Mô hình trồng cà phê THa1 của nông dân xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La.Ảnh: PV
Ông Phạm Văn Quyết, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, cho biết: Từ năm 2021 đến nay, thành phố triển khai 67 mô hình kinh tế về trồng trọt, chăn nuôi, liên kết các hộ cùng sở thích thành lập HTX, các tổ hội nông dân, chi hội nghề nghiệp sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho nhân dân. Năm 2024, thành phố có 27/47 mô hình thuộc lĩnh vực phát triển kinh tế của tập thể và cá nhân tham gia được xác nhận mô hình điển hình các cấp, gồm: 2 mô hình cấp tỉnh, 9 mô hình cấp thành phố và 16 mô hình cấp cơ sở.
Tiêu biểu, mô hình cải tạo, chăm sóc cây mận hậu theo hướng hữu cơ tiêu chuẩn VietGAP tại bản Dầu, Ót Luông được công nhận là mô hình kinh tế dân vận khéo cấp tỉnh. Ông Lèo Văn Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chiềng Cọ, chia sẻ: Qua tuyên truyền, vận động, đã có 13 hộ gia đình tại 2 bản Dầu, Ót Luông tham gia cải tạo, chăm sóc 5 ha cây mận hậu theo hướng hữu cơ. Mô hình mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội. Năm nay, sản lượng thu hoạch đạt khoảng 90 tấn quả tươi, doanh thu gần 1,4 tỷ đồng, tăng 30% so với trước khi cải tạo. Đặc biệt, mô hình không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, còn tạo việc làm ổn định cho hơn 50 lao động, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
Hội Nông dân tỉnh kiểm tra, đánh giá mô hình trồng mận hữu cơ tại bản Dầu, xã Chiềng Cọ.
Tổ Hội nông dân nghề nghiệp An Phú, phường Chiềng An được công nhận là mô hình điển hình cấp Thành phố. Được thành lập năm 2021, Tổ hội ban đầu có 18 thành viên. Sau đó, liên kết thêm 12 hội viên nông dân trong phường trồng và chăm sóc cây ăn quả theo quy trình VietGAP. Đến nay, Tổ hội phát triển lên 36 thành viên, với quy mô 30 ha trồng các loại cây mận hậu, thanh long, na... Ông Quàng Văn Chung, thành viên Tổ hội nông dân nghề nghiệp An Phú, nói: Hiện nay, các thành viên trong Tổ hội đều áp dụng tốt quy trình trồng, chăm sóc thanh long, mận hậu trái vụ, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập trung bình trên 200 triệu đồng/hộ/năm.
Mô hình trồng thanh long ruột đỏ của thành viên Tổ hội nông dân nghề nghiệp An Phú, tổ 2, phường Chiềng An, Thành phố.
Sau gần 2 năm triển khai, mô hình “Nuôi lợn sinh sản” của xã Chiềng Đen đã thu hút 25 hộ tham gia, thành lập Chi hội nghề nghiệp nuôi lợn sinh sản. Tham gia mô hình, các hộ được hỗ trợ 134 con lợn giống, thức ăn hỗn hợp và vắc xin phòng bệnh. Là thành viên của chi hội, anh Quàng Văn Hiệp, bản Trung tâm, chia sẻ: Năm 2022, gia đình tôi tham gia vào Chi hội và được hỗ trợ 5 con lợn giống. Nhờ áp dụng kỹ thuật nuôi được học, đàn lợn phát triển tốt. Đến nay, trung bình cung cấp cho thị trường 100 con lợn giống/năm, mang lại nguồn thu nhập khoảng 70 triệu đồng. Năm 2023, gia đình tôi tặng 4 con lợn giống cho một hộ trong bản mới tham gia vào Chi hội.
Mô hình nuôi lợn sinh sản tại bản Trung tâm, xã Chiềng Đen, Thành phố.
Tập trung triển khai các mô hình kinh tế “dân vận khéo”, đến nay, thành phố Sơn La có 25 HTX, tổ hội nông dân và chi hội nghề nghiệp. Các mô hình tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi, trồng và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đã có 13 ha cây trồng ứng dụng công nghệ cao; 3.068 ha cây trồng áp dụng quy trình VietGAP và các tiêu chuẩn tương đương; 13 ha cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu; xây dựng được 15 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, 15 chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản an toàn...
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với từng xã, phường. Từ các mô hình, làm chuyển biến nhận thức, thay đổi tư duy và cách làm của nông dân, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Phan Trang