Phú Thọ: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường ở Thanh Sơn

Phú Thọ: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường ở Thanh Sơn
13 giờ trướcBài gốc
Gian nan công tác bảo tồn
Xã Thanh Sơn, thuộc tỉnh Phú Thọ, đã trải qua những thay đổi đáng kể sau quá trình sáp nhập đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc tái cơ cấu hành chính địa phương. Với mục tiêu tối ưu hóa quản lý, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống người dân, xã Thanh Sơn đang dần khẳng định vị thế mới trên bản đồ hành chính tỉnh Phú Thọ.
Đồng bào Mường huyện Thanh Sơn bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc. Ảnh:baophutho.vn
Xã Thanh Sơn được thành lập sau hợp nhất và tổ chức lại từ 5 đơn vị hành chính cấp xã cũ của huyện Thanh Sơn, gồm Thị trấn Thanh Sơn, Sơn Hùng, Giáp Lai, Thạch Khoán, Thục Luyện. Có diện tích tự nhiên: 84,548 km2, quy mô dân số: 38.776 người (trong đó có 23,75% là đồng bào dân tộc thiểu số).
Nghị quyết số 1676/NQ-UBTVQH15, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 16/6/2025, đã mở ra một giai đoạn mới cho các đơn vị hành chính cấp xã tại tỉnh Phú Thọ, trong đó có xã Thanh Sơn. Quá trình sáp nhập không chỉ đơn thuần là việc gộp các đơn vị hành chính mà còn mang ý nghĩa chiến lược trong việc tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao hiệu quả quản lý và đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững. Xã Thanh Sơn mới được hình thành từ việc sáp nhập các xã Sơn Hùng, Giáp Lai, Thạch Khoán, Thục Luyện và thị trấn Thanh Thủy, tạo nên một đơn vị hành chính với diện tích tự nhiên rộng lớn và quy mô dân số đáng kể.
Văn hóa truyền thống dân tộc Mường ở Thanh Sơn là một trong những bộ phận quan trọng làm giàu thêm bề dày lịch sử phát triển kinh tế - xã hội của xã. Tuy nhiên thực tế hiện nay cho thấy, sự phát triển của dòng chảy kinh tế - xã hội hiện đại đã và đang có nguy cơ gây mai một những giá trị, phong tục, thói quen của nền văn hóa truyền thống.
Lễ hội đâm đuống của người Mường Thanh Sơn
Do đặc thù của di sản văn hóa phi vật thể tồn tại trong cộng đồng từ trí nhớ, được lưu truyền chủ yếu bằng phương pháp truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác cho nên rất dễ bị mai một, lãng quên. Cụ thể, các giá trị văn hóa trong đời sống tín ngưỡng, một số phong tục tập quán, lễ hội, nghệ thuật biểu diễn vốn chiếm vị trí quan trọng trong đời sống của người Mường ở Thanh Sơn đến nay còn lưu giữ được rất ít. Những hoạt động như đánh trống đất, trình diễn múa Trống đu, múa Mỡi, hát Ví, hát Rang... không được tổ chức thường xuyên. Có nhiều tri thức dân gian về cây thuốc chữa bệnh, kho tàng truyện cổ qua nhiều năm truyền miệng đến nay đã dần mai một. Nhiều kiến trúc nhà ở, không gian sinh hoạt văn hóa, một số nghề truyền thống, dụng cụ sản xuất, trang phục và vật dụng sinh hoạt, phương tiện vận chuyển đã thay đổi và cách tân rất nhiều.
Việc sưu tầm, gìn giữ, nghiên cứu những giá trị trong bản sắc văn hóa Mường trên địa bàn xã Thanh Sơn còn tản mạn. Khâu bảo tồn, lưu giữ còn giản đơn thiếu khoa học và phương tiện kỹ thuật. Việc khảo sát, sưu tầm nghiên cứu chưa được gắn với mục tiêu lâu dài và cụ thể là duy trì, phát triển văn hóa Mường trên diện rộng và toàn diện.
Trong xu thế phát triển của xã hội hiện nay, tình trạng những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc ngày càng bị mai một, vì vậy xây dựng và duy trì hiệu quả các mô hình Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa Mường là việc làm cần thiết để tạo môi trường, không gian cho bà con Nhân dân bảo tồn, thực hành và lan tỏa di sản văn hóa dân tộc. Qua đó góp phần nâng cao đời sống tinh thần, tạo sự đoàn kết, gắn bó và sẻ chia trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện Thanh Sơn.
