Phi vụ làm ăn béo bở của các công ty truyền thông

Phi vụ làm ăn béo bở của các công ty truyền thông
6 giờ trướcBài gốc
Các cuộc tranh cử luôn là mối quan tâm lớn của giới truyền thông. Ảnh minh họa: R.T.
Một trong số nhiều lợi ích ngoài lề mà các thành viên Quốc hội được hưởng là họ có quyền đưa ra quy tắc. Những người khác phải chơi theo họ. Không cần phải nói chúng ta cũng có thể đoán được những quy tắc tâm đắc nhất đối với Quốc hội chính là các quy tắc liên quan đến các cuộc bầu cử, nhất là chi phí vận động bầu cử.
Kể từ năm 1971, các thành viên Quốc hội đã nhận thấy họ có thể tiết kiệm thời gian huy động tài chính nếu tìm ra cách giảm bớt chi phí cho vận động tranh cử. Mà mục đặc biệt tốn kém trong chiến dịch tranh cử chính là truyền hình trực tiếp.
Do vậy, Quốc hội đã thông qua Luật Vận động tranh cử liên bang, trong đó yêu cầu các công ty truyền hình chỉ lấy phí của các ứng cử viên ra tranh cử bằng với mức thấp nhất mà họ lấy của các công ty thương mại. Các chính trị gia đã tự bỏ phiếu để giành được quy chế MFC cho chính mình trong việc mua thời gian phát sóng.
Luật trên đã không gây được ảnh hưởng như mong đợi. Biết được điều đó nên trong các năm bầu cử, các chính trị gia mua rất nhiều thời lượng phát sóng và các đài truyền hình thì muốn thu được càng nhiều càng tốt từ các cuộc vận động tranh cử trực tiếp đó. Do vậy, khi gần đến kỳ bầu cử, đài truyền hình sẽ làm như thế nào nếu một công ty thương mại đến để đàm phán về mức phí cho quảng cáo trên truyền hình?
Đài truyền hình sẽ trở nên rất cứng rắn về giá cả. Nếu họ nhượng bộ về giá cho P&G, thậm chí chỉ là để lấp đầy phần thời lượng còn trống thì cũng là rất tốn kém, bởi vì bất kỳ một ưu đãi giá nào được trao cho P&G cũng kéo theo việc các chính trị gia khác sẽ được hưởng cùng mức ưu đãi đó cho các buổi truyền hình của mình.
Khi đó, đài truyền hình sẽ bất lợi hơn bởi vì mức giá chung cho các chính trị gia thấp đi không thể được bù đắp đủ bởi một hợp đồng thêm vào của P&G. Kết quả là: P&G sẽ không nhận được bất kỳ ưu đãi nào về giá.
Một kết quả của luật này là các mạng truyền thông rốt cuộc đã kiếm được nhiều tiền hơn cả trước kia. Họ đã lợi dụng thực tế là các chính trị gia được hưởng quy chế MFC để từ chối việc ưu đãi về giá cho tất cả các khách hàng khác. Còn đối với các khách hàng như P&G và các công ty khác thì luật này chính là một loại thuế ngầm.
Trên thực tế, các chính trị gia đã đánh thuế vào chính bản thân mình. Thậm chí ngay cả khi họ có được mức giá tốt nhất thì điều kiện về giá tốt nhất cũng đã dẫn đến kết quả là các mạng lưới truyền thông đánh phí cao hơn đối với tất cả những người khác. Như vậy, giá tốt nhất khi đó có thể còn cao hơn mức giá đáng lẽ họ sẽ phải trả nếu như không có điều khoản nói trên. Việc thông qua luật thực tế đã gây thiệt hại nhiều hơn cho chính các chính trị gia.
Đây không phải là lần duy nhất Quốc hội Mỹ đã tự bắn vào chân mình. Năm 1990, Quốc hội đã cải tổ việc trả tiền bảo hiểm y tế (do Medicaid thực hiện) là một phần trong bộ luật cân đối ngân sách nhiều mục.
Để tìm cách kiểm soát giá thuốc, Quốc hội đã không hài lòng khi thấy nhiều tổ chức bảo hiểm y tế lớn được hưởng mức giá thuốc thấp hơn so với chính phủ. Vì vậy, Quốc hội đã thay đổi trò chơi. Họ thông qua một dự luật đưa ra những quy tắc mới về việc Medicaid trả tiền cho tất cả nhãn thuốc mới.
Theo đó, Medicaid chỉ thanh toán hoặc theo 88% giá bán buôn trung bình, hoặc theo bất kỳ mức giá tốt nhất nào đã dành cho những người khác trong ngành bán lẻ dược phẩm, tùy theo mứ nào thấp hơn thì chọn mức đó.
Chính phủ đã nhận được gì trong trò chơi mới? Không nhiều như dự tính. Chúng ta cũng nhìn trò chơi từ phía nhà sản xuất dược phẩm. Với luật mới, sẽ không đáng để bạn chào mức giá thấp hơn 88% so với mức trung bình. Nếu làm điều đó thì bạn sẽ phải mở rộng mức giá thấp đó sang cho cả chính phủ và điều này chắc chắn gây thiệt hại nhiều hơn ngay cả khi có thêm được một mối làm ăn mới.
Dale Kramer, Giám đốc phụ trách mua thuốc cho Kaiser Permanente, đã mô tả điều này như sau: "Trước đây, chúng tôi đã từng đề nghị nhà sản xuất (thuốc) mức 90%, có thể vào khoảng 10 triệu USD trong mỗi thương vụ mới, và nhận được mức giá khá ưu đãi. Còn bây giờ, không ai muốn giảm giá thấp hơn mức sàn của Medicaid".
Đó chưa phải là tất cả. Bởi vì không ai nhận được mức giá thấp hơn 88% so với mức trung bình nên chính mức trung bình cũng không còn đứng ở chỗ cũ. Vì các mức giá thấp mất dần đi nên mức giá trung bình tăng lên.
Bây giờ, nhà sản xuất thuốc sẽ không muốn chào mức giá thấp hơn 88% của mức giá trung bình mới. Lý do cũng vẫn thế. Kết quả là giá trung bình lại tiếp tục tăng. Rất khó nói khi nào thì kết thúc, tuy nhiên hoàn toàn có khả năng 88% mức giá mới cuối cùng còn cao hơn cả 100% mức giá lúc ban đầu.
Adam M. Brandenburger & Barry J. Nalebuff/ Bách Việt Books & NXB Dân trí
Nguồn Znews : https://znews.vn/phi-vu-lam-an-beo-bo-cua-cac-cong-ty-truyen-thong-post1555176.html