
Tại căn cứ Anh Sơn, chúng tôi biết hơi ít về các trận ném bom của Không quân Mỹ trong các ngày 10, 13/4 nên vẫn kéo nhau ra trực. Báo động, xuất kích mà thông tin về các đòn tiến công đường không và các hoạt động quân sự khác trong thời gian này đến chúng tôi không đầy đủ và chậm trễ lắm.
Ngày 16/4/1972, tôi và Võ Sỹ Giáp còn ở lại trực với bốn chiếc máy bay, ém sẵn để trong hầm sẵn sàng cho cả nhiệm vụ cường kích, đánh ngày, đánh đêm. Chúng tôi trực trên loại Mig-21 F-96 với mỗi máy bay hai thùng dầu phụ ở cánh và hai tên lửa đối không tầm nhiệt K-13 (P-3C).
Buổi sáng trời vẫn còn se se lạnh. Một lớp mây ti tầng Cs mỏng, dự kiến sẽ tan nhanh khi mặt trời lên. Sau đó, từ các vùng núi lại hình thành những đám mây giông chờ cơ hội để phát triển thành những đám mây cao ngất.
Chúng tôi được thông báo có khả năng hôm nay địch sẽ đánh lớn ra miền Bắc, nhiều khả năng sử dụng cả B-52. Nhiệm vụ của chúng tôi là chặn đánh từ vòng ngoài (bản Ban, Noọng Hét đến Sầm Nưa và ngược lại). Ưu tiên đánh mục tiêu B-52 khi bay vào và rời khỏi Hà Nội về Thái Lan.
Hiệp đồng chiến đấu xong, tôi hỏi Giáp:
- Cứ cơ động, chạy liên miên từ Nội Bài, Thọ Xuân, Anh Sơn. Lâu lâu không được về gặp em gái 108 nhỉ? Tình hình đến đâu rồi?
- Hồi đầu năm định xin về tranh thủ mấy ngày đưa "T" về quê ra mắt - Giáp hơi băn khoăn trả lời - nhưng sau vụ anh Khánh, rồi đến Long hy sinh, lại đến bay cường kích rồi diễn tập với các nơi, liên tục lên cấp sẵn sàng chiến đấu, rồi các trận đánh... nên dự định vẫn chưa làm được. E921 nhiều nhiệm vụ hơn E923. Tôi định sau đợt cơ động này xin về mấy ngày đây!
Tôi nắm tay Giáp thông cảm. Giờ ngồi viết lại thấy những cặp đôi yêu nhau thời đó thật thương. Khi tôi được lên làm cán bộ chỉ huy Phi đội, biết mấy anh chàng cấp dưới của mình thường tìm cách trốn về Hà Nội thăm người yêu hay hẹn hò gặp nhau ở quãng đường giữa Hà Nội và Đa Phúc cũng đành im, giả vờ như không biết.
Tôi nói với Giáp mà như nói với mình:
- Ừ, sau đợt này về thăm bà già luôn thể. Chắc mẹ và mấy đứa em cũng mong. Nhưng tình hình căng thẳng thế này chắc phải lâu lâu nữa đấy ông ạ!
Lực lượng trực ngày 16/4/1972 của Không quân ta có 36 chiếc. Sân bay Vĩnh Phúc (Nội Bài) 10 chiếc Mig-21, Kép 8 chiếc, Kiến An 4 chiếc Mig-17, Yên Bái 8 chiếc Mig-19, Thọ Xuân 4 chiếc, Anh Sơn 2 chiếc Mig-21.
Nhưng sân bay Thọ Xuân tối hôm trước bị bom B-52, chỉ trực sẵn sàng mà chưa thể xuất kích. Mỹ có khả năng dùng B-52 đánh Hà Nội nên lực lượng Không quân ta triển khai phương án đánh B-52 trên tất cả các sân bay.
Lúc 9h07, biên đội Nguyễn Hồng Mỹ - Lê Khương xuất kích từ sân bay Nội Bài. Máy bay F-96 với 3 thùng dầu phụ 490 lít cho mỗi máy bay cùng hai quả tên lửa K-13. Biên đội được sở chỉ huy dẫn ra Thanh Sơn rồi Hòa Bình. Ban đầu định dẫn đánh cường kích F-4 nhưng sau radar phát hiện B-52 bay ở phía trên nên đổi lại dẫn đánh vào tín hiệu B-52.
Sở chỉ huy lệnh cho biên đội tăng lực lấy thêm độ cao, nhưng phi công lại phát hiện F-4 bám đuôi nên tiến hành phản kích. Biên đội Mỹ - Khương quần nhau với 12 chiếc F-4 một hồi, sau đó lần lượt bị F-4 bắn hạ. Lê Khương chỉ kịp chuyển công tắc để bắn một loạt súng RW- 23. Cả hai phi công nhảy dù ở khu vực Hòa Bình và Yên Bái.
