Phòng, chống dịch bệnh trong trường học thời điểm giao mùa thu - đông

Phòng, chống dịch bệnh trong trường học thời điểm giao mùa thu - đông
7 giờ trướcBài gốc
Các cháu Trường Mầm non Hải Lý (Hải Hậu) thực hiện vệ sinh cá nhân trước giờ ăn trưa.
Thời gian này, tại các trường học trong tỉnh, đặc biệt là các trường mầm non, tiểu học, số học sinh mắc các bệnh giao mùa tăng cao. Nguyên nhân bởi trẻ lứa tuổi mầm non và tiểu học tuổi còn nhỏ, sức đề kháng kém, chưa ý thức được việc giữ gìn vệ sinh, bảo vệ bản thân nên rất dễ lây bệnh trong gia đình, ở trường học và cộng đồng.
Trước thực tế một số dịch, bệnh gia tăng vào thời điểm giao mùa, ngành Y tế và ngành Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) đã phối hợp chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống, nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh trong trường học. Các nhà trường phối hợp chặt chẽ với trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện các giải pháp tăng cường năng lực của nhân viên y tế trường học gắn kết với y tế cơ sở nhằm đảm bảo nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, đảm bảo an toàn dịch bệnh theo mùa cho học sinh. Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm phòng chống, ngăn chặn các dịch bệnh có nguy cơ bùng phát, lây lan trong trường học.
Ở khối các trường tiểu học, các nhà trường đã lập và triển khai thực hiện kế hoạch công tác y tế trường học, đảm bảo vệ sinh, chăm sóc sức khỏe cho học sinh; bổ sung các thiết bị cần thiết cho Phòng Y tế. Đặc biệt, các trường tăng cường tuyên truyền công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường học cho giáo viên, học sinh và phụ huynh. Ban giám hiệu Trường Tiểu học Nghĩa Tân (Nghĩa Hưng) cho biết, trường tuyên truyền đến giáo viên, học sinh và phụ huynh về nguyên nhân, cách nhận biết dấu hiệu các bệnh thường gặp ở lứa tuổi tiểu học khi chuyển mùa và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh qua các buổi phát thanh măng non hàng ngày; tuyên truyền cho cha mẹ học sinh qua nhóm zalo, trên website trường để nâng cao nhận thức về nguy cơ và ý thức phòng, chống dịch bệnh. Lồng ghép nội dung kiến thức về phòng, chống bệnh dịch theo mùa trong các môn học và hoạt động giáo dục trải nghiệm giúp nâng cao nhận thức và hiệu quả ghi nhớ cho học sinh. Bên cạnh đó, trường tổ chức duy trì hàng ngày các hoạt động khởi động chào ngày mới, các trò chơi vận động; duy trì 20 phút tập thể dục, múa hát, vui chơi có hướng dẫn diễn ra vào thời gian giữa các buổi học; khuyến khích học sinh tham gia các câu lạc bộ thể dục thể thao, nâng cao chất lượng giáo dục thể chất trong nhà trường. Tổ chức các hoạt động giáo dục bảo vệ môi trường như “xe đạp xanh”, “nói không với rác thải nhựa”, “nhà vệ sinh thân thiện”, nhắc nhở học sinh chú trọng việc giữ gìn vệ sinh chung và cá nhân; bảo đảm đầy đủ nước uống sạch cho học sinh, đủ nước sinh hoạt, nhà vệ sinh trường học đạt chuẩn quy định.