Lễ hội Văn hóa Cồng chiêng của dân tộc Mường
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường
Xác định việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa Mường không chỉ góp phần xây dựng, phát triển đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào và thúc đẩy du lịch, kinh tế - xã hội phát triển, xã Thanh Sơn quan tâm, chú trọng thực hiện tốt công tác này và nhận được sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân. Trong những năm qua, công tác bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Mường trên địa bàn luôn được quan tâm, chú trọng và phát huy.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng - Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc trung tâm phục vụ hành chính công xã Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ
Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng - Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc trung tâm phục vụ hành chính công xã Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, ngay sau khi được phê duyệt các đề án liên quan đến bảo tồn văn hóa dân tộc Mường, UBND xã Thanh Sơn đã xây dựng kế hoạch cụ thể theo từng năm, phân công nhiệm vụ cho từng bộ phận, địa bàn. Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các ban ngành cấp xã, các nghệ nhân, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng để kiểm kê, sưu tầm và phục dựng các giá trị văn hóa phi vật thể như mo Mường, khèn bè, hát ru, tục thờ cúng tổ tiên, nghi lễ vòng đời người... Ngoài ra, xã đã tổ chức nhiều lớp truyền dạy, giao lưu văn hóa giữa các thế hệ, góp phần lan tỏa bản sắc văn hóa Mường trong cộng đồng và trong trường học, nhất là với thanh thiếu niên. Đến thời điểm hiện tại, xã Thanh Sơn có: 13 bộ chiêng, 15 bộ đuống, 552 bộ trang phục dân tộc mường được thường xuyên duy trì hoạt động có hiệu quả tại 11 câu lạc bộ. Xã Thanh Sơn cũng chú trọng phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Việc làm này không chỉ góp phần xây dựng, phát triển đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh cho đồng bào các dân tộc vùng núi Thanh Sơn, mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của xã ngày càng phát triển.
Người Mường ở Thanh Sơn - Phú Thọ. Ảnh: phutho.gov.vn
Cũng theo ông Thắng, trong những năm qua trước khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường luôn được Đảng ủy, UBND thị trấn Thanh Sơn, các xã Sơn Hùng, Thục Luyện, Giáp Lai, Thạch Khoán đặc biệt quan tâm. Địa phương đã tích cực triển khai các đề án chuyên đề của huyện và tỉnh như: Đề án “Kiểm kê, sưu tầm, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025”, và tiếp nối là Đề án giai đoạn 2021 - 2025”. Cụ thể, xã thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống như: Lễ hội Đình Thạch Khoán, Lễ hội Đình Chung, Lễ cầu an tại Chùa Viên Minh...; khuyến khích phục dựng trang phục truyền thống, nhạc cụ dân tộc, nghi lễ tín ngưỡng đặc trưng của người Mường. Đồng thời gắn công tác bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, nông thôn mới thông minh.
“Bên cạnh đó, xã đã và đang chủ động ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý di sản, triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nâng cao điều kiện thụ hưởng văn hóa cho Nhân dân, đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao, thúc đẩy xã hội hóa trong hoạt động văn hóa nghệ thuật”, ông Nguyễn Mạnh Thắng cho biết thêm.
Ban hành Đề án tiếp tục công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường và các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn xã Thanh Sơn giai đoạn 2021 - 2025. Những nỗ lực này đã góp phần quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân địa phương.
Sau nửa năm triển khai Đề án, xã Thanh Sơn đã thu hút trên 3.000 khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa của đồng bào dân tộc Mường. Để có được những kết quả đó, cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, nhiều người yêu văn hóa dân tộc Mường đã vận động người dân tích cực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc.
Hát múa Về xứ Mường Thanh Sơn của Trung tâm văn hóa thông tin
Sinh ra và lớn lên ở vùng Mường, ông Đinh Trung Thành ở xã Giáp Lai dành tình yêu đặc biệt với bản sắc văn hóa Mường, ông đã nhiều năm sưu tầm, tìm hiểu về những bài hát ví, diễn tấu cồng chiêng, múa trống đu, đâm đuống, múa mỡi, sênh tiền, lễ hội đóng, mở cửa rừng, tín ngưỡng thờ cúng của người Mường.
Để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Mường trong đời sống hiện nay, ông Đinh Trung Thành cho biết: “Là một người yêu nghệ thuật của dân tộc Mường, tôi mong muốn gìn giữ và truyền dạy cho thế hệ trẻ những câu hát, điệu múa của dân tộc mình, điều đó không thể mình tôi làm được. Bởi vậy, tôi đã vận động người dân trong khu, trong xã bảo tồn văn hóa, trước hết là giữ gìn tiếng nói của dân tộc; vận động người dân sử dụng tiếng Mường trong giao tiếp hàng ngày, dạy cho con, cháu mình nói tiếng Mường. Tôi trực tiếp hướng dẫn người dân những điệu múa, câu hát, những nghi lễ trong ngày lễ, Tết để mọi người cùng giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình”.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng chia sẻ: “Việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc Mường trên địa bàn tỉnh Phú Thọ nói chung và xã Thanh Sơn nói riêng còn gặp nhiều khó khăn vì lớp trẻ ngày nay thường đi học, đi làm ăn xa, không có nhiều người dành thời gian để tìm hiểu các giá trị văn hóa truyền thống, không thường xuyên sử dụng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình. Các hình thức diễn xướng được truyền từ đời này sang đời khác qua hình thức truyền miệng, hướng dẫn trực tiếp, ít có các văn bản ghi lại cụ thể nên còn khó khăn trong việc truyền dạy”.
