Ngày 3-4, trao đổi với PLO, ông Nguyễn Hữu Quế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho biết tỉnh kỳ vọng cao tốc Quy Nhơn - Pleiku sẽ tạo ra sự đột phá, kết nối “rừng với biển” góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Theo ông Quế, lâu nay tuyến đường bộ từ TP Pleiku (Gia Lai) đi Quy Nhơn (Bình Định) qua quốc lộ 19 mất khá nhiều thời gian, từ 3,5-4 giờ nên chi phí logistis tăng cao. Nếu cao tốc Quy Nhơn - Pleiku đi vào hoạt động sẽ rút ngắn thời gian còn 1,5 giờ và tăng lợi thế cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp là thế mạnh của địa phương như cà phê, hồ tiêu, cao su…
Theo đó, dự án sẽ tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại được nhanh chóng và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, phát triển du lịch kết nối tour “lên rừng - xuống biển và góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng.
Ông Nguyễn Hữu Quế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, kỳ vọng cao tốc Quy Nhơn - Pleiku sẽ tạo ra sự đột phá, kết nối "rừng với biển". Ảnh: LK
Để chuẩn bị cho dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku triển khai thuận lợi, tỉnh Gia Lai đã phối hợp với tỉnh Bình Định và Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng) thống nhất hướng tuyến, báo cáo tiền khả thi để trình cơ quan cấp trên. Đồng thời, quy hoạch các mỏ khoáng sản như đất san lấp, đá, cát để chuẩn bị nguồn nguyên vật liệu phục vụ thi công cao tốc.
Mặc dù địa phương còn nhiều khó khăn nhưng cũng dành một khoản kinh phí tham gia đối ứng với nguồn vốn Trung ương, đặc biệt là trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án.
“Để tận dụng tối đa lợi thế mà cao tốc Quy Nhơn - Pleiku mang lại, tỉnh Gia Lai đã quy hoạch xây dựng các cụm công nghiệp dọc tuyến qua các địa phương như An Khê, Đăk Pơ, Mang Yang, Đăk Đoa… Khi cao tốc đi vào vận hành sẽ thu hút các nhà đầu tư vào đây, góp phần tăng thêm hiệu quả sử dụng của cao tốc”, ông Quế nói.
Cao tốc Quy Nhơn - Pleiku sẽ có 3 công trình hầm xuyên đèo
Mới đây, ngày 31-3, Bộ Xây dựng đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.
Đây là dự án trọng điểm quốc gia, có tổng mức đầu tư 43.510 tỉ đồng với chiều dài 125 km qua hai tỉnh Bình Định và Gia Lai. Điểm đầu tại quốc lộ 19B (phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) và điểm cuối trên đường Hồ Chí Minh (xã Ia Kênh, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai). Dự án được đầu tư bốn làn xe, bề rộng nền đường 24 m, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Cao tốc Quy Nhơn - Pleiku sẽ có ba công trình hầm xuyên đèo An Khê và Mang Yang.
Theo báo cáo dự án tiền khả thi, cao tốc Quy Nhơn - Pleiku sẽ có ba công trình hầm qua hai đèo An Khê và Mang Yang với tổng chiều dài gần 5 km.
Tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku thuộc hành lang Đông - Tây có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng Tây Nguyên và khu vực duyên hải Trung Bộ.
Là tuyến kết nối các cửa khẩu quốc tế, các đô thị và cảng biển lớn, kết nối Tây Nguyên với khu vực duyên hải Nam Trung Bộ; khu vực Nam Lào và Đông Bắc Campuchia và là cửa ngõ ra biển của khu vực tam giác phát triển Campuchia -Lào - Việt Nam.
Dự kiến, tháng 5-2025 sẽ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, thực hiện thi công trong năm 2025 và hoàn thành năm 2029. Tổng diện tích đất chiếm dụng dự án khoảng 942 ha, số hộ bị ảnh hưởng sơ bộ khoảng 3.013 hộ.
LÊ KIẾN