Phụ nữ bị bạo lực rất cần nơi tạm lánh trong trường hợp khẩn cấp

Phụ nữ bị bạo lực rất cần nơi tạm lánh trong trường hợp khẩn cấp
2 giờ trướcBài gốc
Bà Ngô Thị Tuyết Em, Giám đốc Trung tâm Vì sự phát triển phụ nữ Đồng Bằng Sông Cửu Long
- Thưa bà, nhìn lại 30 năm kể từ Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh ra đời, bà nhận thấy những tiến bộ nào trong việc hỗ trợ các nạn nhân của bạo lực đối với phụ nữ, và những thách thức nào vẫn còn tồn tại?
Bà Ngô Thị Tuyết Em: Thời gian qua, công tác hỗ trợ nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới được quan tâm với hệ thống luật pháp chính sách được hoàn thiện theo hướng đảm bảo bình đẳng Giới, luật về phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới đã được sửa đổi phù hợp với thực tiễn, các hành vi liên quan Bạo lực gia đình cũng được chi tiết hóa, đặc biệt quan tâm chú trọng đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ. Theo đó, các chỉ tiêu liên quan đảm bảo nạn nhân được tiếp cận dịch vụ hỗ trợ đều đạt và vượt so với chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới.
Các mô hình, dịch vụ hỗ trợ phát triển cả về số lượng và chất lượng dịch vụ. Riêng hệ thống Ngôi Nhà Bình yên thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, hiện có 3 cơ sở tại tại Hà Nội và Cần Thơ (Khu vực đồng bằng sông Cửu Long) dự kiến mở rộng tại khu vực Bắc Trung Bộ (Quảng Bình).
Dịch vụ hỗ trợ của các mô hình hiện nay tiệm cận với dịch vụ theo quy định quốc tế, đặc biệt mô hình Ngôi nhà Bình yên hỗ trợ trên nguyên tắc lấy nạn nhân làm tâm, cung cấp dịch vụ hỗ trợ toàn diện từ nơi ăn ở an toàn đến các hoạt động tâm lý, pháp lý, y tế, giáo dục, nghề nghiệp, kỹ năng sống đảm bảo hồi gia an toàn và bền vững.
Tuy nhiên, vẫn còn gặp khó khăn và thách thức trong quá trình hỗ trợ nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới do nguồn lực còn hạn chế cả về nhân lực và tài chính. Đội ngũ cán bộ đòi hỏi có chuyên môn, chịu được áp lực công việc, việc thường xuyên thay đổi sẽ ảnh hưởng đến quá trình hỗ trợ, vận hành. Nguồn ngân sách trong hỗ trợ nạn nhân chưa thể đảm bảo cung cấp dịch vụ đầy đủ và toàn diện, cần thêm nguồn từ các hoạt động xã hội hóa.
- Bà có thể chia sẻ một câu chuyện hoặc ví dụ cụ thể từ Ngôi nhà Bình Yên để minh họa tầm quan trọng của những không gian an toàn đối với hành trình phục hồi và trao quyền cho các nạn nhân không?
Bà Ngô Thị Tuyết Em: Trong quá trình hoạt động của Ngôi nhà Bình yên chúng tôi đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình, mua bán người và xâm hại tình dục, mỗi câu chuyện đều để lại những ấn tượng sâu sắc. Một trong những trường hợp đặc biệt mà tôi nhớ đến là một người phụ nữ bị lừa mua bán sang Trung Quốc lúc chị ấy mới 14 tuổi cũng là thân chủ đầu tiên tạm lánh tại Ngôi nhà Bình yên.
Chị H. đến tạm lánh tại Ngôi nhà Bình yên vào tháng 10/2018. H. là cô gái hiếu thảo, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn H. chỉ học đến lớp 7 sau đó nghỉ học, với mong muốn giúp ba, mẹ có cuộc sống tốt hơn H. đã tin lời một người dì ở gần nhà và bị lừa bán sang Trung Quốc làm vợ lúc H. 14 tuổi. 2 năm đầu tiên, cô gái ấy bị nhốt trong nhà, điều kiện sống rất khó khăn. May mắn H. liên hệ được với mẹ ruột qua số điện thoại cũ, sau đó may mắn kết nối một tổ chức xã hội của Việt Nam giúp đỡ; hành trình mang con từ Trung Quốc trở về rất gian truân và nguy hiểm. Dù vậy, H. không nỡ bỏ lại đứa con nào trên đất khách hết, cả 3 mẹ con cùng bỏ trốn ra khỏi nhà, H.di chuyển nhiều ngày đêm trên các chặng xe từ Trung Quốc để tới biên giới Việt Nam. Khi đó được biên phòng Việt Nam hỗ trợ, kết nối đưa tới Ngôi Nhà bình yên, lúc H. 19 tuổi và có 2 đứa con (bé lớn 5 tuổi và bé nhỏ 2 tuổi).
Khi bị bán sang Trung Quốc, cô gái mới 14 tuổi nên chưa có giấy chứng minh nhân dân, còn 2 con đều mang quốc tịch Trung Quốc. Hai bé làm giấy khai sinh theo cha, sang đó nạn nhân bị ép kết hôn với người chồng nhưng cũng không phải tên của chị mà tên của người khác. Vì thế, trong giấy khai sinh của 2 đứa trẻ cũng không có tên của nạn nhân. Khi về Ngôi nhà bình yên, con lớn của H. không nói được Tiếng Việt, còn đứa nhỏ chỉ nói bập bẹ vài tiếng mẹ đẻ, 3 mẹ con sau 5 năm trở về Việt Nam như con số 0 tròn trĩnh.
Tuy nhiên, nghị lực lớn nhất của H. là sự yêu thương con và không muốn con mình có cuộc đời bất hạnh. Sau thời gian sống tại Ngôi nhà Bình yên, H. được tham vấn ổn định tâm lý, kết nối học nghề rồi giới thiệu việc làm; có giấy CMND, đồng thời tạo điều kiện cho 2 con đến trường. Hiện tại, H. vừa đi làm có thu nhập vừa chăm 2 con. Cuộc sống của 3 mẹ con tuy không gọi là quá đủ đầy nhưng hạnh phúc, vui vẻ.
Có thể thấy, Phụ nữ bị bạo lực trên cơ sở giới rất cần một nơi tạm lánh trong những trường hợp khẩn cấp, đó không chỉ là chiếc phao cứu sinh khi họ đang chơi vơi giữa dòng nước mà còn là nơi hỗ trợ họ những kiến thức, kỹ năng giúp họ hiểu được quyền, giá trị của bản thân, trang bị những kỹ năng cần thiết để phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới và giúp họ hiểu được người gây ra bạo lực trên cơ sở giới phải chịu trách nhiệm 100% với những hành vi mình gây ra.
- Trong những năm qua, sự hợp tác giữa cộng đồng địa phương, cơ quan thực thi pháp luật và các bên liên quan khác đã phát triển như thế nào trong việc giải quyết bạo lực đối với phụ nữ và trao quyền cho các nạn nhân?
Bà Ngô Thị Tuyết Em: Trong quá trình vận hành mô hình Ngôi nhà Bình yên, chúng tôi thấy rằng chính việc điều chỉnh hệ thống chính sách pháp luật và cụ thể hóa các chương trình chiến lược về phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới đã thu hút sự vào cuộc của tất cả các ban ngành liên quan trong việc hỗ trợ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ tại Ngôi nhà Bình yên.
Hiện nay, chúng tôi tham gia vào mạng lưới kết nối hỗ trợ nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới của các ban ngành liên quan, hầu hết thân chủ đến tạm lánh tại Ngôi Nhà Bình đều được giới thiệu chuyển tuyến từ các tổ chức, ban ngành như Công An, Hội LHPN, Sở LĐTB&XH,… Từ đó công tác hỗ trợ từ giáo dục, các vấn đề pháp lý, giải quyết bạo lực tại địa phương đều khá thuận lợi. Qua đó thể hiện sự cam kết, chung tay bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ giữa các đơn vị tại địa phương tạo điều kiện cho phụ nữ được tái hòa nhập an toàn và bền vững.
- Theo bà, những thay đổi nào cần được thực hiện để đảm bảo các nạn nhân của bạo lực giới và buôn bán người nhận được công lý và sự hỗ trợ toàn diện?
Bà Ngô Thị Tuyết Em: Hiện nay nước ta đã có nhiều chính sách và pháp luật tiến bộ nhằm bảo vệ quyền lợi của phụ nữ. Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện thể chế và thúc đẩy bình đẳng giới bền vững, tôi có một số khuyến nghị sau:
Tăng cường sự thực thi các chính sách và pháp luật thông qua giám sát và phản biện xã hội ở các lĩnh vực liên quan và có các hình thức xử lý nghiêm khắc đối với những trường hợp vi phạm để đảm bảo các chính sách thực sự đi vào cuộc sống.
Tăng cường hệ thống liên ngành, phân rõ chức năng nhiệm vụ của các cơ quan liên quan đồng thời nâng cao chất lượng cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực trên cơ sở giới.
- Xin cám ơn bà!
Bài viết được thực hiện dưới sự hợp tác giữa Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) với Báo Pháp luật Việt Nam nhằm thảo luận thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, một trong những văn kiện quan trọng nhất của thế giới về quyền của phụ nữ được thông qua tại Hội nghị phụ nữ thế giới lần thứ 4 năm 1995.
Vân Tùng - Ngọc Nga
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/phu-nu-bi-bao-luc-rat-can-noi-tam-lanh-trong-truong-hop-khan-cap-post532430.html