Phú Yên: Chăm lo cho đồng bào DTTS và miền núi

Phú Yên: Chăm lo cho đồng bào DTTS và miền núi
2 giờ trướcBài gốc
Buôn làng ở xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh đổi thay nhờ thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước. Ảnh Xuân Triệu - TTXVN
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2022 - 2024 (Chương trình), tỉnh Phú Yên được phân bổ hơn 598,5 tỷ đồng. Trong đó, thực hiện Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 426 hộ DTTS, hỗ trợ đất sản xuất cho 5 hộ, xây dựng 8 công trình nước sinh hoạt tập trung.
Tỉnh Phú Yên có 3 huyện miền núi (Sông Hinh, Sơn Hòa và Đồng Xuân), với 23 xã thuộc khu vực I, II và III. Đây là những địa bàn có địa hình đồi núi hiểm trở, dân cư chủ yếu là đồng bào DTTS, đời sống còn nhiều khó khăn. Xác định quan tâm, chăm lo, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi là nhiệm vụ chính trị quan trọng của tỉnh, thời gian qua, tỉnh Phú Yên nỗ lực triển khai thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn, từng bước nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS và miền núi.
Từ nguồn vốn Dự án 1, tỉnh Phú Yên đã phân bổ đến các huyện miền núi trong tỉnh để hỗ trợ đất ở; nhà ở; đất sản xuất; tạo nguồn nước phục vụ sinh hoạt hoặc mua sắm vật dụng chứa nước sinh hoạt, đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung; chuyển đổi nghề (mua sắm máy móc, nông cụ, làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp, học nghề, chuyển đổi sang làm các ngành nghề trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh khác) cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Huyện Đồng Xuân gồm 6 xã: Xuân Quang 1, Xuân Quang 2, Xuân Phước, Xuân Lãnh, Đa Lộc và Phú Mỡ. Toàn huyện có 18 DTTS (chủ yếu là các dân tộc: Chăm Hroi, Ba Na, Tày, Nùng, Thái, Mường, Êđê..., phần lớn làm nông, lâm nghiệp) đang sinh sống ở 11/11 xã, thị trấn. Huyện Đồng Xuân có 2.987 hộ là đồng bào DTTS, chiếm 19,5% dân số toàn huyện (tính đến cuối năm 2023).
Năm 2022 - 2023, huyện được phân bổ trên 7,5 tỉ đồng thực hiện Dự án 1. Theo đó, huyện Đồng Xuân đã hỗ trợ 141 hộ nghèo xây dựng nhà ở; 119 hộ dân thiếu đất sản xuất mua sắm máy móc, nông cụ, làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống; thực hiện đầu tư, nâng cấp, sửa chữa 3 công trình nước sinh hoạt tập trung, công trình nước sinh hoạt phân tán, với trên 360 hộ dân được thụ hưởng.
Huyện Sơn Hòa điều kiện sống của người dân còn rất nhiều khó khăn so với mặt bằng chung cả tỉnh. Đồng bào DTTS chiếm 34% dân số toàn huyện, chủ yếu là dân tộc Ê Đê, Chăm Hroi, Ba Na, Tày, Gia Rai… Giai đoạn 2022 - 2023, nguồn vốn phân bổ cho huyện Sơn Hòa thực hiện Chương trình là 138,9 tỉ đồng, đến nay đã giải ngân được 56,46% nguồn vốn. Trong đó, thực hiện Dự án 1, huyện Sơn Hòa đã hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 203 hộ nghèo, cải tạo đất sản xuất cho 6 hộ, sửa chữa 2 công trình nước sinh hoạt tập trung. Bên cạnh đó, với tổng kinh phí 5,7 tỉ đồng (từ nguồn vốn sự nghiệp), huyện đã hỗ trợ các công trình nước sinh hoạt phân tán cho 490 hộ dân; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 289 hộ và đầu tư nhiều công trình hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Huyện Sông Hinh có 22 dân tộc cùng sinh sống, với hơn 6.000 hộ là đồng bào DTTS, chiếm 47,9% dân số toàn huyện. Là huyện thành lập sau cùng của tỉnh Phú Yên, đời sống kinh tế của đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, hộ tái nghèo còn cao. Cuối năm 2023, toàn huyện còn 947 hộ nghèo (trong đó còn 738 hộ nghèo DTTS), chiếm tỉ lệ 6,84%. Thu nhập bình quân trong vùng đồng bào DTTS đạt 41,3 triệu đồng/người/năm (trong đó, thu nhập của người đồng bào DTTS khoảng 36,2 triệu đồng/người/năm). Giai đoạn 2022 - 2024, nguồn vốn phân bổ cho huyện Sông Hinh thực hiện Chương trình là 148 tỉ đồng. Thực hiện Dự án 1, huyện đã hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 52 hộ dân, hỗ trợ xây dựng 72 nhà ở, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 271 hộ, hỗ trợ 4 công trình nước sinh hoạt tập trung cho người dân. Hiện nay, huyện Sông Hinh đang tiếp tục đầu tư công trình nước sinh hoạt tập trung liên xã Đức Bình Đông, Sơn Giang và Ea Bia (hộ đồng bào DTTS được hỗ trợ kéo nước từ đường ống chính về nhà cùng hố van, đồng hồ đo lưu lượng nước và van điều tiết nước), với tổng vốn đầu tư cho công trình gần 36 tỉ đồng (từ nguồn ngân sách tỉnh, ngân sách huyện). Dự kiến đến cuối năm 2025, hệ thống nước sinh hoạt tập trung sẽ được phủ khắp, đảm bảo cung cấp nước cho người dân các xã vùng đồng bào DTTS.
