Tranh cổ động của Nguyễn Mạnh Hùng.
Hiện nay, toàn Đảng đang tích cực chuẩn bị, tổ chức đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới Đại hội XIV của Đảng, gắn với việc sắp xếp, tinh, gọn tổ chức, bộ máy hệ thống chính trị, nhằm tháo gỡ những “điểm nghẽn”, tạo động lực để đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị của đất nước. Thế nhưng, các thế lực thù địch và phần tử cơ hội, phản động lại coi đó là “cơ hội vàng” để đẩy mạnh hoạt động chống phá với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, nham hiểm và cấp độ, quy mô, tần suất ngày càng cao; với lưu lượng tin, bài dày đặc; trên tất cả các phương tiện thông tin, truyền thông, cả truyền thống và hiện đại, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội.
Thực tế cho thấy, sự chống phá công tác nhân sự đại hội của Đảng được các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị thực hiện trên hai hướng chủ yếu trong mối quan hệ hỗ trợ nhau. Tập trung chống phá vào quan điểm, chủ trương và toàn bộ các khâu, bước của công tác nhân sự, đặc biệt là khâu lựa chọn nhân sự đại hội và các vị trí chủ chốt trong cấp ủy. Xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ, đảng viên được dự kiến là nhân sự đại hội các cấp của Đảng.
Ở hướng thứ nhất, họ tung ra các luận điệu xuyên tạc, dựng chuyện, “quy chụp”, công kích công tác nhân sự đại hội, rằng: lựa chọn nhân sự đại hội là do Đảng độc quyền, tự quyết định, vì thế “không thể khách quan”, “không công bằng” và “không thể có dân chủ”,… là “sự áp đặt từ trên xuống”. Theo họ, công tác nhân sự đại hội của Đảng là “có vấn đề”; quy trình, các bước có vẻ khoa học, khách quan, nhưng chỉ là “hình thức, thiếu thực chất”, chỉ để nhằm “hợp thức hóa” việc “sắp xếp”, “đấu đá, tranh giành quyền lực”, là sự “thỏa thuận” giữa các “phe, nhóm” trong nội bộ các tổ chức đảng, nhằm “tạo phe cánh, tạo thế lực”,… vì thế “hiệu quả rất thấp”. Không những thế, họ còn cố tình nói xằng rằng, Đảng “không thực lòng” lựa chọn cán bộ thực sự có tài năng, mà chỉ quan tâm cất nhắc những người “cùng phe cánh, cánh hẩu”, vì thế “không thể lựa chọn” được những người thực sự có đủ năng lực và phẩm chất, đủ đức, đủ tài để lãnh đạo đất nước (!). Từ đó, họ tự cho mình cái “quyền” lựa chọn nhân sự, quy hoạch cán bộ, tìm mọi cách, mọi thủ đoạn “suy đoán” một cách tùy hứng, rồi nặn ra “danh sách nhân sự” bộ máy lãnh đạo của các tổ chức đảng từ địa phương đến Trung ương.
Ở hướng thứ hai, lợi dụng tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, đảng viên, họ lấy đó là một “cái cớ” quan trọng để “thổi phồng”, rồi quy chụp rằng đó là tình trạng “phổ biến”, là “bản chất” của đại bộ phận cán bộ, đảng viên. Vì thế, theo họ, ai là nhân sự đại hội thì cũng như nhau mà thôi. Cùng với đó, họ còn tìm mọi cách đơm đặt, “cắt ghép” thông tin, làm nhiễu loạn, lẫn lộn thật - giả; tán phát đơn, thư nặc danh hòng công kích, xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ, làm méo mó danh dự, uy tín của những cán bộ, đảng viên trong quy hoạch nhân sự đại hội…
Liệt kê ra để thấy, các luận điệu, chiêu trò chống phá công tác nhân sự đại hội Đảng như trên không có gì mới, nhưng được các thế lực thù địch, phản động khéo léo ngụy tạo, với nhiều thủ đoạn nham hiểm, vừa trực diện trắng trợn, vừa che giấu kín đáo, rất tinh vi, xảo quyệt. Họ cố thể hiện là những người có “tâm huyết” với vận mệnh của đất nước, mượn danh “tiếng nói”, “nguyện vọng” của đa số dân chúng để “góp ý”, “kiến nghị” với Đảng, Nhà nước. Chiêu trò chống phá này đặc biệt nguy hại, bởi nó làm cho môi trường thông tin xã hội nhiễu loạn, “đúng - sai”, “trắng - đen”, “thực - ảo”, “thật - giả” lẫn lộn; gây tâm lý hoang mang, hoài nghi, thiếu tin tưởng vào công tác nhân sự đại hội của Đảng trong một bộ phận quần chúng và cán bộ, đảng viên. Càng đến gần đại hội đảng, sự chống phá của chúng càng dồn dập hơn, thực chất là nhằm trực tiếp phá hoại đại hội đảng các cấp và Đại hội XIV của Đảng, tiến tới xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với đất nước và dân tộc.
