Ngày 21/5, đoàn công tác của Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông về việc thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ 11 của BCHTW khóa XIII gắn với xây dựng, hoàn thiện văn kiện công tác nhân sự.
Nhiều kiến nghị gỡ khó
Tại buổi làm việc, ông Y Thanh Hà Niê K'đăm - Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng kiến nghị Trung ương sớm ban hành hướng dẫn tổ chức bộ máy chính quyền cấp xã để làm cơ sở bố trí đội ngũ cán bộ, công chức sau sáp nhập; thống nhất chủ trương đầu tư hệ thống cơ sở dữ liệu không gian địa lý dùng chung nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và nâng cao hiệu quả điều hành.
Toàn cảnh buổi làm việc giữa đoàn công tác của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Tỉnh ủy 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông.
Về kết nối hạ tầng, Lâm Đồng cùng Đắk Nông đề xuất đầu tư tuyến đường động lực Gia Nghĩa - Bảo Lâm, hình thành hành lang kinh tế Bu Prăng - Gia Nghĩa - Bảo Lộc - Bình Thuận - Ninh Thuận, đồng thời nâng cấp quốc lộ 28 lên quy mô đường cấp III miền núi.
Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng cũng kiến nghị bổ sung quy hoạch và đầu tư trước năm 2030 tuyến cao tốc Đắk Nông - Lâm Đồng - Bình Thuận, cùng tuyến đường sắt kết nối ba tỉnh, nhằm khơi thông giao thương, du lịch toàn vùng Tây Nguyên - Nam Trung Bộ.
Ông Y Thanh Hà Niê K'đăm - Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng báo cáo tại buổi làm việc.
Về kết nối hạ tầng, Lâm Đồng cùng Đắk Nông đề xuất đầu tư tuyến đường động lực Gia Nghĩa - Bảo Lâm, hình thành hành lang kinh tế Bu Prăng - Gia Nghĩa - Bảo Lộc - Bình Thuận - Ninh Thuận, đồng thời nâng cấp quốc lộ 28 lên quy mô đường cấp III miền núi.
Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng cũng kiến nghị bổ sung quy hoạch và đầu tư trước năm 2030 tuyến cao tốc Đắk Nông - Lâm Đồng - Bình Thuận, cùng tuyến đường sắt kết nối ba tỉnh, nhằm khơi thông giao thương, du lịch toàn vùng Tây Nguyên - Nam Trung Bộ.
Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Lâm Đồng cũng đề xuất Trung ương cho tỉnh các cơ chế đặc thù về tài chính - ngân sách, trong đó có việc giữ lại tối thiểu 50% nguồn thu từ tài nguyên để tái đầu tư hạ tầng. Đây được xem là đòn bẩy để địa phương phát huy tiềm năng, vươn lên trở thành tỉnh phát triển khá trong cả nước.
Liên quan đến việc thực hiện Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh đề nghị các cơ quan Trung ương sớm ban hành đầy đủ các quy định, hướng dẫn liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức cấp xã, phường, đặc khu.
Ông Nguyễn Hoài Anh - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận kiến nghị tại buổi làm việc.
Cụ thể, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận đề xuất cần sớm có hướng dẫn triển khai Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị, đặc biệt là phương án nhân sự cho cấp ủy, ban thường vụ, phó bí thư cấp ủy đối với các xã mới được thành lập.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận kiến nghị Trung ương ban hành khung tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức cấp xã để địa phương có căn cứ xây dựng phương án điều động, phân công, bố trí nhân sự, bảo đảm hệ thống chính trị cấp xã hoạt động ổn định, không bị gián đoạn sau sắp xếp.
Ngoài ra, Bình Thuận cũng đề nghị sớm ban hành quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của đảng ủy, Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan tham mưu giúp việc tại cấp xã, phường, đặc khu. Đây là cơ sở quan trọng để địa phương triển khai hiệu quả Đề án, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền cơ sở và đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giai đoạn mới.
Ông Lưu Văn Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông - kiến nghị gửi Chính phủ và các cơ quan Trung ương về một số nội dung nhằm tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện và kiện toàn bộ máy chính quyền địa phương hai cấp.
Ông Lưu Văn Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông - kiến nghị tại buổi làm việc.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm ban hành thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và định mức biên chế của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp xã, cũng như các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND cấp xã sau sáp nhập; kiến nghị Trung ương sớm nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí thôi việc đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã, phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương.
Về thẩm quyền giao biên chế, Đắk Nông đề nghị sớm có hướng dẫn thống nhất từ Trung ương để đảm bảo đồng bộ giữa khối Đảng, chính quyền và đoàn thể sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Đắk Nông cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét ủy quyền cho UBND cấp tỉnh được quyết định hợp nhất các cơ quan hành chính đặc thù (như Ban Quản lý các khu công nghiệp) và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh nhằm rút ngắn quy trình, tạo sự chủ động trong tổ chức bộ máy.
Bố trí cán bộ phải hài hòa giữa các địa phương
Kết luận tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao sự đồng thuận, nhất trí cao từ nhân dân và lãnh đạo các địa phương trên, khẳng định đây là “ý Đảng hợp lòng dân”.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu kết luận buổi làm việc.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, quá trình triển khai nhìn chung thuận lợi nhưng vẫn còn vướng mắc và đề nghị các tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, tập trung xây dựng văn kiện đại hội, sắp xếp nhân sự phù hợp, giữ ổn định tư tưởng trong đội ngũ cán bộ theo tinh thần “Ở lại làm việc hay nghỉ công tác đều vì lợi ích chung”.
Việc sắp xếp nhân sự cần được thực hiện khẩn trương, đúng quy định, bảo đảm công khai, minh bạch. “Cần đặt tiêu chuẩn, năng lực, uy tín cán bộ lên hàng đầu. Làm từ trên xuống, từ dưới lên, sớm hình thành bộ máy mới vận hành trơn tru khi có quyết định thành lập cấp chính quyền mới. Bố trí cán bộ cần căn cứ vào nhiệm vụ, năng lực và phải hài hòa giữa các địa phương", Phó Thủ tướng lưu ý.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, ứng dụng khoa học công nghệ, thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, xử lý các dự án tồn đọng và có phương án sử dụng trụ sở dôi dư hợp lý, ưu tiên cho văn hóa, y tế, giáo dục. Đặc biệt chấn chỉnh tình trạng sao nhãng trong công việc, giải quyết các dự án tồn đọng trước khi sáp nhập.
Thái Lâm