Phó Thủ tướng Lê Thành Long: 'Cần phải có những quyết sách thích đáng cho phong trào khuyến học khi bước vào kỷ nguyên mới'

Phó Thủ tướng Lê Thành Long: 'Cần phải có những quyết sách thích đáng cho phong trào khuyến học khi bước vào kỷ nguyên mới'
15 giờ trướcBài gốc
Phó Thủ tướng Lê Thành Long làm việc với Ban Thường vụ Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam về nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập năm 2025. Ảnh: TTH
Tại buổi làm việc, GS.TS Nguyễn Thị Doan - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, đã báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2025 của Hội Khuyến học Việt Nam.
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam báo cáo Chính phủ công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập năm 2024 và đề xuất nhiều kiến nghị quan trọng trong công tác Hội năm 2025. Ảnh: Quốc Thành
Theo đó, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đã nêu bật kết quả của 11 nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội trong năm 2024.
1. Hội Khuyến học Việt Nam thường xuyên tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập có nhiều đổi mới, đạt kết quả thiết thực; đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
2. Hội đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền với nội dung hình thức đa dạng, phong phú góp phần nâng cao nhận thức trong xã hội về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
3. Tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp giữa Hội Khuyến học với các cơ quan, đơn vị, với cấp ủy, chính quyền địa phương về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
4. Xây dựng xã hội học tập thông qua thực hiện 2 Chương trình "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị " và "Xây dựng mô hình Công dân học tập giai đoạn 2021-2030" đạt kết quả thiết thực.
5. Kiện toàn, phát triển tổ chức hội và hội viên ngày càng được các cấp hội quan tâm chỉ đạo và có sự chuyển biến rõ rệt.
6. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, hội thảo, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm về công tác khuyến học.
7. Đối ngoại nhân dân, hợp tác quốc tế trong khuyến học, khuyến tài, phát triển nguồn nhân lực.
8. Phát triển quỹ khuyến học, khuyến tài; hỗ trợ học sinh đạt giải trong kỳ thi quốc gia và quốc tế, học sinh gặp khó khăn vươn lên trong học tập, người lớn tự học.
9. Kiểm tra, giám sát thực hiện điều lệ, quy chế hoạt động của Hội; kiểm tra các đơn vị trực thuộc Hội Khuyến học Việt Nam.
10. Công tác thi đua, khen thưởng thường xuyên, tạo động lực lớn, phong trào học tập sâu rộng.
11. Tham gia tích cực các phong trào do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động và các đoàn thể quần chúng tổ chức; các hoạt động xã hội và cộng đồng liên quan đến khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
GS.TS Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết: Với tính chất đặc thù, hàng năm Hội Khuyến học Việt Nam luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao là từng bước xây dựng xã hội Việt Nam trở thành xã hội học tập, học không bao giờ cùng. Ảnh: Quốc Thành
Cần xây dựng cả nước thành trường học lớn
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh, trong năm 2025, Hội tiếp tục tập trung triển khai toàn diện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập theo tinh thần đổi mới.
Bằng tư duy đổi mới, Hội tiếp tục tham mưu cho các cấp chính quyền thực hiện có hiệu quả Kết luận 49-KL/TW của Ban Bí thư, các Quyết định 1373/QĐ-TTg, 387/QĐ-TTg, 677/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã hội học tập và đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong mỗi công dân, gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021-2030, triển khai có hiệu quả Quyết định 1315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai phong trào "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030".