Không thể xuyên tạc, nói xằng công tác nhân sự đại hội của Đảng là “thiếu khách quan, khoa học”, “áp đặt từ trên xuống”, khi mà công tác quan trọng này được chuẩn bị rất tích cực, trách nhiệm, khoa học, chặt chẽ ở tất cả các cấp. Công tác nhân sự được Đảng ta xác định là “then chốt của mọi then chốt”, là vấn đề “hệ trọng nhất trong những việc hệ trọng”, là “mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng”, là vấn đề cốt yếu đảm bảo sự thành công của đại hội Đảng: “Phải làm tốt công tác nhân sự từ đại hội đảng bộ các cấp để góp phần chuẩn bị tốt nhân sự cho Đại hội XIV của Đảng”. Định hướng chỉ đạo quan trọng này được Bộ Chính trị tiếp tục nhấn mạnh tại Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng; đồng thời, xác định rõ những quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu đại hội đảng các cấp. Tại Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết Hội nghị Trung ương 10 (khóa XIII), đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Tập trung chuẩn bị tốt nhất nhân sự cho đại hội đảng bộ các cấp: Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, thử thách đối với các đồng chí là nhân sự được quy hoạch tham gia cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp, bảo đảm lựa chọn ra được cấp ủy, nhất là người đứng đầu có năng lực lãnh đạo, có sức chiến đấu cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo vì sự nghiệp chung, có năng lực lãnh đạo thực hiện thắng lợi các chủ trương của Đảng, đưa nghị quyết của Đảng vào thực tiễn cuộc sống trên từng lĩnh vực, địa bàn”. Công việc “hệ trọng nhất”, “mắt xích trọng yếu” này đã và đang được quán triệt sâu sắc, thấm nhuần đến tất cả các tổ chức đảng và toàn thể cán bộ, đảng viên, được đa số quần chúng nhân dân thấu hiểu, đồng tình.
Trên cơ sở định hướng và yêu cầu đó, các cấp ủy nắm vững nguyên tắc, quy trình, quy chế, tiêu chí, tiêu chuẩn, chủ động rà soát, xây dựng phương án nhân sự đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của mình đúng tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng và chất lượng. Kết hợp hài hòa, chặt chẽ giữa lựa chọn nhân sự tại chỗ với điều động, luân chuyển cán bộ, kiện toàn tổ chức; lựa chọn, quy hoạch cán bộ trẻ có năng lực và triển vọng, bảo đảm tính kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển. Đó là công việc của tất cả các tổ chức đảng và toàn thể cán bộ, đảng viên, được sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân và được chuẩn bị kỹ lưỡng, cụ thể từ cơ sở. Việc đó, rõ ràng là để vừa giữ vững quan điểm, nguyên tắc, vừa bảo đảm tính dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, chặt chẽ, tuyệt nhiên không phải là “mất dân chủ”, là sự “áp đặt từ trên xuống”, là sự “thỏa thuận” giữa các “phe, nhóm” như sự xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Và cũng không thể nói rằng, công tác nhân sự của Đảng là “không hiệu quả”, “không thể lựa chọn được người có tài năng”, khi sự lựa chọn đó được thực hiện một cách dân chủ, khách quan, khoa học, chặt chẽ, với tiêu chí cụ thể, rõ ràng. Lựa chọn nhân sự đại hội không chỉ lựa chọn những cán bộ tài năng, mà lựa chọn những người có đủ cả đức, cả tài, cả tâm và tầm, thực sự “vừa hồng, vừa chuyên”, có uy tín cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám quyết định những quyết sách đúng đắn, đột phá để hoàn thành nhiệm vụ, đưa đất nước phát triển lên tầm cao mới. Việc lựa chọn nhân sự đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 được Đảng xác định phải nắm chắc ba “trụ cột”: phẩm chất chính trị tư tưởng; đạo đức, lối sống; trí tuệ, tư duy chiến lược, trình độ, mức độ tín nhiệm trong mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Phải “Lấy tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và hiệu quả công tác, uy tín của bản thân và gia đình làm thước đo chủ yếu”. Đồng thời, kiên quyết loại bỏ, không đưa vào nhân sự đại hội những cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tham nhũng, cơ hội, tham vọng quyền lực, cục bộ, bè phái, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, để vợ hoặc chồng, con, người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn trục lợi... Thực hiện tốt những việc làm đó, nhất thiết chúng ta sẽ lựa chọn được những người thực sự có đủ đức, đủ tài, đủ tầm, thực sự là lực lượng rường cột, ưu tú nhất của Đảng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam chứng thực rằng, nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, của những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử để đất nước “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” là sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, với đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ đức, đủ tài, luôn tiên phong, gương mẫu trong các phong trào cách mạng, trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, một lòng vì nước, vì dân. Vì thế, không thể quy chụp, nói bừa, đánh đồng một cách vô lối trắng trợn rằng, tình trạng suy thoái, biến chất, tham nhũng của một bộ phận cán bộ, đảng viên là bản chất của tất cả cán bộ, đảng viên, của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Các chiêu trò chống phá công tác nhân sự đại hội Đảng nêu trên, dù rất xảo trá, tinh vi, nhưng không đánh lừa được ai, đã và nhất định sẽ bị phá sản.
Trước các chiêu trò chống phá công tác nhân sự đại hội đảng của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, chúng ta cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác, gia tăng sức “đề kháng” và khả năng “miễn dịch” cho các tổ chức đảng, cho toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; “Chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, khách quan, đúng định hướng để “phòng, chống “diễn biến hòa bình”, thông tin xấu, độc trên internet, mạng xã hội”. Nắm bắt diễn biến tình hình tư tưởng, phát hiện những thông tin xấu, độc, phiến diện, một chiều để chủ động đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, chống phá công tác nhân sự đại hội, không để ảnh hưởng tiêu cực, nhiễu loạn tư tưởng xã hội. Kiên quyết xử lý mọi hành vi lợi dụng “dân chủ”, “nhân quyền”, “tự do ngôn luận” để phát tán tài liệu vu cáo, vu khống, bội nhọ cán bộ, đảng viên, xuyên tạc, chống phá đại hội đảng các cấp.
Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân