Phía sau công thức thuế chao đảo của Tổng thống Mỹ Trump

Phía sau công thức thuế chao đảo của Tổng thống Mỹ Trump
13 giờ trướcBài gốc
Tổng thống Donald Trump đi bộ lên trực thăng Marine One sau khi phát biểu với các phóng viên tại Nhà Trắng, ngày 3/4. (Ảnh: AP)
Sau nhiều tuần làm việc, các trợ lý từ nhiều cơ quan chính phủ đã đưa ra một danh sách lựa chọn, Washington Post dẫn các nguồn tin cho biết.
Không nao núng
Ông Trump đích thân lựa chọn công thức dựa trên 2 biến số đơn giản: Thâm hụt thương mại với mỗi quốc gia và tổng giá trị xuất khẩu của quốc gia đó sang Mỹ, hai nguồn tin giấu tên cho biết.
Dù chưa biết ai đã đề xuất phương án đó, nhưng có một số điểm tương đồng đáng kinh ngạc với phương pháp luận được ông Peter Navarro, người hiện là cố vấn kinh tế của tổng thống, đưa ra trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.
Sau khi nhà lãnh đạo Mỹ công bố công thức này tại Vườn Hồng Nhà Trắng ngày 3/4, phép toán thô sơ này đã bị các nhà kinh tế chế giễu, trong khi cuộc chiến thương mại toàn cầu mới gây chao đảo thị trường.
Quyết định của ông Trump nhằm áp thuế với hàng nghìn tỷ đô la hàng hóa cho thấy có 2 yếu tố chính thúc đẩy nhiệm kỳ thứ hai của ông: Quyết tâm theo đuổi bản năng của chính mình, bất chấp các cơ chế kiểm tra giám sát và lựa chọn một nhóm cấp cao hỗ trợ ông thách thức các biện pháp kiểm soát đó, Washington Post bình luận.
Các cố vấn ở trong và ngoài Nhà Trắng cho biết, ông Trump không hề nao núng khi thế giới đang chao đảo vì chiến tranh thương mại leo thang. Họ cho biết ông Trump cũng không hề nao núng vì hàng loạt bài báo tiêu cực hay chỉ trích từ các nhà lãnh đạo nước ngoài.
Ông Trump từ lâu đã coi thuế là biện pháp cần thiết để phục hồi nền kinh tế Mỹ. Có lần ông còn nói thuế quan là "từ đẹp nhất trong từ điển".
"Ông ấy đang ở đỉnh cao của việc không quan tâm nữa. Tin xấu ư? Chẳng quan tâm. Ông ấy sẽ làm những gì ông ấy muốn làm. Ông ấy sẽ làm những gì ông ấy đã hứa trong chiến dịch tranh cử", một quan chức Nhà Trắng hiểu rõ suy nghĩ của ông Trump cho biết.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, các trợ lý hàng đầu như Giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia Gary Cohn và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã thành công trong việc hạn chế chương trình thuế quan của ông Trump.
Theo một số quan chức hiện tại và trước đây, các trợ lý thường tìm cách lái ông Trump theo những hướng khác trong các cuộc họp căng thẳng tại Phòng Bầu dục. Nhà Trắng trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump thường xuyên xảy ra tranh cãi và mâu thuẫn nội bộ, khi nhóm cố vấn của ông không chỉ xung đột về tính cách mà cả ý thức hệ.
Lần này, nội bộ Nhà Trắng ít xảy ra đấu đá hơn nhiều. Một số người nắm được tình hình cho biết, nhóm cố vấn của tổng thống ít khi thể hiện quan điểm bất đồng với ông Trump về một cuộc đại tu chính sách thương mại toàn diện.
Người của Hội đồng Kinh tế quốc gia Nhà Trắng, Bộ Thương mại, Hội đồng Cố vấn Kinh tế và Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ tham gia nhóm xây dựng công thức thuế quan với từng quốc gia cụ thể.
Ban đầu, người của văn phòng thương mại đã dành nhiều tuần để gọi điện cho các công ty Mỹ hoạt động ở nước ngoài để tìm hiểu xem họ đang đối mặt với những thách thức gì, đồng thời nghiên cứu chính sách của từng quốc gia, bao gồm chính sách tiền tệ, ảnh hưởng đến hoạt động thương mại của họ với Mỹ như thế nào.
Nhiều phương pháp phức tạp hơn đã được đưa ra, nhưng cuối cùng ông Trump chọn cách đơn giản.
