Phía sau đà tăng tín dụng, nhiều ngân hàng đối diện nỗi lo NIM và dự phòng suy yếu

Phía sau đà tăng tín dụng, nhiều ngân hàng đối diện nỗi lo NIM và dự phòng suy yếu
5 giờ trướcBài gốc
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 30/6/2025, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt 9,9% so với đầu năm, vượt xa mức 6,1% cùng kỳ. Mức tăng mạnh này chủ yếu được dẫn dắt bởi tín dụng doanh nghiệp nhờ mặt bằng lãi suất cho vay vẫn duy trì thấp. Ngược lại, tín dụng bán lẻ tăng chậm hơn do nhu cầu yếu, phản ánh quá trình phục hồi dè dặt của thị trường vay mua nhà và tiêu dùng.
Tăng trưởng tín dụng lan rộng, nhiều động lực giúp bứt tốc cuối năm
Số liệu sơ bộ từ các ngân hàng thương mại cho thấy, đà tăng trưởng tín dụng đang lan rộng toàn ngành. Phát biểu tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 vừa diễn ra, ông Nguyễn Thanh Tùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank cho biết, trong 6 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng của ngân hàng đạt 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 11,1% so với cuối năm 2024. Chất lượng tín dụng tiếp tục được kiểm soát hiệu quả với tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 1%.
Nửa đầu năm 2025, Vietcombank tập trung cấp tín dụng cho lĩnh vực sản xuất, các ngành ưu tiên, tài trợ nhiều dự án lớn, đồng thời đẩy mạnh tín dụng xanh, xuất khẩu và khách hàng FDI. Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng tối thiểu 16,5% trong năm 2025.
Dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank tính đến hết tháng 6/2025 đạt hơn 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 7,6% so với đầu năm và cao hơn cùng kỳ.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietinBank cũng cho biết, ngân hàng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong 6 tháng đầu năm, với dư nợ tín dụng ước tăng khoảng 10% so với cuối năm 2024.
Nguồn: MBS.
Trong báo cáo ngành ngân hàng được Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) công bố ngày 11/7 với tựa đề: "Chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ hỗ trợ tăng trưởng trong giai đoạn 2025 - 2026", MBS nhận thấy, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tăng nhanh hơn so với nhóm ngân hàng thương mại nhà nước.
Tuy nhiên, biên lãi ròng (NIM) của khối ngân hàng tư nhân lại suy giảm mạnh hơn, do triển khai chiến lược hạ lãi suất cho vay tích cực. Ngược lại, các ngân hàng quốc doanh duy trì lãi suất đầu ra ổn định kể từ khi chính sách tiền tệ được nới lỏng từ quý III/2023.
Nhóm phân tích dự báo hoạt động cho vay trong nửa cuối năm 2025 và ước tăng trưởng đạt khoảng 17 - 18% cả năm nhờ nhiều yếu tố chính. Theo đó, kỳ vọng tiến độ sẽ được đẩy nhanh trong phần còn lại của năm nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8%. Tính đến tháng 5/2025, giải ngân đạt 7,7 tỷ USD, tăng 38,8% cùng kỳ, mới hoàn thành 25,2% kế hoạch cả năm.
"Hướng tới bỏ “room tín dụng” sẽ giúp các ngân hàng có nền tảng vững mạnh tăng khả năng cạnh tranh nhờ tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cao, tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) thấp. Đồng thời, người vay có lịch sử tín dụng tốt không bị giới hạn vay vốn vì lý do kỹ thuật. Việc bỏ room cũng kỳ vọng sẽ xóa bỏ tình trạng "đẩy tín dụng" vào cuối quý, cuối năm" - MBS đánh giá.
Cùng với đó, thực thi Nghị quyết số 68-NQ/TW, giúp tăng vai trò kinh tế tư nhân với tỷ trọng đóng góp GDP dự kiến đạt 55-58% và 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030. Các hỗ trợ bao gồm miễn lệ phí môn bài và thuế thu nhập doanh nghiệp 3 năm đầu cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, khuyến khích cấp tín dụng theo dòng tiền thay vì tài sản đảm bảo, giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp vừa và nhỏ và startup.
