Hội nghị thượng đỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) diễn ra tại Paris, Pháp đang cho thấy những khác biệt trong hướng tiếp cận của các bên đối với tương lai của công nghệ này.
Mỹ, dưới thời Tổng thống Donald Trump, ủng hộ cách tiếp cận không can thiệp để thúc đẩy đổi mới AI, trong khi châu Âu đang thắt chặt dây cương bằng các quy định nghiêm ngặt để đảm bảo phát triển an toàn và minh bạch. Trung Quốc nhanh chóng mở rộng AI thông qua các công ty công nghệ khổng lồ có sự ủng hộ của nhà nước, cạnh tranh để thống trị cuộc đua toàn cầu.
Phó Tổng thống Mỹ JD Vance.
Mỹ bảo vệ các công nghệ AI và chip
Tại hội nghị, ông Vance có bài phát biểu chính sách quan trọng đầu tiên kể từ khi trở thành Phó tổng thống vào tháng trước. Ông coi AI là bước ngoặt kinh tế nhưng cảnh báo rằng "vào thời điểm này, chúng ta đang phải đối mặt với viễn cảnh phi thường về một cuộc cách mạng công nghiệp mới, ngang bằng với phát minh ra động cơ hơi nước".
"Nhưng điều đó sẽ không bao giờ xảy ra nếu quy định quá mức ngăn cản những người đổi mới chấp nhận rủi ro cần thiết để tiến lên", ông Vance nói thêm.
Phó Tổng thống JD Vance cho biết Mỹ sẽ bảo vệ trí tuệ nhân tạo và chip của mình, cũng như ngăn chặn các nỗ lực "vũ khí hóa" các công nghệ quan trọng.
Ông cho rằng một số bên "đánh cắp và sử dụng AI để tăng cường khả năng tình báo và giám sát quân sự, thu thập dữ liệu nước ngoài và tạo ra tuyên truyền để phá hoại an ninh quốc gia của các quốc gia khác...
Tôi muốn nói rõ rằng chính quyền này sẽ ngăn chặn hoàn toàn những nỗ lực như vậy... Chúng tôi sẽ bảo vệ các công nghệ AI và chip của Mỹ khỏi bị đánh cắp và sử dụng sai mục đích, hợp tác với các đồng minh và đối tác để tăng cường và mở rộng các biện pháp bảo vệ này, đóng các con đường ngăn đối thủ đạt được khả năng AI đe dọa tất cả mọi người".
Phần lớn sự tập trung từ Hội nghị thượng đỉnh hành động AI tuần này là vào mô hình AI DeepSeek của Trung Quốc, tuyên bố đạt được hiệu suất ngang bằng với mô hình lý luận o1 của OpenAI với chi phí thấp hơn nhiều. Ông Vance không đề cập đến DeepSeek, nhưng nhắm vào các công nghệ giá rẻ. Ông nói thêm rằng "không bao giờ có lợi" khi làm việc với các công ty như vậy.
Cam kết toàn cầu về AI và sự cạnh tranh
Mỹ vắng mặt trong văn bản quốc tế, được nhiều quốc gia, bao gồm các quốc gia châu Âu ký kết, cam kết "thúc đẩy khả năng tiếp cận AI để thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số" và "đảm bảo AI là công khai, toàn diện, minh bạch, có đạo đức, an toàn, bảo mật và đáng tin cậy".
Văn bản cũng kêu gọi "làm cho AI bền vững đối với con người và hành tinh" và bảo vệ "quyền con người, bình đẳng giới, đa dạng ngôn ngữ, quyền của người tiêu dùng và sở hữu trí tuệ".
Vương quốc Anh cũng từ chối ký mặc dù đồng ý với phần lớn tuyên bố vì nó "không cung cấp đủ sự rõ ràng thực tế về quản trị toàn cầu".
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra châu Âu như một “con đường thứ ba” - một lập trường trung gian điều chỉnh AI mà không làm cản trở sự đổi mới hoặc phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ hoặc Trung Quốc.
Trong khi đó, Trung Quốc ký vào tuyên bố, càng nới rộng thêm khoảng cách giữa Mỹ và phần còn lại trong cuộc đấu tranh giành ưu thế AI.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Quốc Khánh cho biết Bắc Kinh muốn giúp thiết lập các quy tắc AI toàn cầu. Đồng thời, các quan chức Trung Quốc chỉ trích các giới hạn của phương Tây đối với quyền truy cập AI và chatbot DeepSeek của Trung Quốc.
Washington cũng đang xung đột với Châu Âu. Ông Vance đưa ra ý tưởng về việc Mỹ xem xét lại các cam kết của NATO nếu châu Âu đàn áp nền tảng truyền thông xã hội X của Elon Musk.
Mối lo ngại về những nguy cơ tiềm ẩn của AI bao trùm hội nghị, đặc biệt là khi các quốc gia vật lộn với cách quản lý một công nghệ ngày càng gắn chặt với quốc phòng và chiến tranh.
Phương Anh (Nguồn: AP )