Kiểm tra không quá 1 lần/năm, nếu có lỗ hổng về an toàn thực phẩm, thì sao?
Chiều 15/5, phát biểu tại tổ về dự thảo Nghị quyết phát triển kinh tế tư nhân, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh phát triển kinh tế tư nhân là cần thiết và đúng đắn.
"Cần quyết sách phát triển kinh tế tư nhân cùng các thành phần kinh tế khác để tạo đột phá cho nền kinh tế", ông Phớc nói.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc phát biểu tại tổ. Ảnh: Media Quốc hội.
Theo ông, có rất nhiều nước gần Việt Nam có kinh nghiệm thành công về phát triển kinh tế tư nhân như Hàn Quốc, Nhật Bản.
Hàn Quốc trước đây cũng giống Việt Nam, nhưng sau đó lãnh đạo Hàn Quốc rất quan tâm trong phát triển kinh tế tư nhân và từ đó họ đã xây dựng được những tập đoàn kinh tế lớn như Samsung, Lotte, Posco… đến nay đều phát triển rất mạnh và đứng đầu thế giới.
Còn Nhật Bản là ví dụ thành công trong phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Do đó, trong giai đoạn hiện nay, theo ông, chúng ta cần có cơ chế thông thoáng và ưu đãi để phát triển kinh tế theo định hướng đảm bảo công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế tư nhân, Nhà nước hay vốn đầu tư nước ngoài.
Góp ý thêm vào quy định thanh tra, kiểm tra, Phó Thủ tướng dẫn quy định chỉ kiểm tra không quá 1 lần/năm với doanh nghiệp.
"Quy định như vậy có đầy đủ không? Ví dụ chỉ kiểm tra 1 lần, nếu có lỗ hổng đặc biệt là các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ, thì sao?", Phó Thủ tướng băn khoăn và đề nghị cân nhắc điểm này.
Cũng như vậy, về quy định miễn kiểm tra thực tế khi doanh nghiệp tuân thủ đúng pháp luật, Phó Thủ tướng cho rằng chưa phù hợp.
"Bởi cơ quan quản lý Nhà nước không biết doanh nghiệp tuân thủ đúng hay không và quy định như dự thảo có nghĩa chỉ kiểm tra khi có vi phạm pháp luật, còn không thì không được kiểm tra?", ông Phớc nói và đề nghị cần luận giải thật rõ.
Không nên để quỹ hỗ trợ doanh nghiệp được cho vay
Cũng trong phát biểu tổ, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc góp ý vào quy định ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu.
Theo dự thảo luật, gói thầu sử dụng ngân sách nhà nước có giá không quá 20 tỷ đồng được dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó ưu tiên doanh nghiệp do thanh niên, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, người yếu thế, người khuyết tật làm chủ; doanh nghiệp ở miền núi, biên giới, hải đảo.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Media Quốc hội.
Trường hợp đã tổ chức đấu thầu, theo ông, nếu không có doanh nghiệp nhỏ và vừa đáp ứng được yêu cầu thì được phép tổ chức đấu thầu lại và không phải áp dụng quy định trên.
Song, Phó Thủ tướng cho rằng: nên cho phép chỉ định thầu bởi nếu bắt doanh nghiệp vừa và nhỏ đấu thầu dự án 20 tỷ đồng và khi không đạt phải đấu thầu lại thì rất khó thực hiện.
Một trong những lý do là vì doanh nghiệp vừa và nhỏ có năng lực, điều kiện hạn chế. Hơn nữa, nếu đấu thầu không được, doanh nghiệp lớn lại nhảy vào đấu thầu.
"Khi đã ưu tiên cho đối tượng doanh nghiệp này, tại sao không giao cho cấp có thẩm quyền đặt hàng, chỉ định thầu luôn?", ông Phớc nói và cho rằng cần cân nhắc điểm này.
Về quỹ hỗ trợ doanh nghiệp, Phó Thủ tướng cho rằng quỹ này nên thiết kế theo mục tiêu hỗ trợ đào tạo nhân lực chất lượng cao, chuyển giao công nghệ, tìm kiếm thị trường và khen thưởng cho các doanh nghiệp tư nhân có thành tích cao.
Song, ông lưu ý cần cân nhắc việc Quỹ cho doanh nghiệp vay vì Quỹ có thể không đủ cơ chế như các ngân hàng để bảo toàn vốn.
Còn về các vấn đề khác, Phó Thủ tướng cho rằng: "Nghị quyết nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết để việc cụ thể hóa các chính sách của Nghị quyết được linh hoạt, phù hợp với diễn biến từ thực tiễn kinh tế - xã hội trong bối cảnh đất nước đã hội nhập sâu rộng và tình hình quốc tế luôn diễn biến khó lường".
Trang Trần