Đối với lĩnh vực bất động sản, Nghị quyết số 68-NQ/TW cũng tháo gỡ hiệu quả các nút thắt pháp lý và hành chính với các biện pháp như: chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, khuyến khích mô hình vay mới dựa trên dòng tiền, phân định rõ trách nhiệm pháp nhân - cá nhân.
MBS kỳ vọng hầu hết các ngân hàng sẽ đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025, dù phải đối mặt với áp lực suy giảm biên lãi ròng (NIM). Những ngân hàng có các đặc điểm sau sẽ có khả năng tăng trưởng mạnh mẽ hơn: (i) tỷ trọng dư nợ cao ở các lĩnh vực hưởng lợi từ chính sách như đầu tư công và doanh nghiệp vừa và nhỏ; (ii) duy trì NIM và chất lượng tài sản ổn định so với mặt bằng ngành; (iii) tăng trưởng huy động mạnh trong quý I/2025 giúp đảm bảo thanh khoản.
Bao phủ nợ xấu suy yếu, khả năng trích lập dự phòng giảm tốc
Về chất lượng tài sản, theo MBS, tỷ lệ nợ xấu (NPL) dao động quanh mức 2% trong 2 năm qua và chưa có xu hướng cải thiện rõ ràng. Nợ nhóm 2 giảm nhưng dự phòng bao nợ xấu (LLR) biến động do nhiều ngân hàng giảm tốc trích lập.
"Do đó, chúng tôi lo ngại rằng kết quả kinh doanh dự kiến kém tích cực sẽ làm giảm đáng kể khả năng mở rộng dự phòng của các ngân hàng trong vài năm tới, đồng nghĩa với việc chất lượng tài sản khó có thể cải thiện rõ rệt vào cuối năm 2025. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh cho vay bán lẻ cũng tạo thêm áp lực lên NPL của các ngân hàng niêm yết trong trung hạn" - MBS lo ngại.
Phía sau đà tăng tín dụng, nhiều ngân hàng đối diện nỗi lo NIM và dự phòng suy yếu. Ảnh: T.L.
Tỷ lệ bao phủ rơi về đáy kể từ đại dịch
"Tỷ lệ NPL đã bất ngờ giảm 34 điểm cơ bản cuối quý IV/2024 (từ 2,25% xuống 1,91%) nhưng nhanh chóng tăng lại lên 2,15% vào cuối quý I/2025. Trong khi đó, nợ nhóm 2 duy trì xu hướng giảm, nhưng LLR tiếp tục suy giảm còn 80,2%, mức thấp nhất kể từ Covid-19" - MBS phân tích.
Hầu hết các ngân hàng trong phạm vi theo dõi ghi nhận chất lượng tài sản giảm trong quý I/2025 dù tín dụng cải thiện, với tỷ lệ NPL tăng 5 - 55 điểm cơ bản so với đầu năm. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ nhóm 2 không đổi hoặc giảm tại các ngân hàng đã chủ động trích lập như: VPBank, VietinBank, VIB, trong khi vẫn tăng ở phần còn lại.
Dựa trên dự báo chất lượng tài sản không được cải thiện rõ rệt và chính sách trích lập thận trọng, MBS ước tính tỷ lệ LLR của các ngân hàng niêm yết chỉ tăng nhẹ vào cuối năm 2025.
Đánh giá triển vọng 2025, MBS dự báo tín dụng sẽ được dẫn dắt mạnh hơn bởi mảng bán lẻ. Do đó, các ngân hàng có khả năng duy trì trích lập dự phòng tương đương năm trước để kiểm soát nợ xấu. Chi phí dự phòng được ước tính tăng 12,5% so với cùng kỳ trong năm 2025, cao hơn mức 7,5% năm 2024, nhưng thấp hơn mức 16,9% dự báo trước đó nhờ xu hướng nợ nhóm 2 giảm và trích lập thấp hơn dự kiến trong quý I/2025./.
Ánh Tuyết
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/phia-sau-da-tang-tin-dung-nhieu-ngan-hang-doi-dien-noi-lo-nim-va-du-phong-suy-yeu-179896.html