Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng báo cáo tại phiên họp
Sáng 24-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024.
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn Nhà nước năm 2024 là 64.014 tỷ đồng.
Kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy đã giảm hàng nghìn đơn vị. Công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt.
Tuy vậy, còn 30/46 bộ, cơ quan Trung ương, và 26/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn bình quân chung của cả nước.
Về sắp xếp, xử lý nhà đất của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp Nhà nước, Chính phủ nhận định tiến độ còn chậm, kéo dài, số lượng các cơ sở nhà, đất của một số bộ, ngành, địa phương chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất tương đối lớn.
Cụ thể, tính đến hết 2024, còn 62.739 cơ sở nhà, đất công chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, hoặc xử lý.
Năm 2025, Chính phủ đặt ra 10 nhiệm vụ trọng tâm và 7 nhóm giải pháp để thực hiện. Trong đó, sẽ tăng cường quản lý, sử dụng tài sản công; tập trung vào việc sắp xếp, xử lý tài sản, đặc biệt là nhà, đất gắn với việc sắp xếp, tổ chức tinh gọn bộ máy.
Cùng đó, thu hồi triệt để các dự án treo và đẩy nhanh việc thu hồi các tài sản, đất đai nhà nước bị thất thoát, vi phạm theo các kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán...
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp
Góp ý tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, việc xử lý cơ sở nhà, đất công còn chậm, còn lãng phí vi phạm tài nguyên đất. Do đó, cần phải tập trung, đưa ra các giải pháp mang tính đột phá để thực hiện hiệu quả trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định quan tâm đến các dự án triển khai chậm tiến độ. Điển hình như Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 ở Hà Nam, thể hiện sự lãng phí và vừa rồi Tổng Bí thư phải chỉ đạo thanh tra.
Dẫn thực tế có những địa phương có rất nhiều tài sản công sử dụng không hiệu quả, bố trí cho người này, người kia mượn, cơ quan này, cơ quan kia ngồi quá rộng…, ông Nguyễn Khắc Định cho rằng, cần rà soát các tài sản công sử dụng không hiệu quả.
Đặc biệt trong bối cảnh cả nước đang thực hiện sắp xếp bộ máy của cả hệ thống chính trị, cần quan tâm vấn đề quản lý tài chính, tài sản để chống thất thoát lúc sáp nhập, chuyển đổi.
“Trụ sở, tài sản công dôi dư sau sáp nhập phải đưa vào sử dụng cho hiệu quả, chống thất thoát, chống lãng phí, chống tiêu cực” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.
Tiến Hưng