Phố đi bộ hồ Ngọc Khánh sắp khai trương có gì hấp dẫn? | Hà Nội tin mỗi chiều

Phố đi bộ hồ Ngọc Khánh sắp khai trương có gì hấp dẫn? | Hà Nội tin mỗi chiều
2 giờ trướcBài gốc
Không gian đi bộ hồ Ngọc Khánh sắp đưa vào hoạt động được kỳ vọng giúp Thủ đô tiếp tục dẫn đầu toàn quốc về số lượng không gian sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hóa.
Hồ Ngọc Khánh có diện tích khoảng 3,6 ha, chu vi khoảng 750 m, nằm trên địa bàn phường Ngọc Khánh, trung tâm quận Ba Đình. Với mong muốn gìn giữ giá trị lịch sử của vùng đất xưa, công tác cải tạo, chỉnh trang hạ tầng, kiến trúc đô thị được quận Ba Đình quan tâm đến những chi tiết gợi nhớ về Giảng Võ Đường.
Dự án cải tạo hồ Ngọc Khánh có những chi tiết gợi nhớ về Giảng Võ Đường. Ảnh: Báo Kinh tế & Đô thị.
Giảng Võ Đường là khu vực luyện tập võ thuật, giảng dạy binh pháp, thao diễn quân sự cao cấp của các triều đại phong kiến tại kinh thành Thăng Long xưa. Di tích Giảng Võ Đường thời Hậu Lê được xác định nằm trên địa bàn các phường Giảng Võ, Kim Mã, Ngọc Khánh thuộc quận Ba Đình ngày nay. Hệ thống đèn chiếu sáng xung quanh hồ Ngọc Khánh đều được thiết kế hình liên quan đến tướng lính, binh lính tập luyện võ thuật với các loại vũ khí như cung tên, nỏ, kiếm, giáo.
Do những biến động của lịch sử, Giảng Võ Đường không còn, nhưng chúng ta đã xác định được chắc chắn rằng di tích này đã từng tồn tại ở khu vực Ngọc Khánh, phía Tây kinh thành Thăng Long. Tại Bảo tàng Hà Nội đang lưu giữ nhiều hiện vật quý về Giảng Võ Đường, hàm chứa trong nó nhiều câu chuyện thú vị trong lịch sử Thăng Long xưa. Nhà khảo cổ học Đỗ Văn Ninh từng nhận định: "Bộ sưu tập vũ khí này là một trong những bộ di vật hiếm quý vào bậc nhất so với tất cả phát hiện dưới lòng đất Thăng Long - Đông Kinh - Hà Nội. Phần lớn các loại hình vũ khí trong sưu tập đều có tên trong binh chế thời Lê đã được Phan Huy Chú liệt kê trong Lịch triều hiến chương loại chí. Đây là những đại diện tiêu biểu cho các chủng loại vũ khí thế kỷ XV-XVIII, có nhiều giá trị trên các lĩnh vực lịch sử, văn hóa và khoa học quân sự Việt Nam".
Có ý kiến cho rằng: sẽ là hoàn thiện hơn, nếu không gian đi bộ này dành một vị trí phù hợp trưng bày binh khí, vật dụng liên quan đến luyện tập, thao diễn võ nghệ, hoặc mô hình Giảng Võ Đường. Điều này sẽ tạo điểm nhấn khác biệt của không gian đi bộ hồ Ngọc Khánh.
Các hạng mục của dự án hồ Ngọc Khánh - Giảng Võ Đường đang được gấp rút hoàn thành đảm bảo tiến độ. Ảnh: Báo Kinh tế & Đô thị.
Về vấn đề này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội cho rằng: "Việc dành một không gian trên phố đi bộ hồ Ngọc Khánh để trưng bày binh khí, vật dụng luyện tập, hay mô hình Giảng Võ Đường không chỉ làm giàu thêm giá trị văn hóa của khu phố mà còn khơi dậy trong lòng người dân và du khách niềm tự hào về truyền thống võ học Việt Nam. Không gian trưng bày này sẽ không chỉ là một điểm nhấn khác biệt mà còn là một cách tuyệt vời để kết nối thế hệ trẻ với truyền thống, khơi dậy niềm đam mê rèn luyện thể chất và tinh thần qua võ học. Chúng ta có thể tưởng tượng một khu phố đi bộ, nơi người ta không chỉ thong thả dạo bước ngắm cảnh mà còn có thể nhìn thấy hình ảnh của những võ sư, những binh khí xưa cũ, những câu chuyện về lòng dũng cảm và sức mạnh được tái hiện - điều đó thực sự rất có ý nghĩa. Một yếu tố không kém phần quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu văn hóa cho phố đi bộ là sự đầu tư vào kiến trúc và nghệ thuật công cộng. Những tượng đài, tranh tường hay các công trình điêu khắc độc đáo không chỉ tô điểm cho không gian mà còn kể những câu chuyện văn hóa đặc sắc của Hà Nội".
