Ngày 5/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về tình hình thu ngân sách năm 2024.
Tại đây, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, 4 năm qua đã vượt thu ngân sách gần 1 triệu tỷ đồng để đầu tư làm đường giao thông, sân bay, bến cảng, chi an sinh xã hội, đầu tư kết cấu hạ tầng…
Để có kết quả này, ngành thuế và ngành hải quan đã có sự đổi mới, thay đổi toàn diện phương thức thu, chuyển từ thu thủ công sang thu điện tử với một loạt giải pháp như: phát hành hóa đơn điện tử, kết nối dữ liệu tính tiền, yêu cầu xuất hóa đơn qua từng lần tính tiền, thu từ hoạt động của các sàn thương mại điện tử trong nước, sàn thương mại điện tử xuyên biên giới...
Đáng chú ý, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, tuần sau Bộ Tài chính sẽ ra mắt công cụ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để kiểm soát doanh thu và mua bán trên sàn thương mại điện tử.
Theo Phó thủ tướng, ngành thuế đã áp dụng nhiều biện pháp chống thất thu thuế trong thương mại điện tử. Hiện khoảng 102 nhà cung cấp nước ngoài như Meta (Facebook), Google, Tiktok, Netflix, Google... đã kê khai, nộp thuế qua cổng thông tin điện tử của ngành.
Lũy kế từ tháng 3/2022 - thời điểm cổng thông tin dành cho các nhà cung cấp nước ngoài vận hành, các doanh nghiệp ngoại đã nộp trên 18.600 tỷ đồng.
Với sàn thương mại điện tử trong nước, ông Phớc cho hay, ngành thuế bắt đầu thu từ năm nay. Trong đó, riêng Hà Nội đã thu được khoảng 35.000 tỷ đồng tính tới đầu tháng 11/2024.
Trước đó, ông Phớc cho biết, Chính phủ sẽ bỏ quy định miễn thuế VAT với hàng nhập giá trị nhỏ bán qua các sàn thương mại điện tử, để tránh thất thu thuế.
Thời gian qua, việc mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới bùng nổ. Lượng giao dịch hàng hóa có giá trị nhỏ đã tăng gấp nhiều lần so với trước.
Gần nhất là sự xuất hiện của nhiều sàn bán hàng vào thị trường trong nước khi chưa được cấp phép hoạt động, như Temu, Shein, 1688... đặt ra vấn đề về bất cập trong quản lý, chính sách khiến Temu hay Shein vào Việt Nam mà không cần đăng ký.
Hoạt động này đã tác động không nhỏ đến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, gây nhiều hệ lụy với nền kinh tế nội địa.
Liên quan đến quản lý thuế trên sàn thương mại điện tử, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Tài chính cuối tháng 9, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi có đề xuất sàn thương mại điện tử sẽ có trách nhiệm khai và nộp thuế thay người bán hàng trên sàn.
Theo ông Minh, đây là giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế. Luật Quản lý thuế hiện hành cũng quy định không chỉ với doanh nghiệp mà nhiều cơ quan quản lý như Ngân hàng Nhà nước… phối hợp với cơ quan thuế để thu thuế. Đơn cử như sàn thương mại điện tử cung cấp thông tin người bán hàng cho cơ quan thuế.
Ông Minh nhấn mạnh, đề xuất này không phải giải pháp mới khi nhà cung cấp nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam đã kê khai và nộp thay.
"Do đó việc áp dụng với doanh nghiệp trong nước nhằm đảm bảo công bằng. Qua một số phỏng vấn các sàn thương mại điện tử trong nước, giám đốc các doanh nghiệp này đều khẳng định một khi Nhà nước có quy định thì sẽ thực hiện được", Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh và thông tin thêm về việc quản lý việc kinh doanh trên nền tảng công nghệ.
Việt Hưng