Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, thảo luận
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, ngày 24/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho rằng, dự thảo luật đã quy định nhiều cơ chế, chính sách có chiều sâu, mang tính hiện đại nhằm để bảo vệ quyền riêng tư của công dân trong thời đại số. Tuy nhiên, vẫn còn một số đối tượng cần thiết cần phải bổ sung, cụ thể như: Người khuyết tật, người dân tộc thiểu số có rào cản về ngôn ngữ, người không biết chữ, người già hoặc các nhóm yếu thế khác.
Các nhóm yếu thế trên, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, có rào cản về ngôn ngữ, chưa biết chữ, thường không có khả năng tự mình tiếp cận, hiểu và đưa ra sự đồng ý rõ ràng dẫn đến nguy cơ bị thu thập, xử lý hoặc chuyển giao dữ liệu cá nhân một cách không minh bạch hoặc thiếu sự bảo vệ.
Ngoài ra, theo đại biểu Dương Tấn Quân, các tổ chức, doanh nghiệp có thể lợi dụng sự hạn chế về nhận thức và ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số, người chưa biết chữ, để thu thập thông tin nhạy cảm mà người đó không hề hay biết hoặc không đồng thuận theo đúng nghĩa.
Do đó, đại biểu Tấn Quân đề nghị bổ sung điều luật quy định về xử lý dữ liệu cá nhân đối với nhóm yếu thế và trong đó cần đảm bảo các nguyên tắc: Thứ nhất, cần có sự đồng ý rõ ràng từ đại diện hợp pháp nếu người đó không đủ năng lực hành vi dân sự. Thứ 2, phải truyền đạt thông tin bằng những hình thức dễ hiểu, ngôn ngữ phù hợp. Thứ 3, phải áp dụng các biện pháp hỗ trợ kỹ thuật công nghệ trợ giúp cá nhân nếu cần thiết.
Đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thảo luận
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, cho rằng: Tại khoản 1 Điều 2 giải thích từ ngữ về dữ liệu cá nhân bao gồm dữ liệu cá nhân cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm. Tuy nhiên, luật chưa phân định rõ như thế nào là dữ liệu cá nhân cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm. Theo đại biểu Thúy, việc làm rõ này rất quan trọng vì sẽ ảnh hưởng nhiều đến quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân trong luật cũng như mức độ thực hiện công khai, mức độ bảo mật được phép hoặc không được phép chia sẻ, xử lý, xử phạt liên quan.
Về Điều 38 sử dụng dữ liệu cá nhân trong hoạt động kinh doanh, theo đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, khoản 1 Điều 38 quy định việc sử dụng dữ liệu cá nhân cho hoạt động kinh doanh với điều kiện dữ liệu cá nhân được sử dụng vào hoạt động kinh doanh khi bảo đảm đúng quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân. "Đây là quy định chưa đầy đủ, có nguy cơ dẫn đến xâm phạm dữ liệu cá nhân hoặc thương mại hóa dữ liệu cá nhân, chưa hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc, yêu cầu bảo vệ dữ liệu cá nhân" - đại biểu Thúy nói.
Các đại biểu tham dự phiên họp
Do đó, đại biểu Thúy nhấn mạnh: Cần phải quy định rõ mục đích, điều kiện để doanh nghiệp sử dụng dữ liệu cá nhân trong hoạt động kinh doanh là gì. Việc quy định chưa rõ như dự thảo luật sẽ dẫn đến việc hiểu không đúng tinh thần và mục đích của việc sử dụng dữ liệu cá nhân trong hoạt động kinh doanh. Các điều kiện mục đích này hoặc được quy định trong luật hoặc giao cho Chính phủ quy định chi tiết.
PVH