Tại không gian phố đi bộ, những cây xanh cũng được trồng bổ sung để bảo đảm khoảng cách 5m/cây, bó bồn cây bằng đá tự nhiên, lắp đặt thùng rác, nhà vệ sinh công cộng, cổng chào phố đi bộ.
Khu phố kinh doanh dịch vụ - đi bộ quanh hồ Ngọc Khánh sẽ gồm toàn bộ khu vực hồ Ngọc Khánh, phố Phạm Huy Thông, 8 ngõ đi chung kết nối hồ Ngọc Khánh với các tuyến phố Kim Mã, Nguyễn Chí Thanh, La Thành và các công trình tiếp giáp thuộc ranh giới phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình.
Quận Ba Đình sẽ tổ chức sắp xếp các quầy hàng, đường đi theo hướng vừa duy trì lối đi chính của tuyến phố, rộng tối thiểu 4,5 - 5 m, vừa đảm bảo được yêu cầu phòng cháy chữa cháy, duy trì các khu vực khoảng trống để đỗ để xe ô tô trong những trường hợp cần thiết. Đặc biệt, ngoài phát triển các hoạt động kinh doanh giải trí như quán ăn, quán cà phê, khu phố sẽ tổ chức kết hợp chợ hàng hóa, sản phẩm OCOP, kết hợp với hoạt động văn hóa, văn nghệ đường phố vào ngày cuối tuần và kỳ lễ hội.
UBND phường Ngọc Khánh nhận định, khi khu phố đi bộ Ngọc Khánh đi vào hoạt động sẽ tạo thêm việc làm cho khoảng gần 450 người dân.
Những cây xanh cũng được trồng bổ sung tại không gian phố đi bộ. Ảnh: Báo Công luận.
Đã từ lâu, phố quanh hồ Ngọc Khánh đã là điểm đến quen thuộc của nhiều người dân Thủ đô. Con đường quanh đây không quá đông đúc, có hàng cây xanh che bóng mát, lại nằm cạnh hồ nên không gian thoáng đãng, mát mẻ. Ông Vũ Ngọc Châu - người dân phường Thành Công, quận Ba Đình đã tập thể dục quanh hồ Ngọc Khánh trong nhiều năm qua. Chứng kiến biết bao nhiêu sự đổi thay của khu vực, giờ đã ở tuổi gần 80, ông cho rằng một khu phố đi bộ sắp được hoàn thành sẽ có ý nghĩa rất quan trọng đối với người dân trên địa bàn và giúp mọi người có những trải nghiệm tốt hơn khi đến với hồ Ngọc Khánh. Song, cơ quan quản lý và mỗi người dân đều cần chung tay để đảm bảo vấn đề vệ sinh môi trường, giữ gìn cảnh quan và văn minh đô thị của không gian phố đi bộ.
Dự án cải tạo hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị, tổ chức phố đi bộ quanh khu vực hồ Ngọc Khánh có tổng mức đầu tư gần 30 tỷ đồng, kinh phí từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Phố đi bộ hồ Ngọc Khánh và phụ cận đưa vào hoạt động sẽ là phố đi bộ thứ hai được tổ chức trên địa bàn quận Ba Đình và là tuyến phố đi bộ thứ 7 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trước đó, vào cuối năm 2022, quận Ba Đình đã đưa vào hoạt động tuyến phố ẩm thực kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã vào dịp cuối tuần.
Với các thành phố du lịch, việc có nhiều không gian đi bộ đồng nghĩa với việc người dân, du khách có thêm nhiều điểm đến thú vị để vui chơi, giải trí, khám phá và trải nghiệm. Kiến trúc sư Nguyễn Huy Ánh, Hội Kiến trúc Việt Nam nhìn nhận, chủ trương mở rộng phố đi bộ của Hà Nội là rất đúng, nó mang lại giá trị cảnh quan của Hà Nội, khai thác được tối đa cảnh quan kiến trúc đường phố vốn có. Hà Nội cần tiếp tục lồng ghép nhiều mục tiêu trong phố đi bộ, đó là nâng cao chất lượng đô thị, quản lý đô thị, cảnh quan, kiến trúc, cây xanh, hoạt động thương mại phù hợp. Chỉ khi tạo ra được các nét đặc trưng riêng, mỗi phố đi bộ mới có thể trở thành không gian sống, góp phần nâng cao chất lượng đô thị, đem lại lợi ích cho cộng đồng cả về giá trị văn hóa, lẫn kinh tế.
Có thêm không gian đi bộ - chủ trương phù hợp với xu thế phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh của Hà Nội, nhưng cũng đồng thời đặt ra yêu cầu về việc xây dựng và phát triển những đặc trưng, giá trị văn hóa, du lịch hay kinh tế của không gian đi bộ, để phố đi bộ thực sự trở thành thương hiệu văn hóa Thủ đô.
Hoa Mai
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/pho-di-bo-ho-ngoc-khanh-sap-khai-truong-co-gi-hap-dan-ha-noi-tin-moi-chieu-269320.htm