Phó thủ tướng: Cần từng bước cân bằng cán cân thương mại tại một số thị trường đang nhập siêu

Phó thủ tướng: Cần từng bước cân bằng cán cân thương mại tại một số thị trường đang nhập siêu
2 giờ trướcBài gốc
Chiều 23-12, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai kế hoạch năm 2025.
Xuất nhập khẩu đạt kỷ lục mới
Thông tin về kết quả thực hiện nhiệm vụ của ngành Công Thương năm 2024, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho biết, năm 2024, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, ngành Công Thương đã đạt nhiều kết quả tích cực. Đó là sự đột phá về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, an ninh năng lượng được đảm bảo, cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, nguyên vật liệu đầu vào…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ của ngành Công Thương năm 2024. Ảnh: CẤN DŨNG
Đáng chú ý, Thứ trưởng Thắng cho hay xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng nổi bật và là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế với tổng kim ngạch cả năm đạt kỷ lục mới, gần 800 tỉ USD, tăng 15% so với năm trước và vượt gần 3 lần kế hoạch được giao.
“Cán cân thương mại ghi nhận năm thứ 9 liên tiếp xuất siêu ở mức cao - gần 25 tỉ USD - giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỉ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô” - bà Thắng cho hay.
Cùng đó, công nghiệp phục hồi mạnh mẽ; khai mở thành công thị trường tiềm năng lớn ở Trung Đông, Châu Phi; thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ, vượt mốc 25 tỉ USD, tăng trưởng 20% so với năm 2023 và chiếm 2/3 giá trị kinh tế số Việt Nam…
Đánh giá cao với những kết quả đạt được của ngành Công Thương, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Võ Văn Hưng cho hay trong năm 2024, hai Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đã có sự phối hợp hiệu quả, mang lại nhiều kết quả quan trọng.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Võ Văn Hưng cho hay trong năm 2024, hai Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đã có sự phối hợp hiệu quả, mang lại nhiều kết quả quan trọng. Ảnh: CẤN DŨNG
“Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 62,4 tỉ USD, Trong đó xuất siêu nông nghiệp đạt kỷ lục 18,6 tỉ USD, tăng 152 % và chiếm tỷ trọng trên 74% xuất siêu thương mại các mặt hàng năm 2024 của Việt Nam. Đây là minh chứng cho sự phối hợp hiệu quả trong việc mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu nông sản” - Thứ trưởng Hưng nói.
Để tiếp tục phát huy những kết quả này trong năm 2025, Thứ trưởng NN&PTNT đề xuất hai Bộ đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp và công thương, tích hợp dữ liệu chuỗi cung ứng nông sản trên nền tảng số, tăng cường truy xuất nguồn gốc để đáp ứng các tiêu chuẩn thị trường khó tính. Đồng thời phát triển hạ tầng thương mại và logistics nông sản, xây dựng thêm chợ đầu mối, trung tâm logistics hiện đại, và các kho lạnh để hỗ trợ bảo quản và phân phối nông sản hiệu quả.
Cùng đó là tiếp tục phối hợp trong đàm phán mở cửa thị trường, đặc biệt là các thị trường tiềm năng như EU, Nhật Bản, và Hoa Kỳ, Công nghiệp Halal, đồng thời bảo vệ quyền lợi nông sản Việt Nam trước các rào cản thương mại.
Cần từng bước cải thiện cán cân thương mại
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn biểu dương những kết quả mà ngành Công Thương đã đạt được trong năm 2024.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng đánh giá, bên cạnh những thành tựu đó thì ngành vẫn còn tồn tại những bất cập, cần tập trung giải quyết trong thời gian tới. Đó là vấn đề chi phí nguyên liệu nhập khẩu cho sản xuất kinh doanh vẫn cao, việc liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI còn thấp; sự chuyển dịch năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh còn chậm…
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn biểu dương những kết quả mà ngành Công Thương đã đạt được trong năm 2024. Ảnh: VGP
Về nhiệm vụ cho năm 2025, Phó Thủ tướng cho hay mục tiêu năm 2025 phấn đấu tăng trưởng từ 8% trở lên để tạo đà, tạo lực, tạo thế cho giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng ở mức 2 con số là yêu cầu rất cao, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, của người dân và các doanh nghiệp. Trong đó, đòi hỏi ngành công thương cần khẳng định vai trò tiên phong trong tiến trình này.
Để thực hiện được, ngành Công Thương phải tạo dựng được môi trường pháp lý thuận lợi, rõ ràng, minh bạch, khơi thông được rào cản cho phát triển sản xuất công nghiệp.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần tiếp tục xác định công tác xây dựng thể chế, chính sách là một trong ba đột phá chiến lược. Do vậy ông yêu cầu Bộ Công Thương cần khẩn trương triển khai Luật Điện lực sửa đổi; nhanh chóng triển khai nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ cho các dự án năng lượng tái tạo; vấn đề về khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; triển khai các giải pháp để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, không thể để thiếu điện.
Đồng thời rà soát, hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành chiến lược phát triển các ngành công nghiệp để nâng cao năng lực độc lập tự chủ của ngành công nghiệp Việt Nam.
Phó Thủ tướng cũng nêu rõ Bộ Công Thương đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng; củng cố mở rộng thị phần tại các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng như Nam Á, Trung Đông, Mỹ La Tinh.
“Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan thương vụ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ngoại vụ tiến hành các biện pháp tiếp xúc mở rộng thị trường, đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, tránh tình trạng phụ thuộc vào một thị trường.
Từng bước cải thiện cán cân thương mại với các thị trường Việt Nam nhập siêu theo hướng cân bằng hơn. Tăng cường các thị trường lân cận còn tiềm năng, đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch, gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững” - Phó Thủ tướng yêu cầu.
Ninh Thuận kiến nghị cơ chế đẩy nhanh tiến độ dự án điện hạt nhân
Về vấn đề khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị Bộ Công Thương xác định lộ trình triển khai các Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận để tỉnh có cơ sở điều chỉnh quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng vùng phát triển điện hạt nhân.
Về tháo gỡ cho các dự án điện tái tạo, ông Trịnh Minh Hoàng cũng kiến nghị Bộ Công Thương sớm ban hành theo thẩm quyền hoặc tham mưu cơ quan thẩm quyền ban hành các quy định pháp luật về phát triển năng lượng tái tạo đảm bảo đầy đủ, đồng bộ về quy định, hướng dẫn việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Cơ chế, chính sách giá mua điện các loại hình năng lượng tái tạo đảm bảo hấp dẫn nhà đầu tư; Rút ngắn thủ tục hành chính trong lĩnh vực triển khai đầu tư dự án chuyên ngành điện. Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng truyền tải...
AN HIỀN
Nguồn PLO : https://plo.vn/pho-thu-tuong-can-tung-buoc-can-bang-can-can-thuong-mai-post826477.html