Học sinh Trường THPT Tân Uyên (Lai Châu) sân khấu hóa kiến thức pháp luật về phòng chống buôn bán người. Ảnh: Hà Thuận
Hiện công tác này được các trường, ngành Giáo dục địa phương thực hiện thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.
Bà Đào Thị Hường - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang: Gắn lý thuyết với thực tiễn
Bà Đào Thị Hường.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Bắc Giang, Sở GD&ĐT Bắc Giang đã chỉ đạo triển khai các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật phong phú, đa dạng tại các cơ sở giáo dục.
Theo đó, ngay đầu năm học, các trường đã tổ chức hiệu quả tuần sinh hoạt công dân - học sinh đầu năm nhằm tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cũng như truyền thống, nội quy quy định của nhà trường.
Năm học 2023 - 2024, Sở GD&ĐT tổ chức và phối hợp tổ chức 14 cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật với sự tham gia của hơn 560.000 lượt học sinh; đồng thời tổ chức thi chọn học sinh giỏi môn Giáo dục công dân.
Sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên toàn tỉnh tổ chức hơn 3.000 buổi ngoại khóa, diễn đàn, tọa đàm, sân khấu hóa tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; thành lập 121 câu lạc bộ tìm hiểu pháp luật, khai thác tài liệu pháp luật trong thư viện (100% thư viện các nhà trường đều được trang bị tài liệu pháp luật), qua các bản tin nội bộ, hệ thống loa truyền thanh của nhà trường.
Website của 100% đơn vị, trường học trên địa bàn duy trì thường xuyên chuyên mục Phổ biến pháp luật, tạo dựng môi trường cởi mở, thân thiện giúp học sinh dễ dàng tiếp thu kiến thức pháp luật... Các trường tổ chức giảng dạy lồng ghép hiệu quả nội dung này vào môn học Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân/Giáo dục kinh tế và pháp luật...
Với các hình thức phong phú, đa dạng, trong những năm qua công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong toàn ngành GD&ĐT Bắc Giang có chuyển biến tích cực. Ý thức về chấp hành pháp luật trong đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, học sinh, sinh viên có nhiều chuyển biến.
Hành vi vi phạm pháp luật giảm đáng kể, đơn thư khiếu nại, tố cáo giảm; quy trình khiếu nại, tố cáo bảo đảm đúng quy định. Quy chế chuyên môn thực hiện nghiêm túc, nền nếp, an ninh trường học bảo đảm, góp phần nâng cao ý thức tự tìm hiểu và chấp hành pháp luật của học sinh.
Để nâng cao hiệu quả, tôi cho rằng, cần tiếp tục tăng cường sự phối hợp của các sở, ban, ngành liên quan trong phổ biến giáo dục pháp luật đến đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên, học sinh.
Xây dựng kế hoạch đào tạo và đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, phương pháp dạy học cho đội ngũ giáo viên giảng dạy môn Giáo dục công dân/Giáo dục kinh tế và pháp luật. Củng cố và bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật của ngành Giáo dục. Tổ chức tập huấn, triển khai việc tích hợp phổ biến giáo dục pháp luật, giáo dục kỹ năng sống trong các môn học đối với mỗi cấp học.
Trường THCS Thụy Trường (Thái Thụy, Thái Bình) phối hợp với Đồn biên phòng Cửa khẩu cảng Diêm Điền, Công an huyện tuyên truyền về công tác Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Ảnh: NTCC
Các đơn vị, trường học trong quá trình tổ chức phổ biến giáo dục pháp luật, thường xuyên gắn lý thuyết với thực tiễn bằng những ví dụ minh họa cụ thể, gần gũi, chú trọng các nội dung gắn với cuộc sống hằng ngày của học sinh.
Đặc biệt, chú trọng giáo dục nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, thói quen ứng xử có văn hóa theo pháp luật của người học. Thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, triển khai chương trình cụ thể như: Tổ chức “Ngày pháp luật” định kỳ, thi tìm hiểu pháp luật, kể chuyện pháp luật,... đánh giá kết quả thực hiện với từng nội dung triển khai.