Vào 9h21, biên đội Nguyễn Văn Lung - Vũ Văn Hợp xuất kích từ Nội Bài và được dẫn ra Hòa Bình, Suối Rút. Biên đội Lương Thế Phúc - Nguyễn Văn Ngãi xuất kích trên F-96 với thùng dầu 800 lít và bốn tên lửa được dẫn từ Nội Bài ra Thanh Sơn, Vạn Yên. Cả hai biên đội này ra khu vực đó để chờ dẫn vào đánh B-52, nhưng không dẫn ra được, sau về Vĩnh Phúc hạ cánh.
Lúc 9h30, biên đội Mig-17 Nguyễn Văn Thọ - Huỳnh Hiền - Âu Văn Hùng - Tạ Đông Trung xuất kích và sau đó lúc 10h03 biên đội hai chiếc Hoàng Văn Cống - Đinh Văn Bồng xuất kích trực tại đỉnh để bảo vệ sân bay Kép.
Lúc 9h50 từ Kiến An, biên đội Mig-17 Trần Cao Thăng - Hoàng Thế Thắng - Nguyễn Văn Ngợi - Nguyễn Văn Sinh xuất kích trực tại đỉnh sẵn sàng bảo vệ sân bay. Sau về Kép hạ cánh. Toàn bộ lực lượng Mig-17 không gặp địch.
Tại sân bay Yên Bái, lúc 9h21, biên đội Mig-19 của Hoàng Cao Bổng - Sơn B; sau đó lúc 9h47, biên đội của Phạm Ngọc Tân - Sơn C - Lê Văn Tưởng - Phùng Văn Quảng xuất kích trực tại đỉnh để bảo vệ sân bay đều không gặp địch.
Vào lúc 9h55, biên đội chúng tôi được lệnh báo động và sau đó được lệnh xuất kích. Mở máy và lăn ra trên con đường như con trạch, chênh vênh cao vút so với mặt ruộng mà chỉ có chiều rộng mặt đường khoảng hơn chục mét, chúng tôi ào ra đường băng, bật tăng lực cất cánh luôn về hướng tây bắc.
Lúc đó là 10h56. Trời gần trưa, nắng nóng. Mây không nhiều nhưng có một lớp mù khô lên tới 1.500-2.000 m. Vượt qua lớp mù, trời lại trong xanh với tầm nhìn tưởng như vô tận. Nhưng nhìn xuống thì mặt đất hiện ra lờ mờ. Chúng tôi bay qua Con Cuông, Tương Dương, Mường Xén theo chỉ dẫn của sở chỉ huy.
Giọng anh Phạm Ngọc Lan vang lên rất rõ: "Địch đã vào đánh Hà Nội! Chúng tôi sẽ dẫn biên đội đánh B-52 đang bay về Thái Lan!"
Lời khẳng định làm chúng tôi nóng ran hết người. Tôi đoán sẽ gặp được rất nhiều chủng loại máy bay Mỹ đang trên đường về các căn cứ ở Thái Lan. Hy vọng sẽ chớp được thời cơ đánh địch ngon lành. Nhưng rồi thông báo tình hình địch thưa dần.
Chúng tôi qua Tương Dương được một đoạn thì sở chỉ huy đưa lên độ cao 6km và dẫn về hướng 330°. Một lúc sau thì bắt đầu dẫn vào đội hình địch với những thông báo cự ly, hướng bay, độ cao mục tiêu rất dõng dạc.
Tôi nhắc Võ Sỹ Giáp:
- Tăng cường cảnh giới. Giữ đội chắc vào nhé!
- Đội hình tốt - Giáp đáp dõng dạc - Tôi bên phải.
- Đề nghị tiếp tục thông báo địch - Tôi yên tâm nói với sở chỉ huy.
Im lặng. Người tôi bắt đầu căng lên khi có tiếng "bíp, bíp" và đèn đỏ sáng nhấp nháy thông báo máy bay đang nằm trong tầm chiếu xạ của radar địch. Hồi đó Mig-21 F96 chỉ có thông báo được đến mức độ như vậy, không phân biệt được radar của máy bay, radar mặt đất. Mức độ chiếu xạ đó của radar là ở chế độ “sục sạo” hay “bám sát” để phóng tên lửa.
Tôi lật đi lật lại máy bay quan sát phía sau và hai bên sườn, đồng thời cảnh báo cho số Hai:
- Chú ý cảnh giới. Có chiếu xạ radar vào máy bay ta đấy!
- Nghe rõ!
