Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tiếp xúc cử tri tỉnh Bắc Ninh

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tiếp xúc cử tri tỉnh Bắc Ninh
4 giờ trướcBài gốc
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh đã tham gia Hội nghị tiếp xúc cử tri của tỉnh Bắc Ninh- ẢNh: VGP/Nguyễn Hoàng
Ngày 24/6/2025 vừa qua, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký Nghị quyết số 1699/NQ-UBTVQH15 về Đoàn đại biểu Quốc hội và chỉ định Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Bắc Ninh. Theo Nghị quyết, Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Bắc Ninh gồm 16 đại biểu Quốc hội. Ông Phạm Văn Thịnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đại biểu Quốc hội khóa XV được chỉ định giữ chức vụ Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Bắc Ninh.
Tại Hội nghị, sau khi nghe công bố Nghị quyết số 1699/NQ-UBTVQH15, các đại biểu trong Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Bắc Ninh đã ra mắt.
Quyết định nhiều nội dung hệ trọng, có ý nghĩa lịch sử
Thay mặt Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, báo cáo tại Hội nghị về kết quả Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV và hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội Bắc Ninh tại kỳ họp, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Anh cho biết, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV diễn ra ngay sau Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII để xem xét, quyết định nhiều nội dung hệ trọng, có ý nghĩa lịch sử, gắn liền với yêu cầu đổi mới, hoàn thiện thể chế, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị với mục tiêu phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Sau 35 ngày làm việc với tinh thần đổi mới, trách nhiệm và quyết tâm cao, trên cơ sở chuẩn bị khẩn trương, kỹ lưỡng và sắp xếp, điều chỉnh chương trình khoa học, linh hoạt, hiệu quả, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Quốc hội đã xem xét thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thông qua 34 luật, 34 nghị quyết (trong đó có 13 nghị quyết quy phạm pháp luật) và cho ý kiến đối với 6 dự án luật, cùng nhiều nội dung quan trọng khác.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tại Hội nghị tiếp xúc cử tri của tỉnh Bắc Ninh- ẢNh: VGP/Nguyễn Hoàng
Việc Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp đã tạo cơ sở hiến định cho việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Quốc hội đã thảo luận kỹ lưỡng và thống nhất cao thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành các Nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của 34 tỉnh, thành phố. Theo đó, sau sắp xếp, cả nước có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh gồm 6 thành phố trực thuộc Trung ương và 28 tỉnh (giảm 29 tỉnh, tương đương 46,03%) và 3.321 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 2.621 xã, 687 phường và 13 đặc khu (giảm 6.714 đơn vị, tương đương 66,91%).
Đồng thời, tại Kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua nhiều nội dung quan trọng để tạo đột phá cho sự phát triển của đất nước, trong đó có Nghị quyết số 197/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật và Nghị quyết số 198/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân để kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị là hai trong số "4 trụ cột" quan trọng để đưa đất nước vươn mình, góp phần tạo sự thay đổi mang tính đột phá trong công tác xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, tạo "cú hích, đòn bẩy, điểm tựa", tạo động lực mới, giải phóng nguồn lực, sức sản xuất của kinh tế tư nhân.
Đặc biệt, Quốc hội cũng đã xem xét, thông qua Nghị quyết về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam để tạo cơ sở pháp lý kết nối Việt Nam với thị trường tài chính toàn cầu, thúc đẩy thương mại với thị trường quốc tế, thu hút đầu tư tài chính nước ngoài, tạo nguồn lực đầu tư mới, góp phần đưa Việt Nam tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Nhiều luật, nghị quyết được thông qua có phạm vi tác động lớn để tiếp tục cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; hoàn thiện chính sách pháp luật về thuế; thúc đẩy tăng trưởng, phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, phát triển thị trường lao động; khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân...
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Anh cũng cho hay, trong kỳ họp, các đại biểu Quốc hội của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh đã tích cực tham gia thảo luận, tham luận, tranh luận tại tổ và tại các phiên họp toàn thể để đóng góp vào các nội dung theo chương trình của Kỳ họp. Cụ thể đã có 74 lượt ý kiến phát biểu tại tổ, 18 lượt ý kiến phát biểu tại phiên họp toàn thể, 2 lượt tranh luận và 2 lượt chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Các đại biểu trong Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Bắc Ninh ra mắt - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Các ý kiến thảo luận, tham luận tập trung vào các vấn đề như: Việc thực hiện chủ trương lớn về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; các biện pháp xử lý kịp thời để tận dụng các trụ sở hành chính dôi dư sau khi sáp nhập, tránh tình trạng bị bỏ hoang hoặc sử dụng lãng phí, đảm bảo hiệu quả sử dụng tài sản công; chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; bổ sung chính sách phù hợp để giữ chân cán bộ có năng lực, phẩm chất trong hệ thống chính trị và có chính sách động viên, khích lệ cán bộ, công chức gắn bó suốt đời với bộ máy hệ thống chính trị nếu họ có đủ phẩm chất, trình độ, tâm huyết đáp ứng yêu cầu; tài chính nhà nước; tình hình ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế; điều ước quốc tế; công tác bảo vệ môi trường; kết quả thực hiện quyền trẻ em; tình hình thực hiện cải cách chính sách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội...
Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho các xã, phường
Tại Hội nghị, các cử tri bày tỏ vui mừng, phấn khởi trước những quyết sách mang tính lịch sử vừa được Đảng, Nhà nước, Quốc hội quyết định trong thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn, sắp xếp bộ máy chính quyền, đơn vị hành chính các cấp; tin tưởng và kỳ vọng những quyết sách này sẽ đưa đất nước có những bước phát triển đột phá trong thời gian tới, đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Để tạo thuận lợi cho hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp, nhất là đối với cấp xã, nhiều cử tri kiến nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho các xã, phường. Đi liền với đó là tăng cường các hoạt động tập huấn, đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ xã, phường theo nhu cầu thực tiễn cũng như có các cơ chế giám sát chặt chẽ để tránh sự lạm quyền của cán bộ cấp xã, phường khi có nhiều quyền mới được phân cấp, phân quyền; có chính sách về nhà ở để hỗ trợ cán bộ khi được điều chuyển tới nơi công tác mới cũng như có kế hoạch sử dụng hiệu quả trụ sở dôi dư sau sắp xếp, tránh lãng phí.
Trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, một số ý kiến đề xuất cần có giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực hơn đối với người dân khi làm các thủ tục hành chính và thực hiện các dịch vụ công, nhất là đối với người già, người có hoàn cảnh khó khăn.
Sau sáp nhập, tỉnh Bắc Ninh với không gian, dư địa, triển vọng và cơ hội phát triển mới, các cử tri mong muốn Trung ương và các cấp chính quyền của tỉnh Bắc Ninh quan tâm hơn nữa trong cân đối và bố trí nguồn lực để thúc đẩy đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của địa phương, nhất là hạ tầng giao thông giao thông vận tải; chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân;...
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Việc xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp với mục tiêu là làm cho chính quyền gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn và chủ trương này rất hợp lòng dân, nên được nhân dân rất đồng tình và ủng hộ - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Mục tiêu đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030là rất gần
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, thực hiện chủ trương của Trung ương về bỏ chính quyền cấp huyện, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, vừa qua Quốc hội đã có kỳ họp lịch sử, trong đó có sửa đổi Hiến pháp, pháp luật và Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định để tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Việc xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp với mục tiêu là làm cho chính quyền gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn và chủ trương này rất hợp lòng dân, nên được nhân dân rất đồng tình và ủng hộ.
Thực hiện chủ trương và quyết định của Trung ương, tỉnh Bắc Ninh mới sau sáp nhập có quy mô kinh tế và không gian, dư địa phát triển rất lớn, nhất là về phát triển công nghiệp có thể nói thuộc nhóm đứng đầu cả nước. Bên cạnh đó tốc độ tăng trưởng, thu hút đầu tư, giải ngân đầu tư công…, Bắc Ninh cũng là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước. Với dư địa và tốc độ phát triển như vậy, mục tiêu đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030 là rất gần, rất khả thi.
Các đại biểu tham dự Hội nghị - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Nhấn mạnh việc xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp với mục tiêu làm cho chính quyền gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn và điều này được thể hiện ở việc kinh tế có phát triển hay không, người dân được phục vụ như thế nào, sự hài lòng và cảm nhận của người về chính quyền ra sao. Muốn làm được điều này, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý Bắc Ninh phải tổ chức được đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, nắm chắc địa bàn, thực hiện hiệu quả các quyền năng khi được phân cấp, phân quyền; chính quyền xã phải giải quyết, đáp ứng được tất cả các nhiệm vụ mà nhân dân yêu cầu, người dân đặt ra. Trung tâm phục vụ hành chính công phải được xây dựng bài bản, có cơ sở vật chất hiện đại, ứng dụng mạnh công nghệ thông tin để đáp ứng tốt nhất các yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cũng đề nghị Bắc Ninh giải quyết tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ nghỉ việc; quan tâm hỗ trợ cán bộ về phương tiện đi lại, chỗ ở khi đến làm việc ở nơi công tác mới; bố trí, sử dụng hiệu quả trụ sở dôi dư sau sáp nhập;…
Hội nghị tiếp xúc cử tri của tỉnh Bắc Ninh với chuyên đề “Tình hình thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức bộ máy, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp” sau Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
"Việc xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp rất hợp lòng dân, tỉ lệ ủng hộ của người dân gần như là tuyệt đối, nhiều nơi có thể nói là tuyệt đối, nên các đồng chí phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa, nhất là các đồng chí ở chính quyền cơ sở để sự ủng hộ, niềm vui, niềm tin ấy của người dân phải được nhân lên, lan tỏa rộng lớn hơn", Phó Thủ tướng Thường trực phát biểu và nêu rõ, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, tổ chức thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, Bắc Ninh cần có sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương, cơ quan chức năng để được trao đổi, giải đáp, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc nếu có để vận hành trơn tru chính quyền địa phương 2 cấp, phục vụ nhân dân tốt hơn.
Nguyễn Hoàng
Nguồn Chính Phủ : https://baochinhphu.vn/pho-thu-tuong-thuong-truc-chinh-phu-nguyen-hoa-binh-tiep-xuc-cu-tri-tinh-bac-ninh-102250705171331221.htm