Cũng cần chú trọng công tác thi đua, khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Xây dựng tiêu chí, đối tượng, chỉ tiêu cụ thể để xét khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Đồng thời đưa kết quả thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật thành một tiêu chí đánh giá chất lượng, mức độ hoàn thành công việc để xếp loại cán bộ, giáo viên, nhân viên, cơ quan, đơn vị hàng năm.
Ông Võ Văn Bé Hai - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre: Đa dạng hình thức phổ biến
Ông Võ Văn Bé Hai.
Trong những năm qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật luôn được Sở GD&ĐT Bến Tre quan tâm triển khai. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho học sinh, được thực hiện thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, trong đó có việc tổ chức thi tìm hiểu pháp luật.
Hoạt động ngoại khóa tìm hiểu kiến thức pháp luật đã tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích, tăng cường giao lưu học hỏi của học sinh giữa các trường trong cụm.
Thông qua hoạt động tiếp tục tuyên truyền, cung cấp kiến thức pháp luật cơ bản, bồi dưỡng kỹ năng xử lý tình huống pháp lý, xây dựng, hình thành thói quen chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật; nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành và bảo vệ pháp luật.
Năm 2023, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo toàn ngành tiếp tục nâng cao chất lượng công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường. Để nâng cao hiệu quả hoạt động, các cơ sở giáo dục đã triển khai tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Lồng ghép giáo dục pháp luật cho học sinh thông qua bài giảng; phối hợp giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức; gắn việc giảng dạy và học tập pháp luật với rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong tìm hiểu kiến thức và vận dụng pháp luật trong xử lý tình huống thực tế.
Các nhà trường cũng đẩy mạnh hoạt động sinh hoạt dưới cờ, câu lạc bộ, nói chuyện chuyên đề, diễn đàn, tọa đàm, giao lưu trao đổi thông tin trong học sinh về vai trò của học sinh trong việc góp phần thực hiện tốt pháp luật. Nâng cao chất lượng hoạt động của tủ sách pháp luật, sân khấu hóa hoạt động tuyên truyền. Kết hợp giáo dục pháp luật thông qua hoạt động chính khóa với hoạt động ngoại khóa; tổ chức hoạt động hưởng ứng “Ngày Pháp luật” thường xuyên, liên tục trong cả năm.
Nhiều đơn vị phát huy hiệu quả trang mạng xã hội Facebook, Fanpage, Youtube, Twitter… tạo diễn đàn kết nối, chia sẻ thông tin phổ biến giáo dục pháp luật. Nhiều trường đã thiết kế bộ câu hỏi trắc nghiệm trên phần mềm để tổ chức các cuộc thi nhằm đa dạng hình thức phổ biến giáo dục pháp luật thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, trên mạng xã hội, điện thoại.
Hội nghị hưởng ứng 10 năm Ngày pháp luật nước CHXHCN Việt Nam của huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) và ký cam kết không tảo hôn, tổ chức tại Trường PTDTBT THCS Nậm Cắn. Ảnh: NTCC
Thực hiện kế hoạch được giao, các phòng GD&ĐT, cụm trường THPT đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng phổ biến giáo dục pháp luật cho đội ngũ giáo viên môn Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục kinh tế và pháp luật và cán bộ phụ trách công tác phổ biến giáo dục pháp luật; bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục mầm non, phổ thông, người làm công tác liên quan đến chế độ, chính sách đối với nhà giáo.
Trong thời gian tới, Sở GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo việc nâng cao nhận thức, triển khai có hiệu quả các Đề án tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp với học sinh từng cấp học. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động ngoại khóa, chuyên đề tuyên truyền giáo dục pháp luật trong các nhà trường; khuyến khích đơn vị xây dựng mô hình phù hợp, sáng tạo để tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh.
Sở GD&ĐT cũng tiếp tục chỉ đạo các trường kiện toàn cán bộ đầu mối về công tác pháp chế, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; Quan tâm bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trực tiếp thực hiện tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật.
