Phụ nữ chỉ ở nhà nội trợ, có giành được quyền nuôi con khi ly hôn?

Phụ nữ chỉ ở nhà nội trợ, có giành được quyền nuôi con khi ly hôn?
3 giờ trướcBài gốc
Gửi câu hỏi tới chuyên mục "Chat với chuyên gia" do báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp cùng Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức, chị L.T.T (ngụ TP.HCM) hỏi:
Tôi kết hôn được 10 năm có 2 con, tuy nhiên cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc nên muốn ly hôn. Tôi mong sau khi ly hôn thì mình sẽ được nuôi ít nhất một con. Tuy nhiên từ khi kết hôn tôi đã nghỉ việc, chỉ ở nhà làm nội trợ. Không biết trong trường hợp này nếu ba cháu bé không đồng ý thì tôi có khả năng giành được quyền nuôi con hay không?
Ảnh minh họa.
Giải đáp vấn đề này, ThS Ngô Khánh Tùng, giảng viên khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết:
Việc xác định người trực tiếp nuôi con khi cha mẹ ly hôn được quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Theo khoản 2 Điều này, việc xác định người trực tiếp nuôi con khi ly hôn trước hết sẽ do vợ, chồng thỏa thuận, trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con.
Nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Đối với con chung dưới 36 tháng tuổi thì được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Dựa vào quy định nêu trên, “quyền lợi về mọi mặt của con” là yếu tố được ưu tiên hàng đầu khi tòa quyết định người trực tiếp nuôi con khi cha mẹ ly hôn. Còn việc lấy ý kiến con từ đủ 7 tuổi trở lên để xét nguyện vọng là thủ tục tố tụng mang tính bắt buộc. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng sẽ phụ thuộc vào việc xác định quyền lợi về mọi mặt của con.
Hiện nay, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành văn bản hướng dẫn các tiêu chí đánh giá “quyền lợi về mọi mặt của con” tại khoản 1 Điều 6 Nghị quyết số 01/2024/NQ-HĐTP.
Theo đó, khi xem xét căn cứ này, Tòa án phải đánh giá khách quan, toàn diện các tiêu chí về điều kiện, khả năng của cha, mẹ trong việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, bao gồm cả khả năng bảo vệ con khỏi bị xâm hại, bóc lột; quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi, được duy trì mối quan hệ với người cha, mẹ không trực tiếp nuôi; sự gắn bó, thân thiết của con với cha, mẹ; sự quan tâm của cha, mẹ đối với con; bảo đảm sự ổn định, hạn chế sự xáo trộn môi trường sống, giáo dục con; nguyện vọng của con được ở cùng với anh, chị, em (nếu có) để bảo đảm ổn định tâm lý và tình cảm của con; nguyện vọng của con được sống chung với cha hoặc mẹ.
Tóm lại, khi giải quyết quyền nuôi con khi cha mẹ ly hôn, Tòa án không chỉ xem xét đến điều kiện kinh tế của cha, mẹ mà còn đánh giá một cách toàn diện, khách quan các yếu tố như đã liệt kê nói trên.
Do vậy, nếu một bên cha hoặc mẹ chỉ ở nhà làm nội trợ thì vẫn có khả năng giành được quyền nuôi con nếu khi tòa án xem xét một cách tổng thể, quyền lợi mọi mặt của con sẽ được đảm bảo tốt hơn nếu con sống chung với người cha hoặc mẹ ở nhà nội trợ.
Bên cạnh đó, cần lưu ý thêm rằng, theo quy định của pháp luật, cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con với mức cấp dưỡng phù hợp với thu nhập, khả năng thực tế của họ và nhu cầu thiết yếu của người con.
Như vậy, khi con sống chung với cha hoặc mẹ ở nhà nội trợ thì nhu cầu thiết yếu của con vẫn có thể được đáp ứng thông qua việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con theo khoản 2 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
NGUYỄN QUÝ
Nguồn PLO : https://plo.vn/phu-nu-chi-o-nha-noi-tro-co-gianh-duoc-quyen-nuoi-con-khi-ly-hon-post816165.html