Phim trường số - Bệ phóng cho nghệ thuật số tại Thái Nguyên

Phim trường số - Bệ phóng cho nghệ thuật số tại Thái Nguyên
7 giờ trướcBài gốc
Các chuyên gia và giáo viên hướng dẫn sinh viên Trường Đại học Công nghệ - Thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên) tham gia sản xuất bộ phim hoạt hình số “Dế mèn: Cuộc phiêu lưu tới xóm lầy lội” - Dự án Phim trường số đầu tiên của Thái Nguyên.
Trong dòng chảy mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, khi công nghệ số đang thâm nhập vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, việc phát triển nghệ thuật số không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là cơ hội để các địa phương như Thái Nguyên tạo ra đột phá trong phát triển văn hóa gắn với kinh tế số. Dự án Phim trường số - một sản phẩm sáng tạo của tỉnh Thái Nguyên - ra đời trong bối cảnh ấy, là sự kết tinh giữa tầm nhìn chiến lược, năng lực công nghệ và khát vọng chinh phục lĩnh vực nghệ thuật số của đội ngũ tri thức trẻ.
Không chỉ là một phim trường theo nghĩa truyền thống, đây còn là nền tảng sáng tạo mang tính mở, tích hợp cả nền tảng công nghệ số, quy trình sản xuất, chương trình đào tạo nguồn nhân lực và tổ chức sản xuất chuyên nghiệp phục vụ sáng tạo nội dung số. Mô hình này được xây dựng trên nền tảng hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp công nghệ và nhà trường, đảm bảo tính thực tiễn, cập nhật công nghệ mới và khả năng thương mại hóa sản phẩm đầu ra.
Nhân lực chính của phim trường là sự kết hợp giữa hơn 200 chuyên gia công nghệ - truyền thông của Tập đoàn Minh Việt, Công ty cổ phần CinePlus và gần 10.000 sinh viên của ICTU, trong đó có khoảng 2.000 sinh viên chuyên ngành đồ họa số và 100 sinh viên thuộc nhóm chất lượng cao. Đây là lực lượng lao động trẻ, dồi dào, có sức sáng tạo lớn, chi phí hợp lý và đặc biệt là được đào tạo bài bản với định hướng thực hành - thực chiến. Sự góp mặt của đội ngũ sinh viên không chỉ giúp tiết kiệm chi phí vận hành mà còn tạo ra môi trường học tập - làm việc thực tiễn lý tưởng, kết nối trực tiếp giữa đào tạo và sản xuất.
Sinh viên Trường Đại học Công nghệ - Thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên) tham gia sản xuất bộ phim hoạt hình số “Dế mèn: Cuộc phiêu lưu tới xóm lầy lội”.
Theo PGS.TS Phùng Trung Nghĩa, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ - Thông tin và Truyền thông: Dự án phim đầu tiên mang dấu ấn của Phim trường số là bộ phim hoạt hình số “Dế mèn: Cuộc phiêu lưu tới xóm lầy lội”, dự kiến công chiếu toàn quốc vào ngày 30/5/2025. Đây không chỉ là sản phẩm nghệ thuật mà còn là lời tuyên ngôn cho hành trình bước vào lĩnh vực điện ảnh số một cách bài bản và có chiến lược của Thái Nguyên. Lấy cảm hứng từ văn học thiếu nhi và văn hóa dân gian, bộ phim hứa hẹn mang đến một thế giới nghệ thuật sống động, đậm đà bản sắc dân tộc trong hình thức thể hiện hoàn toàn mới - hoạt hình kỹ thuật số.
Không dừng lại ở đó, từ năm 2026, Phim trường số đặt mục tiêu mỗi năm sẽ sản xuất ít nhất một tác phẩm điện ảnh khai thác đề tài văn hóa - lịch sử Việt Nam. Ngoài điện ảnh, sản phẩm của phim trường còn bao gồm phim bộ trực tuyến, truyện tranh kỹ thuật số, trò chơi giải trí, nền tảng truyền thông số và đặc biệt là đội ngũ nhân sự trẻ có năng lực hội nhập quốc tế. Phim trường số cũng đặt ra sứ mệnh cung cấp nhân lực chất lượng cao cho thị trường nội dung số trong nước và toàn cầu - nơi đang khát nguồn nhân lực sáng tạo nhưng am hiểu văn hóa bản địa.
Các chuyên gia cùng sinh viên Trường Đại học Công nghệ - Thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên) tham gia sản xuất bộ phim hoạt hình số “Dế mèn: Cuộc phiêu lưu tới xóm lầy lội”.
Điểm đặc biệt của Phim trường số là tầm nhìn kết hợp giữa nghệ thuật và công nghệ, giữa bản sắc văn hóa dân tộc và xu hướng toàn cầu. Trong bối cảnh Việt Nam đang đặt mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa thành ngành kinh tế mũi nhọn, Phim trường số Thái Nguyên được kỳ vọng sẽ là trung tâm nội dung số lớn của khu vực miền núi trung du phía Bắc - vừa gìn giữ di sản, vừa đổi mới sáng tạo để chinh phục khán giả thế giới.
Dưới góc nhìn của các chuyên gia, mô hình này không chỉ là lời giải cho bài toán “kinh tế hóa văn hóa”, mà còn mở ra hướng đi hiệu quả trong gắn kết giữa đào tạo và thực tiễn, giữa nhà trường - doanh nghiệp - chính quyền trong phát triển hệ sinh thái sáng tạo số. Đặc biệt, việc chọn đặt phim trường tại ICTU cho thấy tư duy chiến lược trong việc tận dụng nguồn lực tri thức và công nghệ tại chỗ, vừa phát huy lợi thế về nhân lực, vừa góp phần định hình một trung tâm đổi mới sáng tạo ở quy mô vùng.
Phim trường số là bước đi tiên phong và táo bạo, thể hiện quyết tâm của tỉnh Thái Nguyên trong hành trình xây dựng nền kinh tế số gắn với văn hóa bản địa. Với nền tảng công nghệ hiện đại, đội ngũ nhân lực trẻ trung, sáng tạo và khát vọng chinh phục thị trường nội dung số, Phim trường số hứa hẹn sẽ trở thành biểu tượng mới của Thái Nguyên trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa - nghệ thuật số.
Thảo Nguyên
Nguồn Thái Nguyên : https://baothainguyen.vn/nghi-quyet-57/doi-moi-sang-tao---vi-thai-nguyen-than-yeu/202505/phim-truong-so-be-phong-cho-nghe-thuat-so-tai-thai-nguyen-9da28db/