Những tháng đầu năm 2024, các địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện Dự án 1: phê duyệt 65 hộ được hỗ trợ xây dựng nhà ở, 40 hộ được hỗ trợ chuyển đổi nghề; đang thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 59 hộ.
Để đạt được kết quả tích cực trên là nhờ Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Yên quan tâm chỉ đạo quyết liệt thực hiện việc triển khai Chương trình, đặc biệt là Dự án 1. Theo đó, các ngành, các địa phương tích cực, chủ động triển khai, huy động và lồng ghép, tích hợp các nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ Chương trình. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm, vận động người dân thụ hưởng chính sách, thực hiện đối ứng bằng nguồn vốn tự có của gia đình hoặc nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội và huy động các nguồn hợp pháp khác theo quy định, bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực của cộng đồng và người dân, khơi dậy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong các tầng lớp nhân dân..., nhất là người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi tích cực tham gia thực hiện.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Phú Yên vẫn còn những hạn chế, khó khăn, vướng mắc như tỉ lệ giải ngân của Chương trình thấp, dẫn đến phân bổ kế hoạch vốn của một số nội dung, dự án còn chậm, tình hình triển khai, thực hiện, giải ngân vốn chậm so với kế hoạch đề ra. Triển khai Nghị quyết 111/2024/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, HĐND tỉnh đã thống nhất điều chỉnh dự toán kinh phí chi thường xuyên thực hiện Chương trình năm 2024; tổng kinh phí điều chuyển là 160,59 tỉ đồng. Đây là tiền đề để các địa phương tăng tốc triển khai thực hiện Chương trình trong những tháng cuối năm. Tính đến hết tháng 6/2024, các địa phương giải ngân nguồn vốn năm 2024 hơn 17,48 tỉ đồng, đạt 9% nguồn vốn giao; giải ngân vốn năm 2022, 2023 chuyển tiếp sang được 5,66 tỉ đồng, đạt 4% nguồn vốn. Năm 2024, huyện Sơn Hòa được phân bổ 78,5 tỉ đồng; vốn chuyển nguồn từ năm 2022, 2023 hơn 60,4 tỉ đồng. Tổng kế hoạch vốn phải giải ngân trong năm 2024 là hơn 141 tỉ đồng. Riêng vốn được điều chuyển nguồn theo Nghị quyết 111 là hơn 51 tỉ đồng. Đến cuối tháng 6/2024, huyện Sơn Hòa giải ngân được 3,3 tỉ đồng). Huyện Đồng Xuân được phân bổ vốn đầu tư năm 2024 hơn 16,7 tỉ đồng; vốn sự nghiệp năm 2022, 2023 chuyển nguồn sang hơn 33,1 tỉ đồng... Tổng kinh phí thực hiện trong năm 2024 là 56,4 tỉ đồng. Nguồn kinh phí được điều chuyển theo Nghị quyết 111 là 41,4 tỉ đồng. Đến cuối tháng 6/2024, huyện Đồng Xuân đã giải ngân hơn 6,2 tỉ đồng.
Trong thời gian tới, với quyết tâm các địa phương phải giải ngân hết 100% nguồn vốn được phân bổ năm 2024, tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng sẵn các nội dung công việc; rà soát, lấy ý kiến người dân về việc lựa chọn các công trình, dự án để triển khai ngay sau khi có quyết định phê duyệt điều chuyển nguồn vốn. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình; tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác thu ngân sách đảm bảo theo dự toán, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, phấn đấu tỷ lệ giải ngân đạt trên 95% kế hoạch được giao, kể cả vốn năm 2023 được phép kéo dài thời hạn giải ngân sang năm 2024; chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ, thủ tục các dự án chuẩn bị đầu tư cho giai đoạn tiếp theo, nhất là những dự án dự kiến đề xuất nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư theo đúng quy định. Đồng thời, để kịp thời thực hiện các quy định mới của một số Luật đã được Quốc hội ban hành và có hiệu lực trong năm 2024, nhất là Luật Đất đai, Luật Nhà ở,…
Diễm Hồng
Nguồn Mặt Trận : http://tapchimattran.vn/dai-doan-ket/phu-yen-cham-lo-cho-dong-bao-dtts-va-mien-nui-58537.html