Quang cảnh nhìn từ trong hang Xe Bang Fai, Vườn quốc gia Hin Nam Nô, Lào. Ảnh: GIZ ProFEB
Di sản được ghi danh với tên gọi “Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô”, trở thành Di sản thế giới liên biên giới đầu tiên của hai quốc gia Việt Nam và Lào, được công nhận theo ba tiêu chí: địa chất – địa mạo, hệ sinh thái và đa dạng sinh học.
Phong Nha – Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Trị, Việt Nam) và Hin Nam Nô (tỉnh Khăm Muộn, Lào) là một trong những khu vực karst đá vôi cổ đại, nguyên vẹn nhất thế giới, nằm tại điểm giao thoa giữa dãy núi Annam và vành đai đá vôi Trung Đông Dương, kéo dài qua biên giới Việt Nam và Lào. Quá trình hình thành địa chất karst tại đây đã diễn ra liên tục từ khoảng 400 triệu năm trước, được xem là một trong những vùng karst cổ nhất và có quy mô lớn nhất tại châu Á.
Đoàn Việt Nam tham dự kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản thế giới tại thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp
Khu vực sở hữu hệ sinh thái nhiệt đới phong phú: từ rừng ẩm thấp rậm rạp, rừng karst khô ở độ cao lớn, cùng hệ thống hang động và sông ngầm rộng lớn với hơn 220km đã được khảo sát, trong đó nổi bật là hang Sơn Đoòng (Việt Nam) và Xe Bang Fai (Lào) – hai hang động được xếp vào loại lớn nhất thế giới. Cảnh quan nơi đây còn lưu giữ nhiều cấu trúc địa chất độc đáo, hồ nước trầm tích canxit và các loài sinh vật đặc hữu quý hiếm.
Voọc chà vá chân đỏ (Pygathrix nemaeus) và con non tại Laboi, Vườn Quốc gia Hin Nam Nô, Lào. Ảnh: Ban Quản lý Vườn quốc gia Hin Nam Nô
Với giá trị nổi bật toàn cầu, di sản chung Phong Nha - Kẻ Bàng và Hin Nam Nô là một biểu tượng hợp tác bảo tồn xuyên biên giới hiếm có, đại diện cho các hệ sinh thái nhiệt đới đá vôi đặc sắc nhất hành tinh. Hồ sơ đề cử được 2 nước phối hợp xây dựng từ năm 2018 và chính thức gửi tới UNESCO vào tháng 2 - 2024.
Trước đó, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đã hai lần được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới vào các năm 2003 và 2015. Việc mở rộng lần này không chỉ ghi nhận giá trị toàn diện của quần thể karst cổ đại, trải dài xuyên biên giới, mà còn là biểu tượng của hợp tác bảo tồn quốc tế, góp phần bảo vệ các hệ sinh thái nhiệt đới đá vôi đặc sắc nhất hành tinh.
Cảnh quan karst Vườn quốc gia Hin Nam Nô, CHDCND Lào. Ảnh: Ryan Deboodt
Tính đến nay, Việt Nam có 9 di sản thế giới được UNESCO công nhận. Trong đó, “Phong Nha – Kẻ Bàng và Hin Nam Nô” là di sản thế giới liên biên giới đầu tiên, đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực bảo vệ di sản tự nhiên và khẳng định trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.
MAI AN