Hai nước Đông Nam Á đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ

Hai nước Đông Nam Á đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ
5 giờ trướcBài gốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo đã đạt được thỏa thuận thương mại với Philippines, Indonesia. Ảnh: Reuters.
Ngày 22/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc gặp với Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos tại Nhà Trắng, theo Reuters.
Sau cuộc gặp, ông Trump thông báo hai bên đã hoàn tất một thỏa thuận thương mại và Philippines sẽ mở cửa thị trường cho hàng hóa của Mỹ với mức thuế 0%.
Philippines, Indonesia chịu thuế 19%
Ở chiều ngược lại, Mỹ sẽ áp thuế 19% đối với hàng hóa của Philippines.
Theo ông Trump, ngoài vấn đề thuế quan, hai nước cũng sẽ tăng cường hợp tác về mặt quân sự.
Như vậy, Philippines là quốc gia Đông Nam Á tiếp theo đạt được thỏa thuận với Mỹ, với mức thuế đối ứng mới tương đương Indonesia.
Trước đó, Indonesia cũng đã đồng ý xóa bỏ thuế quan đối với hơn 99% hàng hóa của Mỹ, đồng thời dỡ bỏ tất cả các rào cản phi thuế quan đối với các doanh nghiệp của nước này.
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Mỹ sẽ giảm mức thuế dự kiến áp lên các sản phẩm của Indonesia từ 32% xuống còn 19%.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump ca ngợi thỏa thuận này và gọi đây là “một chiến thắng lớn cho các nhà sản xuất ôtô, các công ty công nghệ, người lao động, nông dân, chủ trang trại và các nhà sản xuất”.
Các chi tiết về thỏa thuận đã được công bố trong tuyên bố chung của 2 nước và một bản thông tin do Nhà Trắng phát hành. Đồng thời, Indonesia và Mỹ cho biết các nhà đàm phán sẽ hoàn tất thỏa thuận chính thức trong vài tuần tới.
“Từ hôm nay, Mỹ và Indonesia đã đồng ý về một thỏa thuận thương mại nhằm tăng cường quan hệ kinh tế song phương, qua đó mang lại cho các nhà xuất khẩu của cả 2 quốc gia quyền tiếp cận thị trường của nhau ở mức chưa từng có”, tuyên bố nêu rõ.
Thỏa thuận với Indonesia nằm trong số ít các thỏa thuận mà chính quyền Trump đạt được trước thời hạn ngày 1/8.
Một quan chức cấp cao của chính quyền ông Trump cho biết theo thỏa thuận, Indonesia sẽ ngay lập tức hủy bỏ kế hoạch áp thuế đối với dòng dữ liệu internet và đồng ý ủng hộ việc gia hạn lệnh cấm lâu dài của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đối với thuế quan thương mại điện tử.
Đồng thời, Indonesia cũng sẽ dỡ bỏ các quy định kiểm tra và xác minh mà nước này mới ban hành đối với hàng xuất khẩu của Mỹ. Đây là những quy định vốn gây khó khăn cho nông sản của Mỹ và góp phần làm gia tăng thâm hụt thương mại với mặt hàng này.
Thỏa thuận này có thể giúp khôi phục thặng dư thương mại hàng nông sản mà Mỹ từng có với Indonesia, trước thời điểm nước này áp dụng các yêu cầu kiểm tra khi xuất khẩu.
Indonesia đồng ý chấp nhận các Tiêu chuẩn An toàn Xe cơ giới Liên bang của Mỹ đối với các loại xe xuất khẩu từ Mỹ sang quốc gia này.
Nước này cũng chấp thuận dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu đối với hàng hóa công nghiệp, bao gồm các khoáng sản quan trọng.
Hai nước cho biết sẽ đàm phán về quy tắc xuất xứ để đảm bảo lợi ích từ thỏa thuận chủ yếu dành cho Mỹ và Indonesia, cũng như không bị các nước thứ 3 lợi dụng.
Indonesia cam kết tháo gỡ các rào cản đối với hàng hóa Mỹ, bao gồm việc dỡ bỏ các hạn chế nhập khẩu và yêu cầu cấp phép đối với hàng hóa hoặc linh kiện tái chế từ Mỹ.
Ngoài ra, Indonesia đồng ý tham gia Diễn đàn toàn cầu về năng lực sản xuất dư thừa thép và thực hiện các biện pháp nhằm giải quyết tình trạng dư thừa năng lực sản xuất thép toàn cầu.
Nhật Bản chịu thuế 15%
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã tuyên bố đạt được "thỏa thuận lớn nhất từ trước đến nay" với Nhật Bản, bao gồm thuế đối ứng ở mức 15% đối với hàng xuất khẩu của Nhật sang Mỹ.
Đổi lại, Nhật Bản sẽ đầu tư 550 tỷ USD vào Mỹ, trong đó Mỹ dự kiến "nhận được 90% lợi nhuận" và có thêm hàng trăm nghìn việc làm, theo lời ông Trump. Đặc biệt, ông Trump tiết lộ Nhật Bản cũng sẽ mở cửa thị trường cho thương mại, bao gồm ôtô, xe tải, gạo, một số mặt hàng nông sản, cùng với các sản phẩm khác.
Đồ họa: Phan Nhật.
Ngày 7/7, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã bắt đầu gửi thư báo thuế tới 26 đối tác thương mại. Các mức thuế mới của Mỹ dao động 19-50%, phần lớn bằng hoặc tương đương ngưỡng công bố ngày 2/4.
Hiện, khi các mức thuế đối ứng chưa có hiệu lực, các quốc gia đều chịu thuế cơ bản 10% khi bán hàng sang Mỹ.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick mới đây khẳng định thời hạn các nước phải trả thuế nhập khẩu cho hàng hóa vào Mỹ sẽ không thay đổi thêm và thuế nhập khẩu của Mỹ sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8.
Tuy nhiên, ông Lutnick khẳng định việc bắt đầu thu thuế không đồng nghĩa "Mỹ sẽ không tiếp tục đàm phán sau ngày này".
Anh Nguyễn
Nguồn Znews : https://znews.vn/hai-nuoc-dong-nam-a-dat-thoa-thuan-thuong-mai-voi-my-post1570883.html