Viêm mũi xoang có cần phẫu thuật không?

Viêm mũi xoang có cần phẫu thuật không?
3 giờ trướcBài gốc
Dấu hiệu để nhận biết bệnh viêm mũi xoang
Viêm mũi xoang thường phát triển khi viêm mũi dị ứng trở nên nghiêm trọng hơn hoặc sau khi mắc cảm cúm kéo dài. Các triệu chứng phổ biến của viêm mũi xoang bao gồm đau nhức ở vùng trán hoặc gò má.
Ngoài các triệu chứng trên, người bệnh cũng có thể trải qua những dấu hiệu khác như sổ mũi, nghẹt mũi, rối loạn khứu giác, nước mũi đặc, màu vàng xanh, dịch mũi chảy xuống họng, đau nhức vùng mặt, nhức đầu.
Các phương pháp điều trị viêm mũi xoang
Đối với điều trị viêm mũi xoang cấp tính được chia theo 3 thể: cấp do virus, sau virus và cấp do vi khuẩn.
- Viêm mũi xoang cấp do virus và sau virus: Phương pháp điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng như nâng cao thể trạng, hạ sốt, chống ngạt mũi, rửa mũi…
- Viêm mũi xoang cấp do vi khuẩn cần điều trị bằng kháng sinh. Tuy nhiên, cần lựa chọn kháng sinh theo từng đối tượng bệnh nhân cụ thể. Thông thường bệnh nhân sẽ điều trị các kháng sinh theo phác đồ trong vòng từ 7 - 10 ngày. Ngoài ra, có thể áp dụng một số phương pháp tại chỗ như rửa mũi, xịt mũi… sẽ giúp bệnh nhanh khỏi hơn.
Đối với điều trị viêm xoang mạn tính, cần căn cứ vào căn nguyên gây bệnh để có phác đồ điều trị. Thông thường bệnh nhân sẽ được kết hợp điều trị phương pháp nội khoa và ngoại khoa khi có chỉ định.
Ai nên phẫu thuật mũi xoang?
Phẫu thuật nội soi mũi xoang là phẫu thuật điều trị vấn đề về xoang ở bệnh nhân bị nhiễm khuẩn xoang nặng hoặc mạn tính. Phẫu thuật mũi xoang được chỉ định trong các trường hợp bệnh nhân bị viêm mũi xoang mạn tính, điều trị bằng nội khoa thất bại, tái phát 4 - 5 đợt trong năm, gây ảnh hưởng đến lao động và sinh hoạt.
Các biến chứng của viêm mũi xoang tiến triển đe dọa sức khỏe người bệnh
Viêm xoang do nấm: Có khối u nấm, nấm xâm lấn.
Bệnh nhân viêm mũi xoang cấp tính có biến chứng.
Bệnh nhân bị viêm xoang do có cấu trúc giải phẫu mũi bất thường như lệch vách ngăn mũi, polyp mũi, gai vách ngăn, phì đại cuống mũi, xẹp lõm xoang hàm, conchabullosa cuống mũi...
Viêm mũi xoang thường phát triển khi viêm mũi dị ứng trở nên nghiêm trọng hơn.
Lưu ý trong phẫu thuật nội soi mũi xoang
Để quá trình phẫu thuật phục hồi nhanh, điều trị hiệu quả, người bệnh áp dụng ngay những lưu ý:
Trước khi phẫu thuật
– Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn chi tiết, nhịn ăn trong vòng 6 giờ trước khi thực hiện phẫu thuật.
– Bệnh nhân nên thông báo với bác sĩ các loại thuốc đang và đã sử dụng trong thời gian gần đây để xác định các loại thuốc có khả năng ảnh hưởng tới quá trình đông máu.
Sau khi phẫu thuật
– Thở bằng đường miệng trong 24 – 48 giờ đầu sau phẫu thuật (do mũi đang được cầm máu bằng 2 miếng xốp).
– Khi tỉnh dậy sau phẫu thuật, người bệnh nên khạc hết máu, chất tiết trong miệng. Điều dưỡng tiến hành theo dõi huyết áp, mạch và nhịp thở của người bệnh thường xuyên.
– Người bệnh có thể xuất hiện tình trạng mệt mỏi, nghẹt mũi, đau họng, khát nước. Bạn có thể uống một chút nước nhưng không nên ăn uống nhiều để tránh bị nôn.
– Người bệnh có thể về nhà ngay trong ngày và không cần quá lo lắng với các triệu chứng như máu bầm, đờm nhầy chảy từ mũi xuống họng (thường diễn ra trong 3 tháng đầu sau mổ), cảm giác như cảm cúm.
Sinh hoạt sau phẫu thuật cần chú ý không hút thuốc lá, tránh tiếp xúc với khói bụi. Hạn chế các công việc nặng, bơi lội, tập gym. Xì mũi nhẹ nhàng. Tránh tiếp xúc với những người bị cảm cúm. Không uống bia rượu.
Phòng ngừa bệnh viêm mũi xoang
Để phòng ngừa bệnh viêm xoang hiệu quả cần lưu ý:
Nên đeo khẩu trang trước khi ra đường và làm công việc gặp nhiều bụi bặm. Giữ môi trường xung quanh luôn sạch sẽ, tránh xa khói bụi, chất thải, khói thuốc lá...
Tránh hít luồng không khí lạnh, khô. Không nên để mũi đối diện trực tiếp với luồng gió của máy lạnh hoặc máy quạt khi nằm ngủ, khi ngồi làm việc.
Những trường hợp thay đổi đột ngột từ quá nóng sang quá lạnh hoặc ngược lại đều có thể làm tổn thương niêm mạc mũi xoang. Cần giữ ấm khi đi ngoài trời lạnh, trời mưa, đặc biệt với những ai phải làm việc quá khuya hoặc dậy quá sớm, vì đây là những thời điểm dễ bị cảm và chuyển thành viêm mũi xoang.
Khi tắm hoặc đi bơi, nếu bị nước vào tai hoặc mũi cần biết cách để cho nước ra ngoài, ví dụ nước vào tai thì có thể nghiêng đầu nhảy để nước ra ngoài, sau đó lấy tăm bông lau khô.
Nếu nước vào mũi thì không được xì cả 2 bên mũi, làm như vậy nước càng dễ vào trong. Nên vệ sinh mũi thường xuyên.
Tránh stress khi làm việc quá sức, lo lắng quá nhiều sẽ khiến hệ miễn dịch của cơ thể suy yếu, nên rất dễ bị nhiễm trùng, trong đó mũi xoang dễ bị nhiễm nhất, vì đây là cơ quan lọc không khí trước khi đưa vào cơ thể. Bệnh có thể lây lan, vì vậy không dùng chung vật dụng cá nhân với người bị viêm xoang.
Khi có các triệu chứng ban đầu như hắt hơi, chảy nước mũi, tắc mũi, cần được điều trị ngay, tránh trường hợp để biến thành bệnh viêm mũi xoang.
BS. Nguyễn Văn Tuấn
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/viem-mui-xoang-co-can-phau-thuat-khong-169241009193819538.htm