Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Diễn đàn Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025 (VEGF) với chủ đề “Các giải pháp chiến lược & thực tiễn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao & bền vững trong bối cảnh mới”. Ảnh: Việt Dũng
Ngày 8/7, Diễn đàn Tăng trưởng Kinh tế Việt Nam 2025 (VEGF) với chủ đề “Các giải pháp chiến lược & thực tiễn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao & bền vững trong bối cảnh mới” đã diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện do Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức, dưới sự chỉ đạo nội dung của Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương.
Diễn đàn có sự tham dự của ông Trần Lưu Quang, Bí thư trung ương Đảng, Trưởng Ban Chính sách Chiến lược Trung ương; Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng; lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và các địa phương; cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế, các chuyên gia, các nhà khoa học.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng 7,52% - mức cao nhất trong vòng 15 năm qua. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, Việt Nam đang đi ngược xu hướng của thế giới khi Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng mạnh mẽ trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn,
Đặc biệt, sau gần 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, từ một nền kinh tế “lạc hậu, kém phát triển”, Việt Nam đã có bước chuyển mình đáng kể, vươn lên thành nền kinh tế đứng thứ 32 thế giới về quy mô, nằm trong nhóm 20 quốc gia hàng đầu về thương mại và thu hút FDI. Năm 2024, GDP bình quân đầu người đã đạt hơn 4.700 USD, tiệm cận ngưỡng thu nhập trung bình cao.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra hàng loạt thách thức lớn mà thế giới đang phải đối mặt. Đó là thách thức từ sự bất định khi các cú sốc và biến động địa chính trị, địa kinh tế ngày càng thường xuyên, đa chiều hơn; Khoa học công nghệ đang thay đổi căn bản cấu trúc của nền kinh tế và định hình lại chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu; Tác động của phân tách, phân mảnh kinh tế; Suy giảm niềm tin bắt nguồn từ cạnh tranh chiến lược đang hạn chế vai trò của các cơ chế hợp tác đa phương; Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc; Xuất hiện nhiều yếu tố kìm hãm xu hướng phát triển bền vững và bao trùm; Các thách thức an ninh phi truyền thống.
“Những thách thức này đang diễn ra trên toàn cầu cũng đang trở thành những thách thức đối với Việt Nam chúng ta”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đề xuất 7 giải pháp, nhiệm vụ chiến lược trọng tâm trong hành trình đạt mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam. Ảnh: Việt Dũng.
Để vượt qua những khó khăn và tạo động lực tăng trưởng mới, hướng tới mục tiêu tăng trưởng 8% vào năm 2025 và từ 10% trở lên trong giai đoạn 2026 - 2030, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đã đề xuất 7 giải pháp, nhiệm vụ chiến lược:
Trước hết là tiếp tục hoàn thiện thể chế, đổi mới công tác xây dựng và thực thi pháp luật theo hướng minh bạch, ổn định, tiệm cận chuẩn mực quốc tế. Ông nhấn mạnh, thời gian qua Việt Nam đã từng bước giải quyết được những “điểm nghẽn” về thể chế, đẩy mạnh phân cấp, cải cách thủ tục hành chính và tổ chức lại bộ máy hiệu quả hơn.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu rà soát và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong các lĩnh vực trọng yếu như đất đai, khoáng sản, quy hoạch. Đồng thời, cần ưu tiên tập trung tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc của hơn 2.887 dự án với quy mô vốn hơn 235 tỷ USD và diện tích đất khoảng 347 nghìn ha để khơi thông nguồn lực cho phát triển.
Một nhiệm vụ then chốt khác là huy động tối đa nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Trong đó, đầu tư công giữ vai trò “dẫn dắt”, là “vốn mồi” để kích hoạt dòng vốn từ khu vực kinh tế tư nhân. Đặc biệt, Phó Thủ tướng kêu gọi tập trung phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại, sớm hoàn thành các công trình trọng điểm quốc gia, đồng bộ hóa cơ cấu nguồn điện, thúc đẩy các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới phù hợp với điều kiện phát triển từng thời kỳ.
Diễn đàn Tăng trưởng Kinh tế Việt Nam 2025 (VEGF) thu hút đông đảo sự tham gia của lãnh đạo chính phủ, chuyên gia kinh tế và đại diện hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế. Ảnh: Việt Dũng
Cùng với đó là tận dụng lợi thế từ không gian phát triển mới, thông qua việc sáp nhập các địa phương và mô hình chính quyền 2 cấp.
Đồng thời, khai thác tiềm năng từ các động lực tăng trưởng mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, AI, bán dẫn, công nghệ lượng tử…
Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến việc phát triển các mô hình kinh tế mới như khu Thương mại tự do, Trung tâm tài chính, gắn với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và kết nối mạng lưới nhân tài trong và ngoài nước.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần xác định đây là những động lực chính để tái cấu trúc nền kinh tế, xác lập mô hình tăng trưởng mới, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo sự chuyển biến về chất trong giai đoạn phát triển mới. Đồng thời, cần hỗ trợ phát triển và kết nối các khu vực kinh tế: nhà nước, tư nhân và FDI để tạo ra “sức mạnh tổng hợp” cho nền kinh tế quốc dân.
Song song với đó là thu hút các dự án đầu tư lớn trong các ngành chiến lược, có tính chất đột phá và tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. Đặc biệt, cần thúc đẩy hội nhập quốc tế một cách chủ động, hiệu quả. “Nội lực phải được đặt ở vị trí quyết định; ngoại lực là nguồn bổ sung, hỗ trợ cho phát triển, bảo đảm hội nhập toàn diện, sâu rộng mà vẫn giữ vững độc lập tự chủ, nâng cao năng lực tự cường và khả năng thích ứng trước mọi biến động toàn cầu”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Để sớm hiện thực hóa khát vọng về một Việt Nam thịnh vượng, hùng cường, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và các địa phương cùng chung tay với Chính phủ và hệ thống chính trị để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước.
“Với tinh thần đoàn kết, ý chí tự cường, khát vọng vươn lên của toàn dân tộc; với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương và nhân dân cả nước, chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước, đưa Việt Nam bứt phá mạnh mẽ, vươn mình trong kỷ nguyên mới, khẳng định vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phương Hoa