Bộ trưởng Năng lượng Raphael Lotilla. Ảnh AFP
Phát biểu tại cuộc họp báo tuần này, Bộ trưởng Năng lượng Raphael Lotilla cho biết Manila đang thảo luận với Đài Bắc và nhận được sự quan tâm từ nhiều nước khác. “Không chỉ Đài Loan, mà còn nhiều quốc gia đang tiếp cận chúng tôi vì nhận thấy tiềm năng dư thừa năng lượng tái tạo trong tương lai”, ông nói.
Nếu được hiện thực hóa, đây sẽ là một trong những nỗ lực xuất khẩu điện sạch hiếm hoi trong khu vực châu Á – nơi ý tưởng kết nối lưới điện xuyên biên giới đã được đề xuất từ nhiều thập kỷ, nhưng vẫn vấp phải rào cản chính trị và kỹ thuật.
Ông Lotilla cho biết thêm, Philippines cũng đang đàm phán với một số quốc gia Đông Nam Á trong khuôn khổ Sáng kiến Lưới điện ASEAN – dự án liên kết hệ thống điện giữa các nước trong khu vực. Riêng với Đài Loan và các nước ngoài ASEAN, Manila cần xem xét thêm về cơ chế hợp tác phù hợp.
Trong khu vực Đông Nam Á, Philippines hiện là một trong những nước đi đầu trong phát triển năng lượng tái tạo. Chính phủ đã nới lỏng nhiều quy định để thu hút đầu tư, cả trong nước lẫn quốc tế. Mục tiêu của nước này là nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên 35% tổng nguồn điện vào năm 2030, và lên 50% vào năm 2040.
Tuy nhiên, do lượng hồ sơ đầu tư tăng đột biến, Philippines từng tạm dừng tiếp nhận và xử lý đơn đăng ký dự án năng lượng tái tạo trong 5 tháng vào năm ngoái.
Về phía Đài Loan, chính quyền đang xem xét việc xây dựng các nhà máy điện tái tạo ở các quốc gia láng giềng – trong đó có Philippines – để nhập khẩu điện phục vụ nhu cầu khai thác trong nước. Bộ trưởng Kinh tế Đài Loan Kuo Jyh-huei cho biết, nguồn điện sạch từ Philippines có thể giúp các doanh nghiệp xuất khẩu Đài Loan giảm dấu chân carbon, trong khi giá thành vẫn giữ ở mức dưới 5 Đài tệ (tương đương 17 cent Mỹ) mỗi kilowatt-giờ.
Trong khi theo đuổi kế hoạch xuất khẩu điện sạch, Philippines cũng đang đẩy mạnh các nỗ lực thăm dò khí đốt trong nước. Thứ trưởng Bộ Năng lượng Alessandro Sales tiết lộ nước này sẽ đấu thầu ba dự án thăm dò khí đốt trong năm nay – hai ở vùng biển Sulu và một tại tỉnh Palawan.
Bối cảnh này diễn ra trong lúc các cuộc đàm phán với Trung Quốc về hợp tác khai thác tài nguyên ở Biển Đông đang rơi vào bế tắc do căng thẳng giữa hai nước. Vì vậy, Manila đang tích cực chuyển hướng sang những khu vực trong nước được đánh giá là giàu tiềm năng dầu khí.
Nh.Thạch
AFP