Phòng chống tác hại thuốc lá: Cần chiến lược đồng bộ

Phòng chống tác hại thuốc lá: Cần chiến lược đồng bộ
11 giờ trướcBài gốc
Cùng với đó, hệ thống pháp luật để phòng chống tác hại thuốc lá cũng được triển khai toàn diện. Tuy nhiên, vấn đề buôn lậu leo thang, nhu cầu của người dùng đi ngược so với định hướng kiểm soát, tốc độ phát triển của công nghệ có thể sẽ làm suy giảm các nỗ lực phòng chống thuốc lá quốc gia.
Phát huy vai trò y tế dự phòng
Đề cập đến công tác y tế dự phòng để phòng chống dịch bệnh, GS.TS.BS Đặng Vạn Phước, Hiệu trưởng danh dự Trường Đại Học Khoa học Sức khỏe TP Hồ Chí Minh (nguyên Trưởng khoa Y ĐHQG-HCM, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Y, Chủ tịch Hội Tim mạch TP Hồ Chí Minh) cho biết, một trong những xu hướng của y khoa hiện nay là ngăn chặn bệnh tật bùng phát và hạn chế những hệ lụy nghiêm trọng về lâu dài.
GS.TS.BS Đặng Vạn Phước.
Y tế dự phòng cũng là hướng tiếp cận chung trên toàn cầu. Trong 30-40 năm qua, ngành y học thế giới ngày càng chú trọng nghiên cứu và phát triển các phương pháp nhằm phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây bệnh. Nếu được nhận diện kịp thời, những nguy cơ này có thể được kiểm soát để ngăn chặn sự bùng phát của bệnh lý, từ đó giảm nhẹ gánh nặng bệnh tật cho hệ thống y tế.
Trong vấn đề giảm thiểu tác hại của khói thuốc lá, GS. Phước cho biết, nicotine – thành phần gây nghiện trong thuốc lá – thường được xem là tác nhân chính gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, 93 trong 6.000 tạp chất trong khói thuốc do đốt cháy mới là thủ phạm chính gây ra các bệnh hiểm nghèo như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), bệnh tim mạch, ung thư... Chính vì vậy, việc hiểu đúng vai trò của nicotine có thể mở ra hướng tiếp cận mới trong việc xác định yếu tố nguy cơ và kiểm soát giảm tác hại, đồng thời phát triển biện pháp cai nghiện thuốc lá hiệu quả hơn.
Cụ thể, nhiều nước trên thế giới như Anh, Philippines đã áp dụng các biện pháp cai nghiện trung gian như các dược phẩm nicotine thay thế (NRT) như miếng dán, kẹo ngậm nicotine, hoặc các sản phẩm thay thế không đốt cháy (thuốc lá nung nóng - TLNN, thuốc lá ngậm, thuốc lá điện tử - TLĐT) đã được thử nghiệm khoa học, khả thi thực tiễn đời sống. Điểm chung của các biện pháp này là loại bỏ quá trình đốt cháy tạo ra khói, từ đó giảm nguy cơ từ khói thuốc.
Song song đó, y tế dự phòng cũng đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao nhận thức thông qua giáo dục và truyền thông, từ đó giúp người dùng điều chỉnh hành vi và tiến tới cai thuốc lá hoàn toàn.
Khó khăn trong thực thi quy định xử phạt
Ngoài việc áp dụng y tế dự phòng nhằm giảm thiểu yếu tố nguy cơ và điều chỉnh hành vi người tiêu dùng, các chính sách pháp lý đóng vai trò hậu thuẫn giúp ngăn chặn sự phổ biến và bình thường hóa việc sử dụng thuốc lá. Tuy nhiên,việc thực thi các quy định vẫn chưa được triệt để.
Cụ thể nhất, mặc dù có quy định cấm trẻ em dưới 18 tuổi hút thuốc lá hoặc xử phạt buôn bán thuốc lá cho người dưới độ tuổi này, nhưng trên thực tế tình trạng hút thuốc lá ở trẻ vẫn xảy ra. Mới đây nhất là vụ 4 nữ sinh tiểu học đã vô tư hút thuốc lá điếu thông thường ngay trong trường tại An Giang.
Đồng thời, nhiều điểm nghẽn trong thực thi Nghị quyết cấm TLĐT, TLNN cũng đang được phân tích. Trong đó, việc phân biệt sự khác nhau về cơ chế, thành phần… giữa các loại thuốc lá không đốt cháy cũng cần được làm rõ để có những giải pháp phòng ngừa hiệu quả.
Tại tọa đàm “Phòng chống buôn lậu thuốc lá: Nhiều thách thức đặt ra” do Báo Tiền Phong tổ chức vào ngày 2/4 vừa qua, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp cho biết, TLNN không phải là TLĐT. Theo ông Hải, TLNN cũng là thuốc lá dưới dạng điếu, nhưng thay vì đốt bằng lửa như thuốc lá truyền thống, người dùng cắm vào thiết bị để nung nóng, tạo hơi rồi hút. Sau khi hút hết thì điếu TLNN này vẫn còn nguyên vẹn chứ không bị cháy đi như thuốc lá truyền thống. Ngược lại, TLĐT hoạt động bằng cách làm nóng dung dịch để tạo thành hơi.
Cũng trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp đã có quan điểm chính thức tại Báo cáo thẩm định số 68/BCTĐ-BTP ngày 4/3 vừa qua, đề nghị bổ sung định nghĩa “TLĐT” và “TLNN” vào trong các văn bản luật gốc, gồm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Nghị định 67/2013 nhằm đảm bảo tính đồng bộ và bao quát trong hệ thống pháp luật. Việc này nhằm tránh sự đồng nhất trong cách nhìn nhận về mức độ nguy hại của từng loại sản phẩm, và gây khó khăn trong quá trình xây dựng các biện pháp phòng, chống tác hại.
Báo cáo của CDC về số ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử (gọi là dịch EVALI) đạt đỉnh vào tháng 9/2019. Cho đến nay chưa ghi nhận trường hợp tương tự liên quan đến TLNN. Nguồn: CDC Mỹ.
Trên thế giới, đã hiện hữu các văn bản quốc tế để phân loại các sản phẩm này nhằm hỗ trợ việc quản lý riêng biệt các sản phẩm.
Cụ thể, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phân loại TLLN thuộc nhóm ngành hàng thuốc lá, nhưng ở phân mục "thuốc lá được làm nóng (thay vì đốt cháy)" để phân biệt với thuốc lá truyền thống, vừa tách bạch với TLĐT.
Tài liệu được công bố vào năm 2020 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã nhấn mạnh không nên nhầm lẫn giữa TLNN và TLĐT.
Ngoài ra, theo các đại biểu tại tọa đàm, cần có nghiên cứu về nhu cầu người dùng, đánh giá tác động chính sách đối với mọi chủ thể liên quan, để giúp các cơ quan chức năng đưa ra chính sách quản lý phù hợp thực tiễn. Điều này nhằm tránh đi ngược với dòng chảy kinh tế thị trường và nhu cầu thực tế của xã hội.
Nguyễn Trang
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/phong-chong-tac-hai-thuoc-la-can-chien-luoc-dong-bo-10304346.html