Phụ nữ cần cẩn trọng với tín dụng đen

Phụ nữ cần cẩn trọng với tín dụng đen
4 giờ trướcBài gốc
Tín dụng đen là gì và vì sao phụ nữ vùng cao dễ bị lừa?
Tín dụng đen là hình thức cho vay nặng lãi trái pháp luật, thường do cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức "xã hội đen" điều hành. Những người này thường có một số dấu hiệu dễ nhận biết sau:
Quảng cáo vay nhanh, không thế chấp, thủ tục dễ dàng.
Cho vay bằng giấy viết tay, không có hợp đồng hợp pháp.
Tính lãi cao rất cao, thường tính theo ngày và mức lãi này có thể lên đến 200–300%/năm.
Khi người vay chưa thể trả nợ, những tổ chức này thường gây áp lực: đe dọa, xiết nợ, bêu xấu, chửi bới... Những đường dây tín dụng đen thường lợi dụng hoàn cảnh khó khăn, sự thiếu hiểu biết của người dân trong đó có phụ nữ vùng cao, người dân tộc thiểu số.
Trong thực tế, những tổ chức tín dụng đen thường có nhiều thành phần khác nhau được phân công phân nhiệm rõ ràng, họ cũng có thể lôi kéo một số người trong bản, xã cũng "làm cò", dẫn dắt vay hộ, rồi ăn phần trăm hoặc bắt buộc người vay trả thêm.
Theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về lãi suất như sau:
Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
Theo Bộ luật Hình sự (Điều 201), người cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi do Nhà nước quy định (tức là khoảng trên 100%/năm) có thể bị:
Phạt tiền đến 1 tỷ đồng; Tù đến 3 năm nếu gây hậu quả nghiêm trọng
Phụ nữ cần làm gì khi lỡ dính vào vay nặng lãi?
Trong trường hợp này, bạn hoàn toàn có thể: Từ chối trả số tiền lãi vượt mức pháp luật cho phép, lưu giữ giấy vay, tin nhắn, ghi âm để làm bằng chứng và tố cáo hành vi cho vay nặng lãi với công an xã hoặc huyện.
Ngoài ra bạn có thể đến Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, công an xã hoặc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước để được hướng dẫn.
Vay tiền ở đâu là an toàn và đúng luật?
Phụ nữ dân tộc thiểu số có thể vay từ những nơi hợp pháp như: Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), vay vốn ưu đãi cho hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, phụ nữ khởi nghiệp... Hiện đang có một số chính sách vay với lãi suất ưu đãi, không phải thế chấp. Ngoài ra bạn cũng có thể tìm đến các Tổ tiết kiệm vay vốn của Hội Phụ nữ xã...
Trong trường hợp vay tiền người khác cần lưu ý một số điểm sau: Hỏi rõ lãi suất bao nhiêu/tháng, không ký giấy tờ khi không hiểu rõ, không cầm cố sổ đỏ, sổ hộ khẩu, CMND nếu không chắc chắn, hỏi ý kiến cán bộ phụ nữ, cán bộ xã, đoàn thể trước khi vay...
PV
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/phu-nu-can-can-trong-voi-tin-dung-den-2025052409444536.htm