Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh phổ biến quy định nhập khẩu vải thiều của một số nước tới các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, đóng gói vải thiều xuất khẩu (ảnh cơ sở cung cấp)
Sáng 14/4, tại xã Thanh Tân (Thanh Hà), Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương tổ chức hội nghị kết nối doanh nghiệp với đơn vị sản xuất nhằm thúc đẩy tiêu thụ vải thiều năm 2025.
5 doanh nghiệp cùng đại diện 48 vùng trồng, 8 cơ sở đóng gói vải thiều xuất khẩu (7 cơ sở của huyện Thanh Hà, 1 cơ sở của tỉnh Lào Cai) và một số cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp ở huyện Thanh Hà dự hội nghị...
Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã thông tin tới các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đóng gói về tình hình thị trường, xu thế tiêu dùng, yêu cầu, tiêu chuẩn về nông sản nhập khẩu, trong đó có vải thiều của các nước như Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, Pháp, Trung Quốc và một số nước EU. Chi cục phổ biến các quy định mới có liên quan đến hoạt động cấp, duy trì, thu hồi, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu.
Chi cục đề nghị huyện Thanh Hà và các cơ quan truyền thông tích cực phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu vải thiều Thanh Hà đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Chính quyền các địa phương có diện tích trồng vải tập trung chỉ đạo, giám sát các vùng trồng vải, nhất là các vùng vải phục vụ xuất khẩu. Hướng dẫn các tổ, đội sản xuất, nông dân tuân thủ nghiêm các quy trình sản xuất vải theo tiêu chuẩn an toàn, xuất khẩu, đầu tư đưa công nghệ số vào truy suất nguồn gốc sản phẩm...
Trước mắt, các tổ, đội sản xuất vải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng chủng loại đã được đăng ký trong danh mục cho phép, đúng liều lượng, bảo đảm thời gian cách ly từ 35 - 40 ngày trước khi thu hoạch.
Các doanh nghiệp thu mua vải phục vụ xuất khẩu chủ động ký hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu vụ. Thông báo chương trình ký kết cho cơ quan chuyên môn để phối hợp quản lý tốt nhất sản phẩm quả vải ở các vùng trồng phục vụ xuất khẩu. Sẵn sàng lấy mẫu quả vải để kiểm tra tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu mua.
Các doanh nghiệp xuất khẩu nghiên cứu cải tiến cách đóng gói, mẫu mã, bao bì sản phẩm phù hợp với thói quen của người tiêu dùng ở từng thị trường. Tìm các giải pháp giảm thiểu chi phí logistics để vải thiều có mức giá cạnh tranh so với các nước khác.
Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các địa phương tuân thủ các quy định về sản xuất vải phục vụ xuất khẩu (ảnh cơ sở cung cấp)
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, năm nay, Hải Dương có khoảng 8.800 ha vải thiều, trong đó huyện Thanh Hà có 3.285 ha, TP Chí Linh khoảng 3.400 ha. Việc sản xuất vải trong tỉnh cơ bản tuân thủ theo quy trình an toàn. Hải Dương hiện có 721 ha vải được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP.
Chi cục đã rà soát, đánh giá lại và hướng dẫn hoàn thiện các điều kiện để duy trì các mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Thời điểm này, Hải Dương 198 mã số vùng trồng vải phục vụ xuất khẩu, 16 cơ sở đóng gói được cấp mã số với tổng công suất đạt khoảng 650 tấn/ngày.
Năm nay, dự báo các trà vải ở Hải Dương sẽ đạt năng suất cao. Tổng sản lượng vải dự kiến đạt khoảng 55.000 tấn, trong đó vải sớm chiếm 31.500 tấn, vải chính vụ khoảng 23.500 tấn. Riêng huyện Thanh Hà ước đạt khoảng 38.000 tấn.
Năm nay, trà vải trứng trắng (sớm nhất) sẽ cho thu hoạch vào khoảng ngày 17/5. Khoảng ngày 20/5, các trà vải sớm như: u hồng, u thâm tiếp tục cho thu hoạch. Trà vải chính vụ bắt đầu từ ngày 10/6 cho đến hết tháng 6.
TIẾN MẠNH