“Khó khăn lớn nhất là sự mai một của các giá trị văn hóa truyền thống do tác động của quá trình hiện đại hóa và lối sống đô thị. Nhiều thanh niên rời quê đi làm ăn xa, thiếu hụt lớp kế cận hiểu biết và có khả năng truyền dạy văn hóa dân tộc. Một số di sản văn hóa phi vật thể đang đứng trước nguy cơ bị quên lãng nếu không được bảo tồn kịp thời. Bên cạnh đó, nguồn lực và kinh phí để thực hiện đề án còn hạn chế, việc xã hội hóa còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh địa phương mới sáp nhập, còn đang tập trung đầu tư phát triển hạ tầng cơ bản”, ông Nguyễn Mạnh Thắng nói.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng cho biết thêm: “Để tiếp tục bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường, thời gian tới, xã Thanh Sơn tập trung vào việc phát huy vai trò, uy tín của các già làng, trưởng thôn nhằm khơi dậy bản sắc đặc trưng, nét đẹp văn hóa dân tộc Mường”.
Diễn tấu cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mường Thanh Sơn
Trong các dịp lễ, Tết, nhất là ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, tại các khu dân cư cần có kế hoạch tổ chức các lễ hội mang đậm nét văn hóa dân tộc Mường, qua đó các già làng, trưởng thôn có thể truyền đạt cho thế hệ trẻ những nét đẹp của dân tộc mình qua tiếng nói, trang phục, các làn điệu dân ca, hát sắc bùa, múa sạp, hay cách sử dụng cồng chiêng...; khuyến khích, cổ vũ các nghệ nhân có kế hoạch mở lớp truyền dạy về tiếng nói, về lời hát cồng, chiêng…
Ngoài ra, xã Thanh Sơn tiếp tục triển khai các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường như xây dựng phòng trưng bày các di sản văn hóa truyền thống; tổ chức các chương trình liên hoan, hội thi, trò diễn dân gian, ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc thiểu số cấp xã, thị trấn; điều tra, khảo sát, thống kê và đánh giá thực tế, đầy đủ hơn các di sản văn hóa điển hình truyền thống của đồng bào dân tộc Mường. Chú trọng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản như nhà sàn truyền thống, ngôn ngữ, các hoạt động diễn xướng dân gian, trang phục truyền thống, công cụ lao động sản suất... tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của người dân.
Giải pháp bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc Mường tại xã Thanh Sơn
Ông Nguyễn Mạnh Thắng cho biết, thời gian tới, xã Thanh Sơn xác định cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau: Tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân về vai trò, giá trị văn hóa dân tộc Mường trong phát triển bền vững. Tăng cường đầu tư nguồn lực cho bảo tồn, phục dựng các giá trị văn hóa, đặc biệt là các loại hình văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một. Đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống, truyền dạy văn hóa Mường trong nhà trường, câu lạc bộ dân ca, các nhóm nghệ nhân tại cộng đồng dân cư. Kết hợp chặt chẽ giữa bảo tồn và phát triển du lịch, xây dựng Thanh Sơn là điểm du lịch kết nối liên vùng, định hướng xây dựng diểm du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm với phát triển sản phẩm du lịch: trải nghiệm làm bánh nẳng, thịt chua truyền thống, xôi ngũ sắc, gắn với văn hóa Mường và các dân tộc thiểu số khác như tour tham quan nhà sàn truyền thống, nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú và dịch vụ ăn uống...
Thúc đẩy xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, người dân cùng chung tay gìn giữ, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc Mường và các dân tộc thiểu số khác để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của đời sống xã hội.
Việc giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc chính là nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội. Đối với xã Thanh Sơn, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường không chỉ góp phần xây dựng, phát triển đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh cho đồng bào dân tộc mà còn góp phần thúc đẩy du lịch, kinh tế - xã hội của xã ngày càng phát triển.
Mộc Miên
Nguồn VHPT : https://vanhoavaphattrien.vn/phu-tho-bao-ton-phat-huy-gia-tri-van-hoa-dan-toc-muong-o-thanh-son-a29535.html