Phó Thủ tướng Lê Thành Long chụp ảnh lưu niệm cùng Ban Thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam. Ảnh: Văn Thành
Đặc biệt, trong năm 2025, Hội Khuyến học Việt Nam sẽ xây dựng đề án chuyển đổi số trong hệ thống hội khuyến học. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai phong trào Bình dân học vụ số do Trung ương chỉ đạo để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chuyển đổi số khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tập trung phát triển tổ chức hội và hội viên trong các trường cao đẳng, đại học, trung cấp nghề, các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang; đề xuất cấp ủy chỉ đạo để phát triển hội viên là cán bộ đảng viên phấn đấu có từ 80% đảng viên tham gia hội viên hội khuyến học (theo Kết luận 49-KL/TW của Ban Bí thư). Thực hiện Kết luận số 09-KL/BCĐ ngày 24/11/2024 và Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đề xuất, Hội Khuyến học Việt Nam là một trong 30 Hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ tại Quyết định số 118-QĐ-TW ngày 22/8/2-23 của Ban Bí thư. Nghị định 126/NĐ-CP quy định rõ nhiệm vụ Hội do Đảng Nhà nước giao nhiệm vụ. Theo Quyết định của Thủ tướng, Hội Khuyến học Việt Nam là Hội đủ 3 cấp: tỉnh, huyện, xã. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo thống nhất trong toàn quốc việc quy định Hội Khuyến học các cấp từ trung ương đến cơ sở là Hội do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố bố trí nhân sự và kinh phí cho các cấp Hội thực hiện nhiệm vụ này.
Chủ tịch các Hội Khuyến học Cần Thơ, Lâm Đồng, Thanh Hóa, Sơn La... phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Quốc Thành
Cũng tại buổi làm việc, Chủ tịch các Hội Khuyến học địa phương: Vương Văn Việt (Thanh Hóa), Vũ Mạnh Hiền (Thái Bình), Nguyễn Xuân Ngọc (Lâm Đồng), Mai Thu Hương (Sơn La), Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ)... đã phát biểu kiến nghị, nêu lên các khó khăn thách thức đối với công tác khuyến học tại các địa phương hiện nay.
Trong đó, nổi lên tình trạng các tỉnh, thành phố thiếu nhân lực, thiếu kinh phí cho hoạt động thường xuyên của cán bộ, hội khuyến học. Các địa phương kiến nghị, chính quyền các tỉnh, thành cần ưu tiên kinh phí cấp cho các hoạt động khuyến học, đẩy mạnh phong trào học tập ở mọi tầng lớp nhân dân bằng cách đưa tiêu chí học tập vào xét tiêu chuẩn nông thôn mới, gia đình kiểu mẫu, gia đình văn hóa... Dành nhiều nguồn lực mạnh mẽ để xây dựng các trung tâm học tập cộng đồng, số hóa các thông tin, học liệu để phục vụ người học mọi lứa tuổi, mọi nơi, mọi mục đích.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long ghi nhận đóng góp của Hội Khuyến học Việt Nam trong thành tựu phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa toàn diện của đất nước trong năm qua. Ảnh: Quốc Thành
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lê Thành Long ghi nhận các ý kiến phát biểu của Ban Thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam. Phó Thủ tướng đánh giá nhiều ý kiến xác đáng, cấp bách và đề xuất các bộ ngành liên quan góp ý, xây dựng, cần phải có những quyết sách thích đáng cho phong trào khuyến học khi bước vào kỷ nguyên mới.
Phó Thủ tướng đồng thuận và chia sẻ với khó khăn của cán bộ khuyến học cả nước, động viên phong trào khuyến học trong tình hình mới. Để thực hiện được các chính sách mạnh mẽ và xuyên suốt từ trung ương tới địa phương, Chính phủ cần ý kiến tham mưu của các bộ, ngành trước khi có thể ban hành các quyết sách đổi mới mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo toàn dân, nhất là học tập sáng tạo với nhiều phương pháp mới.
Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển đổi số, tạo ra môi trường học tập và làm việc gắn với kinh tế số.
Quang cảnh buổi làm việc
Trương Thúy Hằng
Nguồn Công dân & Khuyến học : https://congdankhuyenhoc.vn/pho-thu-tuong-le-thanh-long-lam-viec-voi-thuong-vu-hoi-khuyen-hoc-viet-nam-179241226191245023.htm