Phụ nữ dân tộc thiểu số khẳng định năng lực lãnh đạo, quản lý: Không còn là ước mơ xa vời

Phụ nữ dân tộc thiểu số khẳng định năng lực lãnh đạo, quản lý: Không còn là ước mơ xa vời
6 giờ trướcBài gốc
Đại biểu Quốc hội Khang Thị Mào - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái phát biểu ý kiến trong phiên thảo luận tại Hội trường. (Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh Yên Bái)
Khích lệ phụ nữ DTTS vươn lên khẳng định mình
Tháng 3/2017, tại Đại hội đại biểu phụ nữ Việt Nam lần thứ XII, bà Giàng Páo Mỷ - Phó Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu từng chia sẻ, bản thân bà là người con dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên ở một tỉnh nghèo và khó khăn nhất trong cả nước, với 20 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có trên 80% là người DTTS. Được tổ chức quan tâm, tạo điều kiện học tập, công tác, cùng với sự động viên, khích lệ của gia đình và sự nỗ lực của bản thân, bà đã dần dần trưởng thành, lần lượt được điều động giữ các chức vụ Phó Chủ tịch, Chủ tịch HĐND huyện, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và hiện nay là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu.
Trên từng cương vị công tác, bà Mỷ luôn chủ động, tích cực tham mưu Thường trực Tỉnh ủy quan tâm thực hiện các chế độ, chính sách về công tác cán bộ nữ, nữ DTTS và động viên khích lệ chị em DTTS tỉnh Lai Châu vươn lên khẳng định mình. Vì vậy, công tác cán bộ nữ của tỉnh Lai Châu đã có những kết quả đáng khích lệ. Phụ nữ ngày càng chủ động tham gia vào đời sống chính trị, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Đội ngũ cán bộ nữ trên nhiều lĩnh vực từng bước được trưởng thành, tăng cả về số lượng và chất lượng, tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý ngày càng tăng.
Trong Quốc hội Khóa XV hiện nay có 44 nữ đại biểu Quốc hội là người DTTS, chiếm 49,43% tổng số đại biểu Quốc hội là người DTTS. Trong đó đại biểu nữ trẻ nhất là chị Quàng Thị Nguyệt, sinh năm 1997, người dân tộc Khơ Mú; có cô giáo Nàng Xô Vi, người dân tộc Brâu đầu tiên trúng cử. Ngoài ra, còn có các nữ đại biểu thuộc các thành phần dân tộc: Mông, Khmer, Chăm, Tày, Thái, La Chí…
Các nữ đại biểu Quốc hội người DTTS đã luôn tỏ rõ bản lĩnh, trí tuệ, tài năng, tâm huyết của mình, xứng đáng là những phụ nữ ưu tú, đại biểu của đồng bào các DTTS. Là những người có mối liên hệ gắn bó mật thiết, sâu sắc với cử tri, thậm chí hiện vẫn đang công tác tại địa bàn vùng DTTS và miền núi nên các nữ đại biểu Quốc hội người DTTS nắm rất chắc thực trạng tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Vì vậy, tại các kỳ họp, các nữ đại biểu người DTTS đã bám sát tình hình đất nước, vùng DTTS và miền núi, phản ánh trung thực tâm tư, nguyện vọng của cử tri mà mình đại diện tới Quốc hội; mạnh dạn tranh luận, tích cực thảo luận nêu ý kiến đóng góp vào các vấn đề quốc kế dân sinh hay thực hiện quyền chất vấn với các thành viên Chính phủ về các vấn đề liên quan đến vùng DTTS và miền núi; khi tham gia ý kiến các các dự án luật hoặc thảo luận đóng góp ý kiến vào các báo cáo của Chính phủ, các nữ đại biểu Quốc hội người DTTS đã đưa ra được những ý kiến hết sức xác đáng…
Công tác cán bộ nữ người DTTS là nhiệm vụ quan trọng trong công tác cán bộ
ĐHQH Nàng Xô Vi tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV. (Nguồn: quochoi.vn).
Kết quả Điều tra 53 DTTS năm 2019 cho thấy, ở các xã vùng DTTS, tỷ lệ cán bộ, công chức trong cơ quan Đảng là nữ DTTS chỉ chiếm 6% tổng số cán bộ, công chức. Cụ thể, tỷ lệ nữ DTTS trong tổng số cán bộ, công chức trong cơ quan Đảng khu vực nông thôn chiếm 6,2% so với tỷ lệ tương ứng ở khu vực thành thị là 4,3%; ở khu vực biên giới là 8,6%, cao gấp 1,5 lần khu vực khác là 5,7%. Trong các vùng kinh tế - xã hội, Trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ cán bộ, công chức trong cơ quan Đảng là nữ DTTS cao nhất cả nước 8,6%; tiếp theo là Tây Nguyên 5,3%; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 5%. Trong khi đó, Đông Nam Bộ chỉ có 1,2% cán bộ, công chức trong cơ quan Đảng là nữ DTTS.
Mặc dù đạt được nhiều tiến bộ nhưng nhìn chung, tỷ lệ cán bộ, công chức là nữ DTTS trong cơ quan Đảng rất thấp so với nam DTTS ở tất cả các vùng kinh tế - xã hội. Trong sự phát triển chung của đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn đánh giá cao vai trò, trách nhiệm phụ nữ của phụ nữ nói chung và phụ nữ DTTS nói riêng; đồng thời luôn tạo điều kiện để phụ nữ DTTS tham gia và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị. Những năm qua, các địa phương vùng DTTS và miền núi đã triển khai nhiều giải pháp tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS nói chung và cán bộ nữ DTTS nói riêng. Công tác cán bộ nữ người DTTS là nhiệm vụ quan trọng trong công tác cán bộ và thực hiện bình đẳng giới.
