Phòng chống dịch sốt xuất huyết bằng nhiều biện pháp đồng bộ

Phòng chống dịch sốt xuất huyết bằng nhiều biện pháp đồng bộ
15 giờ trướcBài gốc
Một bệnh nhi bị sốc sốt xuất huyết được Bệnh viện Nhi đồng 2 cứu sống. Ảnh: MINH KHUÊ
Số ca sốt xuất huyết tăng nhanh, lan rộng
Mới đây, bệnh nhi T.N.M.K. (12 tuổi, ngụ tại TPHCM) được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố trong tình trạng rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan, suy hô hấp nặng. Các xét nghiệm cho thấy, trẻ mắc SXH ngày thứ 4 trên cơ địa béo phì 83kg. Ở lứa tuổi này, cân nặng trung bình chỉ 34-36kg. Ê kíp điều trị đã truyền dịch cao phân tử, chống sốc, thuốc vận mạch và truyền máu. Sau 7 ngày điều trị, trẻ mới qua cơn nguy kịch. BS-CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết, bệnh SXH thường diễn tiến nặng và nguy hiểm khi trẻ có cơ địa dư cân, béo phì, trẻ dưới 12 tháng tuổi, cô đặc máu nhiều... Do đó, phụ huynh tuyệt đối không chủ quan nếu trẻ bị sốt cao kéo dài trong giai đoạn SXH đang vào mùa như hiện nay.
Riêng tuần qua, toàn TPHCM ghi nhận 838 trường hợp SXH, nâng tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay lên 14.370 ca với 6 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm trước, số ca SXH của thành phố tăng 158%. Dữ liệu giám sát cho thấy số ca mắc SXH hàng tuần đang có xu hướng tăng nhanh và lan rộng trên địa bàn. Theo Sở Y tế TPHCM, từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 8 là khoảng thời gian cần đặc biệt cảnh giác vì nguy cơ bùng phát dịch SXH. Điều này có thể gây áp lực lớn lên hệ thống điều trị, đặc biệt tại các bệnh viện nhi và tuyến cơ sở.
Trên phạm vi cả nước, từ đầu năm đến nay ghi nhận hơn 32.000 ca SXH. Một số địa phương ở phía Nam ghi nhận số mắc tăng cao so với cùng kỳ, trong đó có TPHCM. Theo ông Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng bệnh, Bộ Y tế, điều kiện thời tiết hiện nay rất thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển, nguy cơ SXH sẽ tiếp tục gia tăng ở các tỉnh, thành phố trong thời gian tới. Điều đáng lo ngại là những năm gần đây, chu kỳ bùng phát dịch SXH đang rút ngắn, từ khoảng 5 năm/lần còn 3-4 năm/lần. Đợt dịch gần nhất xảy ra vào năm 2022 với hơn 370.000 ca mắc. “Ở thời điểm này, dịch SXH vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, nếu các địa phương không triển khai biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, nguy cơ dịch SXH bùng phát trong năm 2025 là rất lớn”, ông Võ Hải Sơn cảnh báo.
Chống dịch từ sớm, từ xa
Theo PGS-BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1, ngay từ đầu mùa mưa, số ca SXH nặng đã tăng nên dự báo tình hình dịch năm nay sẽ phức tạp. Do đó, ngay từ sớm, bệnh viện đã sẵn sàng nguồn lực ứng phó, tổ chức tập huấn để hướng dẫn lại chẩn đoán, điều trị SXH cho nhân viên y tế tại TPHCM cũng như các tỉnh thành phía Nam. Ngoài ra, thực hiện phân tuyến điều trị, tránh quá tải, chuẩn bị sẵn sàng thuốc men, dịch truyền, hóa chất, nhân lực, thiết bị y tế, sẵn sàng thu dung điều trị, giảm thiểu nguy cơ tử vong do SXH. Trong khi đó, Sở Y tế TPHCM khuyến cáo người dân không chủ quan, tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch SXH tại hộ gia đình, cộng đồng và các cơ sở công cộng. Người dân nên tích cực diệt lăng quăng và muỗi, đến cơ sở y tế để được khám và điều trị khi có dấu hiệu mắc bệnh. Khi phát hiện điểm nguy cơ cao, có thể phản ánh đến ứng dụng “Y tế trực tuyến” để cơ quan y tế kịp thời xử lý.
Trong nửa đầu năm 2025, Bộ Y tế đã chỉ đạo toàn hệ thống y tế cùng chính quyền địa phương vào cuộc chống dịch SXH với tinh thần “từ sớm, từ xa”. Ngành y tế và giáo dục đã phối hợp thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa nguy cơ dịch bệnh trong trường học, nhất là ở các khu vực có nguy cơ cao. Ông Võ Hải Sơn nhận định, nhiều tỉnh, thành phố đã xác định điểm nóng SXH cũng như khu vực có ổ dịch, vùng nguy cơ cao, phát hiện sớm ca bệnh và xử lý ổ dịch, không để bệnh lan rộng hoặc kéo dài. Các hoạt động phun hóa chất diệt muỗi, loại bỏ lăng quăng, bọ gậy đã được triển khai quyết liệt. Việt Nam hiện đã có vaccine SXH. Đây là một biện pháp phòng ngừa chủ động với dịch SXH, tuy nhiên phải kết hợp toàn diện các biện pháp truyền thống một cách kiên trì, liên tục với sự tham gia của cộng đồng. Mỗi người dân là một mắt xích quan trọng để ngăn dịch SXH bùng phát.
GIAO LINH
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/phong-chong-dich-sot-xuat-huyet-bang-nhieu-bien-phap-dong-bo-post803563.html