Thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, công nghệ ngày càng phát triển khiến phụ huynh khó bảo vệ con trên mạng ảo. (Ảnh minh họa: VEC)
Tổn thương tâm lý nặng nề từ những “bẫy ảo”
Thời gian qua, liên tục xảy ra những câu chuyện đau lòng về trẻ vị thành niên rơi vào “bẫy” lừa trên mạng. Những "kẻ săn mồi" núp bóng tài khoản ảo, giả danh bạn bè, hoặc tự tạo hình tượng hoàn hảo để lừa gạt trẻ. Nhiều trẻ em đã trở thành nạn nhân của những mối quan hệ ảo, bị lừa cả tình cảm lẫn tài sản. Không ít trường hợp bị đe dọa, khủng bố tinh thần khi thông tin cá nhân hoặc hình ảnh bị phát tán. Hậu quả để lại không chỉ là thiệt hại vật chất mà còn là những vết thương tâm lý nặng nề. Trẻ em dễ rơi vào trạng thái sợ hãi, mất niềm tin vào mọi người xung quanh, thậm chí dẫn đến trầm cảm.
Ví dụ như trường hợp đau lòng được Thượng tá Lê Minh Hải - Phó phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TPHCM chia sẻ tại buổi tọa đàm “An toàn thông tin trong kỷ nguyên số” do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức tại TP Hồ Chí Minh về câu chuyện của một bé gái bị lừa tham gia "sàn đầu tư" ảo. Kẻ lừa đảo trên mạng dùng hình ảnh một thanh niên trẻ đẹp như diễn viên Hàn Quốc để tiếp cận, dụ dỗ em nhỏ tham gia một sàn đầu tư chứng khoán do tên này và đồng bọn lập ra. Ban đầu bé gái được chúng nạp cho những khoản tiền ảo khổng lồ làm em lóa mắt, sau đó một thời gian ngắn đã dụ dỗ em vay mượn, huy động được… 70 tỉ đồng để đầu tư vào sàn, rồi biến mất.
Nhiều em nhỏ khác bị kẻ gian tiếp cận, lôi kéo, dụ dỗ, khiến nạn nhân đồng ý quan hệ tình dục, sau đó quay phim lại. Những thước phim này chúng dùng để khống chế, buộc các em phải trả tiền hoặc tham gia các đường dây mại dâm, đóng phim nóng,…
“Rào cản” khiến phụ huynh khó nhận diện
Thông qua sự tuyên truyền của các cơ quan chức năng, đa phần phụ huynh ý thức được nguy cơ, nhưng việc bảo vệ con trên mạng xã hội chưa bao giờ là điều dễ dàng. Có rất nhiều rào cản khiến việc kiểm soát trở nên khó khăn hơn mà các chuyên gia đã chỉ ra, trong đó có yếu tố thế giới số ngày càng phức tạp, các thủ đoạn lừa đảo ngày một tinh vi, khó lường.
Trẻ em ngày nay thông thạo công nghệ hơn cả cha mẹ, dễ dàng tạo tài khoản, ẩn giấu mối quan hệ trực tuyến. Trong khi đó, phụ huynh thường thiếu hiểu biết về các thủ đoạn tinh vi của kẻ xấu. Ngoài ra, tâm lý tuổi vị thành niên cũng là một thách thức lớn. Đây là giai đoạn trẻ tìm kiếm sự tự do và dễ phản ứng tiêu cực khi bị kiểm soát chặt chẽ. Nhiều em chọn cách giấu giếm các hoạt động trên mạng, vô tình tự đặt mình vào vòng nguy hiểm.
Theo các chuyên gia, thay vì kiểm soát thái quá hoặc cấm đoán hoàn toàn, phụ huynh cần tìm cách đồng hành và trang bị cho con kỹ năng sử dụng mạng an toàn. Khi cho con tham gia mạng xã hội, phụ huynh cần thường xuyên trao đổi, chỉ cho con những vùng an toàn, vùng cấm, cho con hiểu được các tình huống nguy hiểm và những gì con có thể đối mặt trên mạng.
Để làm được điều này, bản thân phụ huynh cũng phải thường xuyên cập nhật về các phần mềm, thiết bị ngăn chặn nội dung không phù hợp cũng như có hiểu biết về những nguy cơ, các thủ đoạn tinh vi thường xuyên thay đổi của các đối tượng trên mạng để hướng dẫn cho con cái. Một vấn đề quan trọng là phụ huynh phải đối mặt và có cách hành xử đúng việc xử lý hậu quả khi phát hiện ra con đã trở thành nạn nhân của lừa đảo mạng. Về điều này, Thượng tá Lê Minh Hải chia sẻ, ở các tình huống trẻ đã bị lừa tiền hoặc bị lừa tình, tống tiền bằng ảnh “nóng”, ông luôn đưa ra lời khuyên phụ huynh nên bình tĩnh, không chỉ trích mà tìm cách an ủi, đồng hành, để mắt đến con thường xuyên để con không có hành động dại dột. Còn hành trình tìm ra kẻ lừa đảo, lấy lại những gì đã mất thì đó là câu chuyện trách nhiệm của cơ quan chức năng.
Có thể nói, việc quản lý con cái trong thế giới số không thể chỉ dựa vào sự kiểm soát hay cấm đoán. Phụ huynh cần đồng hành cùng con, giáo dục con về kỹ năng tự bảo vệ mình trước những cạm bẫy trực tuyến. Chỉ khi được trang bị đầy đủ kiến thức và sự hỗ trợ từ gia đình, trẻ mới có thể đứng vững giữa thế giới mạng đầy rủi ro nhưng cũng không ít cơ hội này.
Ngọc Mai