Đơn cử như ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên thời gian qua, chị em người DTTS luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền của huyện Mường Nhé quan tâm, tạo điều kiện cho sự phát triển. Hiện nay toàn huyện có 24 người là nữ DTTS đang giữ chức danh lãnh đạo quản lý ở các cơ quan, ban ngành của huyện và các xã, nhiều chị em phụ nữ các DTTS tham gia công tác ở huyện, xã, các trường học. Ở tỉnh Gia Lai, phụ nữ tham gia quản lý nhà nước tăng lên từng năm. Có nhiều đồng chí nữ lãnh đạo chủ chốt là người DTTS, hiện đang công tác ở các sở, ban, ngành, đoàn thể và các doanh nghiệp. Tại Đắk Lắk, trong những năm qua, công tác cán bộ, trong đó có cán bộ nữ và cán bộ nữ DTTS tại chỗ cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk, các cấp hội phụ nữ cũng rất cố gắng để chị em phát huy năng lực, sở trường; động viên sự nỗ lực của chính bản thân các phụ nữ cán bộ hội để phụ nữ ngày càng nâng cao vai trò khi tham gia chính quyền các cấp. Kết quả là, những năm vừa qua, tỷ lệ phụ nữ tham gia vào hệ thống chính trị đạt kết quả rất cao, từ 15 đến 30% tùy theo từng địa phương…
Có thể nói sự trưởng thành của cán bộ nữ DTTS là kết quả của rất nhiều yếu tố liên quan, từ tầm nhìn chiến lược, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, địa phương đến xây dựng, thực hiện các chính sách giáo dục, đào tạo trẻ em gái, xây dựng nguồn nhân lực nữ, quy hoạch, đào tạo cán bộ nữ DTTS; từ việc hạn chế định kiến giới, tập tục lạc hậu, sự xóa bỏ rào cản đến sự nỗ lực vượt bậc của bản thân trẻ em gái, phụ nữ DTTS.
Tiếp đó là vai trò tác động của các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi. Vì vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể cần tiếp tục coi trọng công tác giáo dục, đào tạo trẻ em gái DTTS và đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nữ DTTS. Cấp ủy các cấp cần có chính sách đặc thù và đảm bảo thực hiện nghiêm túc qui hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển, chủ động tạo nguồn cán bộ nữ DTTS; đảm bảo nội dung, chất lượng đào tạo đáp ứng được yêu cầu nhân lực thời kỳ mới.
Bên cạnh đó, bản thân phụ nữ DTTS cũng cần chủ động, quyết tâm, nỗ lực, rèn luyện, tu dưỡng vượt qua rào cản, chủ động tìm hiểu, tiếp cận các chủ trương, chính sách, nguồn lực dành cho giáo dục, đào tạo trẻ em gái, cán bộ nữ và chính sách phát triển nhân lực vùng DTTS, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng của đất nước trong giai đoạn mới…
Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã nêu mục tiêu: “Phấn đấu để nước ta là một trong các quốc gia có thành tựu bình đẳng giới tiến bộ nhất của khu vực” và Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng tiếp tục khẳng định giữ nguyên những mục tiêu đã đặt ra trong Nghị quyết số 11-NQ/TW. Để hiện thực hóa mục tiêu này thì thiết nghĩ, bên cạnh việc coi công tác cán bộ nữ người DTTS là nhiệm vụ quan trọng trong công tác cán bộ và thực hiện bình đẳng giới, thì mỗi cán bộ nữ DTTS với sứ mệnh và trọng trách được giao phó, cần nỗ lực vươn lên khẳng định bản thân để từ đó có sự đóng góp tích cực, quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Truyền thông về bình đẳng giới là một trong những khía cạnh quan trọng để phụ nữ DTTS vươn lên khẳng định năng lực tham gia các hoạt động xã hội, chính trị. (Nguồn: Hội LHPNVN).
Một trong những nội dung và nhóm hoạt động của Dự án 8 “Thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết với phụ nữ và trẻ em” là góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, giám sát và phản biện, hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị… Trả lời phỏng vấn truyền thông về tình hình triển khai thực hiện Dự án 8, bà Lò Thị Thu Thủy - Trưởng Ban Dân tộc - Tôn giáo, Trung ương Hội LHPN Việt Nam cho biết, các cấp Hội đã tổ chức tập huấn về kỹ năng lãnh đạo quản lý cho 2.611/2.000 cán bộ nữ; tổ chức nâng cao năng lực thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị với 271/480 cuộc tập huấn cho 13.179 cán bộ huyện, xã; tổ chức 750/1.600 cuộc tập huấn cho 41.614 người trưởng thôn/bản, người có uy tín tại cộng đồng... Tham gia vào các mô hình, hoạt động của Dự án 8, hầu hết chị em phụ nữ đều hiểu được quyền, trách nhiệm của mình, chủ động hơn trong phát triển kinh tế gia đình, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, không chỉ biết mỗi công việc đồng áng, bếp núc như trước kia.
Hồng Minh
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/phu-nu-dan-toc-thieu-so-khang-dinh-nang-luc-lanh-dao-quan-ly-khong-con-la-uoc-mo-xa-voi-post529046.html