Vị thế mới, tiềm năng mới
Tỉnh Phú Thọ mới được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 tỉnh: Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Phú Thọ với diện tích tự nhiên hơn 9.300km², quy mô dân số trên 4 triệu người, gồm 148 đơn vị hành chính cấp xã. Trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh đặt tại Việt Trì. Đây được xem là một trong những địa phương có quy mô kinh tế và thu ngân sách nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước.
KCN Khai Quang (tỉnh Phú Thọ) được quy hoạch bài bản, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ cao hàng đầu về công nghệ. Ảnh: Khánh Linh
Với vị trí chiến lược cách Hà Nội chỉ từ 50 - 80km, nằm trọn trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Phú Thọ mới dễ dàng tiếp cận thị trường tiêu thụ lớn, nguồn lao động chất lượng cao từ các trường đại học, viện nghiên cứu tại Thủ đô. Lợi thế hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ, từ cao tốc Nội Bài - Lào Cai, các tuyến đường tỉnh, quốc lộ, cảng biển, sân bay quốc tế đã và đang mở rộng biên độ phát triển kinh tế, đưa Phú Thọ mới trở thành tâm điểm hút dòng vốn đầu tư lớn.
Đặc biệt, trục cao tốc Nội Bài - Lào Cai không chỉ là mạch giao thông huyết mạch mà còn được định hướng trở thành trục kết nối công nghiệp, logistics nội vùng, mang đến những thuận lợi to lớn để chính quyền tỉnh xây dựng môi trường kinh doanh năng động, sẵn sàng đón “đại bàng” công nghệ đến “xây tổ”.
Hạ tầng đồng bộ - logistics thông minh
Trong giai đoạn tới, các nút giao IC2, IC5 sẽ tiếp tục được mở rộng, bổ sung không gian kết nối giao thương liên vùng. Cùng với đó, tuyến đường sắt cao tốc Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng dự kiến đi qua địa bàn sẽ đưa Phú Thọ mới thành “mắt xích” logistics quan trọng bậc nhất miền Bắc.
Hệ thống đường tỉnh, các tuyến giao thông thứ cấp cũng đã được đầu tư, nâng cấp bài bản, phục vụ đắc lực cho vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa, kết nối hiệu quả giữa thành thị và nông thôn. Đây là nền tảng vững chắc để phát triển các chuỗi công nghiệp, dịch vụ và thúc đẩy xuất nhập khẩu.
Lợi thế cạnh tranh lớn nhất của Phú Thọ mới là hệ thống các khu công nghiệp (KCN) đã và đang vận hành hiệu quả với tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ cao chiếm ưu thế. Có thể kể đến KCN Khai Quang, Thăng Long Vĩnh Phúc, Bá Thiện I, Bá Thiện II… vốn đã quen thuộc với nhiều tập đoàn lớn.
Công ty TNHH Star Engineers Việt Nam - KCN Bình Xuyên I (tỉnh Phú Thọ) chuyên sản xuất và kinh doanh về các linh kiện điện tử dành cho xe gắn máy. Ảnh: Khánh Linh
Sắp tới, các KCN mới được quy hoạch bài bản, hạ tầng kỹ thuật đạt chuẩn quốc tế, hệ thống xử lý nước thải, viễn thông băng thông rộng, các dịch vụ xã hội đồng bộ sẽ mở ra không gian đột phá. Tiêu biểu như Khu công nghệ cao (CNC) Hùng Vương, KCN Nam Bình Xuyên… được kỳ vọng trở thành trung tâm bán dẫn, thu hút các tập đoàn công nghệ lớn toàn cầu.
Bên cạnh đó, cụm Công nghiệp VSIP Phú Thọ, dự án hợp tác giữa tỉnh Phú Thọ và Tập đoàn Sembcorp (Singapore) cũng được định hướng là cụm công nghiệp kiểu mẫu, đạt tiêu chuẩn quốc tế, sẵn sàng đón làn sóng FDI công nghệ cao.
Tinh thần chính quyền phục vụ, hành lang pháp lý thông thoáng
Một yếu tố then chốt làm nên sức hấp dẫn của Phú Thọ mới là bộ máy chính quyền quyết liệt và giàu kinh nghiệm thực tiễn trong xúc tiến đầu tư. Chính quyền tỉnh cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp từ khi khảo sát, lập dự án, triển khai đến khi vận hành. Các sở, ngành đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế “một cửa, một cửa liên thông” đảm bảo minh bạch, nhanh gọn.
Những ưu đãi đầu tư cao nhất theo quy định của pháp luật, từ miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi tiền thuê đất, hỗ trợ đào tạo nhân lực, đặc biệt tập trung cho lĩnh vực công nghệ cao sẽ là “cú hích” quan trọng. Tinh thần “đi trước, đón đầu, đồng hành cùng nhà đầu tư” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành phương châm hành động nhất quán của chính quyền Phú Thọ mới.
Để trở thành điểm sáng về công nghiệp công nghệ cao, Phú Thọ mới xác định cần nhanh chóng chuyển mình từ một tỉnh công nghiệp truyền thống sang trung tâm đổi mới sáng tạo. Trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tỉnh đang tích cực rà soát, liên kết với các trường đại học, cao đẳng lớn tại Hà Nội để đào tạo đội ngũ kỹ sư, công nhân lành nghề đáp ứng các ngành mũi nhọn: Cơ khí chính xác, điện tử, tự động hóa, công nghệ thông tin… Bên cạnh đó, địa phương khuyến khích hình thành các viện nghiên cứu, trung tâm đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp hỗ trợ công nghệ để phát triển hệ sinh thái CNC toàn diện, có khả năng cạnh tranh vượt trội.
Với vị thế địa kinh tế chiến lược, trục logistics liên vùng, chính sách ưu đãi đầu tư cạnh tranh, tinh thần chính quyền phục vụ sát cánh cùng doanh nghiệp, Phú Thọ mới đang khẳng định là “mạch nguồn vàng” hút dòng vốn CNC. Dù trước mắt còn không ít thách thức, nhưng với tầm nhìn, chiến lược phát triển bài bản và quyết tâm chính trị cao, vùng đất này sẵn sàng đón những “cánh đại bàng công nghệ” về làm tổ, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo giá trị gia tăng, đóng góp tích cực cho mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
Sự hình thành của Phú Thọ mới không chỉ mang lại những đổi thay to lớn về kinh tế, xã hội cho địa phương mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy liên kết vùng, gia tăng sức cạnh tranh của toàn bộ miền Bắc trong bản đồ thu hút đầu tư công nghệ cao của Việt Nam và khu vực.
Thu Thủy