Phát huy hiệu quả Ban tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, huy động nguồn lực xã hội, phát huy vai trò, trách nhiệm xã hội; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, đoàn thể tham gia. Nội dung chương trình, tài liệu phục vụ việc dạy và học, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường cũng tiếp tục được rà soát, hoàn thiện…
Ông Phan Hữu Huyện - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị: Chú trọng hoạt động ngoại khóa
Ông Phan Hữu Huyện.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là nội dung quan trọng trong hoạt động giáo dục ở các nhà trường. Những năm qua, ngành GD-ĐT Quảng Trị luôn coi trọng, không ngừng đổi mới nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật.
Để nâng cao hiệu quả, chất lượng phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường học, ngành Giáo dục đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục đưa vào kế hoạch giáo dục nhà trường hằng năm; tổ chức lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục pháp luật cho học sinh qua một số môn học chính khóa; chú trọng việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa như:
Thi tìm hiểu pháp luật, rung chuông vàng, mở câu lạc bộ pháp luật. Đến nay, 100% trường học xây dựng và hoàn thiện chuyên mục “Phổ biến pháp luật” trên trang thông tin điện tử; xây dựng tủ sách pháp luật; chỉ đạo, hướng dẫn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với chức năng, nhiệm vụ quyền hạn được giao...
Tuy nhiên, vẫn còn một số ít cơ sở giáo dục do cán bộ quản lý, giáo viên chưa có sự nhận thức sâu sắc về việc nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nên chưa tập trung đầu tư nguồn lực, triển khai các nội dung hoạt động đầy đủ theo quy định. Một bộ phận học sinh ý thức chấp hành pháp luật chưa cao, còn vi phạm nội quy, quy định của nhà trường, ngành.
Công tác phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật giữa các ban ngành, tổ chức, lực lượng trong và ngoài nhà trường đã có sự gắn kết nhưng chưa thường xuyên, chặt chẽ, đôi khi còn chồng chéo và giao khoán cho nhà trường. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật đều kiêm nhiệm, chưa được bồi dưỡng nhiều về kỹ năng tuyên truyền, khả năng cập nhật kiến thức pháp luật.
Các phương tiện, thiết bị hỗ trợ cho công tác phổ biến pháp luật còn hạn chế. Kinh phí dành cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường học chủ yếu lồng ghép, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.
Phiên tòa giả định tuyên truyền pháp luật tại Trường THPT Thạch Bàn (Hà Nội). Ảnh: Vân Anh
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, trong thời gian tới, Sở GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật, không để tội phạm xâm nhập vào trường học.
Chú trọng xây dựng mô hình câu lạc bộ pháp luật trong trường học. Tổ chức các hoạt động ngoại khóa thi tìm hiểu kiến thức pháp luật, tọa đàm theo chuyên đề về giáo dục pháp luật; các hoạt động trải nghiệm phù hợp với lứa tuổi, gắn giáo dục pháp luật với hình thành kỹ năng sống cho học sinh.
Đồng thời, tăng cường triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật qua ứng dụng mạng xã hội; thông qua các diễn đàn giao lưu trực tuyến, tìm hiểu pháp luật trực tuyến về các chính sách pháp luật. Tiếp tục phối hợp với Công an tỉnh, Tòa án tỉnh, Viện Kiểm sát tỉnh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chỉ đạo một số trường THPT tổ chức mô hình “Phiên tòa giả định”, “Phiên tòa lưu động” với chủ đề “Phòng chống tội phạm trong trường học”.
Tiếp tục tổ chức hội thi Rung chuông vàng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống các loại tội phạm để huy động cán bộ, giáo viên và học sinh tham gia; nhân rộng mô hình này trong khối các trường THCS.
Cùng với đó, ngành Giáo dục Quảng Trị tiếp tục triển khai Kế hoạch số 207/KH-UBND ngày 25/12/2021 của UBND tỉnh về thực hiện mô hình “Trường học văn minh, học sinh thân thiện, không tệ nạn xã hội” trong các cơ sở giáo dục, đào tạo. Tăng cường kiểm tra việc triển khai công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác phòng, chống các loại tội phạm, công tác an ninh trật tự, an toàn trường học.
Để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai có hiệu quả hơn nữa, Sở GD&ĐT đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh tăng cường phối hợp trong triển khai, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường. Đề nghị UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với phòng GD&ĐT tổ chức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ giáo viên và học sinh trên địa bàn.
Hiếu Nguyễn (Thực hiện)