Mới đây, tại cuộc họp với các bộ ngành về tình hình thị trường bất động sản, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, thị trường đang tồn tại nhiều vướng mắc kéo dài, “lúc đóng băng, lúc lại sốt nóng bất thường”. Điều này đã dẫn tới các biến động lớn về giá bán và gây ảnh hưởng dây chuyền tới hoạt động tín dụng, tài chính.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ rõ vấn đề hiện nay của thị trường địa ốc là sự mất cân đối giữa cung và cầu, cơ cấu sản phẩm bất hợp lý. Ảnh: VGP
Mặc dù Chính phủ và Thủ tướng đã nhiều lần chỉ đạo Bộ Xây dựng nghiên cứu, báo cáo và đề xuất giải pháp, nhưng đến nay vẫn chưa có báo cáo toàn diện nào được trình bày. Nhiều vấn đề tồn tại vẫn chưa được giải quyết. Nhiều cuộc họp, hội thảo đã được tổ chức, nhiều kết luận đã được ban hành, nhưng thực tế cho thấy chuyển biến rất chậm.
Trong khuôn khổ cuộc họp, lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam đã nêu một số nguyên nhân khiến giá bất động sản tăng cao. Trong đó có việc thiếu nguồn cung, nhất là nhà ở thương mại phân khúc trung bình; giá vật liệu xây dựng tăng mạnh.
Ngoài ra, công tác định giá đất hiện nay cũng tiêu tốn nhiều thời gian, khiến nhà đầu tư không thể triển khai dự án đúng hạn; giá đất tăng bất thường giữa các thời điểm giao đất, gây biến động mạnh và thiếu kiểm soát.
Bên cạnh các lý do trên, Phó thủ tướng cho rằng, nguyên nhân khiến giá bất động sản tăng “phi mã” còn đến từ việc quản lý chưa hiệu quả. Trình tự thủ tục hành chính, từ phê duyệt chủ trương đầu tư, thiết kế kỹ thuật, quy hoạch, định giá đất… đều còn vướng mắc.
Phó thủ tướng đã yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp chặt chẽ, chủ động rà soát toàn bộ quy trình liên quan đến phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, từ khâu quy hoạch, phê duyệt chủ trương đầu tư, định giá đất, đến thiết kế, cấp phép xây dựng và bố trí nguồn tín dụng; làm rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, không để xảy ra tình trạng đùn đẩy, né tránh như thời gian vừa qua.
Riêng đối với thủ tục đầu tư xây dựng, Bộ Xây dựng phối hợp Bộ Tài chính rà soát lại toàn bộ quy trình, tiếp tục đơn giản hóa các bước, bởi "thủ tục hành chính là điểm nghẽn lớn, cắt được bước nào thì phải cắt, và làm nghiêm túc. Thủ tục nào chưa cắt được thì chỉ rõ lý do, vướng mắc ở đâu và kiến nghị sửa đổi ở mức nghị định hay luật".
Bộ Nông nghiệp và Môi trường khẩn trương hoàn thiện cơ sở dữ liệu giá đất đến năm 2026, tiến tới áp dụng một giá đất (không còn chênh lệch giữa giá thực và giá kê khai) để đảm bảo minh bạch, công bằng, và làm cơ sở thực hiện chính sách thuế bất động sản minh bạch, công bằng, tăng hiệu quả thu thuế, giảm thất thu, giảm trốn thuế; xử lý hiện tượng thổi giá và đầu cơ.
Bộ Xây dựng thiết lập hệ thống dữ liệu quốc gia về cung - cầu nhà ở, bất động sản, làm cơ sở dự báo và điều tiết thị trường khi có dấu hiệu lệch cung - cầu, giá bị đẩy lên bất thường thông qua quy hoạch và công bố công khai quy mô, địa điểm, thời gian triển khai các dự án bất động sản, đặc biệt là nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá phù hợp, để nhà đầu tư có cơ sở chuẩn bị và người dân có thông tin minh bạch.
"Không để tình trạng thiếu công khai, minh bạch thông tin khiến nhà đầu tư đầu cơ, thổi giá, gây rối loạn thị trường. Nhà nước không thể để đất đai hoang hóa, dự án kéo dài không triển khai và cần có chế tài mạnh như thu hồi đất, tăng thuế", Phó thủ tướng chỉ đạo.
Liên quan đến chính sách thuế bất động sản, Phó thủ tướng cho rằng cần nghiên cứu đánh thuế đối với đất hoang hóa, dự án chậm triển khai. Tuy nhiên, chính sách cần thấu đáo, không gây ảnh hưởng đến người dân sử dụng nhà đất hợp pháp. Tránh tình trạng đánh thuế trùng, đồng thời phân biệt rõ người đầu cơ với người sử dụng thật, người kinh doanh hợp pháp với người bỏ hoang, lãng phí tài nguyên.
Thanh Vũ