Tàu container Ever Most cập cảng Oakland ngày 3/4. (Ảnh: AP)
Tệ gấp đôi dự báo
Có mặt trong phòng họp khi ông Trump cân nhắc kế hoạch thuế quan là một nhóm cố vấn hàng đầu của Nhà Trắng về các vấn đề kinh tế: Cố vấn thương mại cấp cao Navarro, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent, Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick, Đại diện thương mại Jamieson Greer, Phó Chánh văn phòng phụ trách chính sách Stephen Miller, Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Kevin Hassett, và Phó Tổng thống JD Vance, Chánh văn phòng Nhà Trắng Susie Wiles.
Tất cả đều ủng hộ chính sách của ông Trump. Ông Trump có vẻ tin rằng một đội ngũ trung thành trong Nhà Trắng sẽ giúp nhiệm kỳ của ông hiệu quả hơn.
Khi ý tưởng về thương mại của vị tổng thống gây ra sự tàn phá cho nền kinh tế toàn cầu, một số đồng minh của ông cũng đã tỏ ra bối rối và lo ngại. Hai ngày sau khi đưa ra thông báo về chính sách thuế đối ứng, thị trường tài chính tiếp tục chao đảo.
Cho đến tận tuần trước, các nghị sĩ cấp cao của đảng Cộng hòa tại Hạ viện cũng không biết ông Trump sẽ đưa ra chính sách thuế mới như thế nào.
Giới lãnh đạo doanh nghiệp trên khắp các ngành đã sốc với mức thuế quan mà ông Trump đưa ra trong “Ngày giải phóng”. Họ cũng kinh ngạc với phương pháp mà Nhà Trắng sử dụng để tính toán mức thuế.
Trước khi có công bố, một số công ty đã dự đoán kịch bản tồi tệ nhất, nhưng những con số được ông Trump đưa ra “tệ gấp đôi” so với dự đoán của các doanh nghiệp.
Một màn hình hiển thị tin tức tài chính ở sàn chứng khoán New York ngày 3/4. (Ảnh: AP)
Chỉ đòi nhượng bộ
Các nhà lãnh đạo nước ngoài cũng bối rối và cố gắng tìm câu trả lời.
Khi họp với các đối tác thương mại trong những tuần trước khi ông Trump thông báo mức thuế mới, các quan chức thương mại của Nhà Trắng nêu ra cái gọi là “bảng điều kiện”.
Đó không phải là những điều kiện có đi có lại để các bên đều có lợi, mà Nhà Trắng chỉ yêu cầu các nước phải chấp thuận nhượng bộ, một nhà ngoại giao nước ngoài tham gia sâu vào các cuộc trao đổi cho biết.
Theo thông tin từ nhà ngoại giao này, chính quyền Trump muốn các nước xóa bỏ quy định và rào cản để Mỹ tăng cường xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của họ ra nước ngoài.
Điều đó khiến các đối tác nước ngoài tự hỏi rằng liệu họ có thể tránh được thuế quan của Mỹ bằng cách cắt giảm thuế của riêng họ hay không.
Trong tình hình hỗn loạn, các quốc gia trên khắp thế giới đã tham khảo ý kiến của nhau để cố gắng hiểu chiến lược và ý đồ của Mỹ, nhà ngoại giao cho biết.
Một số quốc gia sửa đổi chính sách trước thời hạn để tránh mức thuế quan tồi tệ nhất, nhưng không phải lúc nào cũng thành công.
Tuần trước, Chính phủ Ấn Độ công bố kế hoạch bãi bỏ mức thuế 6% đối với doanh thu quảng cáo của các công ty nước ngoài, nhưng sau đó vẫn bị Mỹ áp mức thuế 26%, dựa trên một công thức không tính đến thay đổi chính sách của New Delhi.
Trong một cuộc phỏng vấn trên Fox News ngày 3/4, Phó Tổng thống Vance dường như thừa nhận tác động ngắn hạn mà thuế quan có thể gây ra cho người Mỹ. Ông nói rằng sẽ không cảm thấy nhẹ nhõm về kinh tế chỉ sau một đêm.
"Đúng vậy, đây là một sự thay đổi lớn. Tôi sẽ không né tránh nó, nhưng chúng ta cần một sự thay đổi lớn", Phó tổng thống nói.
Trong khi đó, ông Trump so sánh tác động của chính sách mới với một ca phẫu thuật. Khi thị trường chứng khoán sụt giảm, ông viết trên Truth Social rằng bệnh nhân đang "CHỮA LÀNH".
Thu Loan
Theo Washington Post
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/phia-sau-cong-thuc-thue-chao-dao-cua-tong-thong-my-trump-post1731222.tpo