Ngay lúc đó, sở chỉ huy lại bắt đầu thông báo mục tiêu hai chiếc bên trái 15km, 30°, độ cao 7km, rồi 10km, 40°. Tôi hô Giáp:
- Bật tăng lực. Lên độ cao 8km!
Tôi căng mắt quan sát, tìm địch trong cái khói mù ở khu vực lục địa núi cao của miền đông bắc Lào. Bỗng tôi phát hiện hai chấm trắng ở bên trái phía trước chỉ cách 10-12km liền báo sở chỉ huy:
- Phát hiện hai chiếc cự ly 12km phía trước, xin vào công kích! Số Hai, bật tăng lực theo tôi!
Tôi không dám cho Giáp kéo dài cự ly để lần lượt công kích vì chưa định dạng được loại máy bay gì của địch. Hai chiếc phi cơ tăng tốc lao đi vun vút về phía trước. Tôi đặt mục tiêu vào kính ngắm quang học và yên tâm chờ đợi rút ngắn cự ly với máy bay địch để công kích.
Nhìn hướng bay thì đang bay về hướng 200°, vị trí bay là tây bắc Noọng Hét, khoảng 40- 50km. Máy bay tôi tăng tốc độ lên đến 1,2 rồi 1,3M. Tốc độ theo đồng hồ chỉ đã lên 1.400 - 1.500km/h, độ cao 7,5km. Sở chỉ huy nhắc:
- Công kích xong thoát ly hướng 90°.
- Nghe rõ - 90°!
Nhìn ra hai chấm trắng tròn như quả bóng dẹt, có vẻ to hơn lúc mới phát hiện nhưng không thể rút ngắn thêm cự ly. Tôi lẩm nhẩm nghĩ trong đầu, chẳng lẽ đây là bóng thám không của Mỹ?
Nhưng nếu là bóng bay, nghĩa là chỉ có thể bay lên xuống thẳng đứng và hầu như không có tốc độ bay ngang nếu không có gió đẩy thì sẽ có tốc độ tiếp cận rất lớn rồi chứ. Đầu óc tôi càng căng hơn khi thỉnh thoảng lại có những tiếng bíp bíp, tít tít của chiếc máy báo chiếu xạ radar. Lúc từ phía trước, lúc phía sau, lúc bên phải, lúc bên trái.
Tôi lao theo hai chấm trắng cứ lơ lửng phía trước với tốc độ đã lên đến 1.500-1.600 m thì giật mình tỉnh ngộ! Có cái gì đó không phải ở đây rồi! Vậy thì đây chỉ có thể là đĩa bay? Vật thể bay lạ của người ngoài hành tinh?
Tôi vội liên lạc với sở chỉ huy và báo cáo, mắt không rời hai chấm trắng vẫn lơ lửng phía trước:
- Tôi không thể tiếp cận mục tiêu nữa. Xin đình chỉ công tác! Số Hai, tắt tăng lực, thoát ly theo tôi!
Có lẽ đã ở quá xa với đài chỉ huy nên tôi chỉ nghe tiếng loạt xoạt, bập bõm, câu được câu chăng. Tuy không rõ lệnh từ sở chỉ huy nhưng tôi biết rằng mình được quyền quyết định đánh hay không để thoát ly khỏi khu vực rất mù mờ về địch. Rất không rõ ràng về cái mục tiêu màu trắng cứ lơ lửng ở cự ly 7-10 km mà không thể nào vào gần hơn sau một quãng đường dài truy đuổi.
Tôi vòng máy bay về hướng 90°, cố liên lạc thêm với sở chỉ huy. Bay thêm một lúc thì nghe rõ hơn giọng chỉ huy của anh Phạm Ngọc Lan từ sở chỉ huy tiền phương binh chủng ở khu vực Vinh, Đại Huệ:
- Thoát ly về hướng 90°, về Anh Sơn hạ cánh!
Sau rất nhiều năm, bí ẩn về hai chiếc mục tiêu này không thể có lời giải đáp.
Tôi tự cho rằng chắc đó là UFO!
Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Phạm Phú Thái sinh năm 1949, quê tại huyện Kiến Xương, Thái Bình.
Ông gia nhập quân ngũ năm 1965 khi mới 16 tuổi và được đào tạo trở thành phi công tiêm kích. Ông là phi công lái máy bay MiG-21 trực tiếp không chiến và bắn hạ 4 máy bay của không lực Hoa Kỳ.
Trung tướng Phạm Phú Thái từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng như: Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân chủng Không quân, Phó Tư lệnh thứ nhất Quân chủng Phòng không - Không quân... Năm 2008, ông là Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng, rồi nghỉ hưu năm 2010.
Trung tướng Phạm Phú Thái