Ở khối các trường mầm non, cùng với các hoạt động tuyên truyền, giáo viên thường xuyên hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng, xả trực tiếp dưới vòi nước chảy, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; thường xuyên lau sàn nhà và mở cửa phòng học, lau chùi bề mặt các loại đồ dùng, đồ chơi bằng hóa chất sát khuẩn thông thường. Những ngày thời tiết trở lạnh, đảm bảo giữ phòng học, phòng ngủ cho trẻ kín gió, ấm. Nghiêm túc thực hiện quy trình bếp ăn một chiều, nấu ăn đúng giờ; kiểm tra thực phẩm đảm bảo tươi ngon, chất lượng và lưu mẫu thức ăn sau 24h giờ. Nhân viên y tế các nhà trường kiểm tra vệ sinh môi trường các khu lớp đảm bảo vệ sinh sạch sẽ và an toàn. Giáo viên chủ nhiệm trao đổi với phụ huynh về tình hình sức khỏe của trẻ hàng ngày. Cô Nguyễn Kim Anh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hải Lý (Hải Hậu) chia sẻ: Để phòng tránh một số bệnh thường gặp khi thời tiết giao mùa, nhà trường thường xuyên tuyên truyền đến giáo viên, nhân viên, học sinh thực hiện tốt các hoạt động vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường; trao đổi với các bậc phụ huynh quan tâm tới các cháu để chủ động phòng tránh một số bệnh thường gặp lúc giao mùa. Trường kiểm soát chặt chẽ nguồn cung cấp thực phẩm phục vụ ăn bán trú; yêu cầu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều chỉnh thực đơn trong tuần, sử dụng các loại thực phẩm đa dạng, phong phú đảm bảo lượng và chất dinh dưỡng trong bữa ăn cho trẻ. Đồng thời, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như: Phát quang bụi rậm, xử lý rác thải, phun thuốc diệt khuẩn, côn trùng định kỳ trong khuôn viên nhà trường; nhắc nhở giáo viên, nhân viên, học sinh tuân thủ quy định rửa tay với nước sạch bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi chơi hay đi vệ sinh; định kỳ giáo viên các nhóm lớp khử khuẩn đồ dùng, đồ chơi cho sạch sẽ...
Ngành GD và ĐT chỉ đạo Phòng GD và ĐT các huyện, thành phố, các cơ sở giáo dục đẩy mạnh tuyên truyền về nguy cơ lây nhiễm các dịch bệnh, nâng cao nhận thức và ý thức phòng, chống dịch bệnh của học sinh, giáo viên và phụ huynh; hướng dẫn tuân thủ các khuyến cáo của ngành Y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh tại các trường học. Nhân viên y tế trường học theo dõi diễn biến dịch bệnh trong nhà trường và tư vấn cho lãnh đạo nhà trường các giải pháp tuyên truyền, phòng chống, xử lý các tình huống phát sinh dịch bệnh. Giáo viên chủ nhiệm theo dõi sát sao sĩ số học sinh trên lớp, biểu hiện sức khỏe của học sinh trong từng ngày học; nếu phát hiện học sinh có biểu hiện sốt, hoặc có biểu hiện bất thường về sức khỏe kịp thời phối hợp với phụ huynh để cách ly; đưa học sinh đến cơ sở y tế khám, theo dõi. Các trường cũng tổ chức vệ sinh môi trường; tăng cường điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp Trung tâm Y tế các huyện, thành phố chỉ đạo các trạm y tế xã, phường, thị trấn đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương về các biện pháp phòng, chống bệnh theo mùa để người dân nâng cao ý thức chủ động phòng bệnh cho trẻ; đặc biệt, tuyên truyền nâng cao hiểu biết cho người dân về lợi ích của việc tiêm vắc-xin phòng bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Khuyến cáo phụ huynh cần chủ động phòng bệnh cho trẻ với những phương pháp khoa học giúp các em khỏe mạnh, tăng sức đề kháng, tránh được các bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trong thời điểm học sinh đến trường, phụ huynh cần tăng cường theo dõi sức khỏe và cập nhật tình hình, diễn biến của dịch bệnh trong cộng đồng. Hạn chế để trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh để không lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng. Khi trẻ bị bệnh cần đưa đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
Bài và ảnh: Minh Thuận,
Nguồn Nam Định : https://baonamdinh.vn/suc-khoe/202410/phong-chong-dich-benh-trong-truong-hocthoi-diem-giao-mua-thu-dong-4131dd8/