Phục hồi kinh tế hậu bão Yagi: những biến số mới

Phục hồi kinh tế hậu bão Yagi: những biến số mới
2 giờ trướcBài gốc
Khung cảnh nhà xưởng đổ nát tại Công ty TNHH Việt Trường sau bão số 3 (Yagi).
Tích cực hơn dự kiến
Mới đây, các nhà phân tích Ngân hàng UOB (Singapore) điều chỉnh lại dự báo tăng trưởng GDP sau khi số liệu quí 3 được công bố. Theo đó, UOB dự báo tăng trưởng cả năm đạt mức 6,4% từ mức 5,9% (trước đó đã dự báo giảm vì lo ngại về hậu quả bão Yagi).
GDP Việt Nam quí 3 tăng trưởng 7,4% so với cùng kỳ, vượt dự báo trung bình của thị trường là 6,1% và mức dự báo của UOB là 5,7%. Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ quí 3-2022, dẫn đến mức tăng tích lũy trong 9 tháng đầu năm nay là 6,82% so với cùng kỳ năm trước, báo cáo của UOB đánh giá.
Tương tự, nhóm phân tích của Công ty chứng khoán Maybank cũng nâng dự báo tăng trưởng cả năm, một phần trong đó vì các yếu tố bên ngoài đã thuận lợi hơn.
Theo đó, thế giới trong tháng qua đã có những câu chuyện mới tích cực, bao gồm việc Fed đẩy nhanh quá trình nới lỏng bằng cách cắt giảm mạnh lãi suất liên bang và đưa ra biểu đồ dự kiến giảm lãi suất mới. Điều này cho thấy nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ giảm bớt dù dự báo có thể tăng trưởng chậm lại. Còn ở bức tranh khác, Trung Quốc tung ra gói hỗ trợ để thúc đẩy thị trường bất động sản, chứng khoán và toàn bộ nền kinh tế.
“Những diễn biến tích cực từ các đối tác thương mại lớn của Việt Nam có khả năng tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu và phục hồi kinh tế”, ông Hoàng Huy, Giám đốc, Phòng nghiên cứu Khách hàng Tổ chức, Khối phân tích Công ty chứng khoán Maybank, đánh giá.
Số liệu thống kê cho thấy tăng trưởng xuất khẩu đạt 15,3% trong quí 3, tăng so với mức 12,2% trong quí 2-2024, và vẫn là động lực chính thúc đẩy phục hồi kinh tế, theo chuyên gia của Maybank.
Không chỉ các hoạt động xuất khẩu được hưởng lợi, bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết cũng khả quan hơn vào cuối năm. Theo dự báo mới của VinaCapital, dự báo tăng trưởng lợi nhuận năm nay đạt con số 29,8% trong khi hồi đầu năm đưa ra khoảng 19%. Con số này được đánh giá là rất tích cực, dù ước tích có hơn một nửa được cho là đến từ lợi nhuận bất thường.
Theo bà Nguyễn Hoài Thu, ổng giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Chứng khoán của VinaCapital, mức lợi nhuận này đã quay trở lại mức cao như trước những năm dịch Covid-19. Đáng kể là sự phục hồi diễn ra ở hầu hết các nhóm ngành, kể cả nhóm ngành tăng trưởng âm hồi đầu năm. Bức tranh tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp Việt Nam cũng vượt trội so với khu vực ASEAN.
Bức tranh vĩ mô Việt Nam sau 9 tháng đầu năm đang có nhiều điểm thuận lợi. Nguồn: VinaCapital (2024).
Rủi ro quốc tế và chờ chính sách phục hồi
Sự lo ngại về phục hồi kinh tế được nêu lên sau khi cơn bão Yagi đi qua và để lại hậu quả nặng nề. Con số cập nhật hồi cuối tháng 9 thiệt hại là trên 81.000 tỉ đồng, còn theo đánh giá ban đầu của các ngân hàng tính đến ngày 25-9, dư nợ bị ảnh hưởng tại tất cả tỉnh thành lên tới 165.000 tỉ đồng, với khoảng hơn 94.000 khách hàng.
Theo số liệu từ FiinGroup, các tỉnh bị ảnh hưởng đóng góp khoảng 25,81% GDP và 17,27% giá trị xuất khẩu của Việt Nam, bao gồm khoảng 111 khu công nghiệp cùng 4.760 doanh nghiệp FDI hoạt động trong các lĩnh vực chủ chốt như công nghệ thông tin, sản xuất, xây dựng và du lịch. Giới phân tích cho rằng ảnh hưởng có thể sẽ còn kéo dài theo quá trình tái thiết và phục hồi kinh tế - xã hội ở khu vực này.
Nhưng hiện nay có vẻ khắc phục hậu quả bão Yagi không hẳn là biến số quá lớn đối với mục tiêu đạt tăng trưởng GDP khoảng 7% trong năm nay mà cơ quan quản lý kiên quyết giữ vững. Hiện Chính phủ đang đẩy nhanh việc ban hành các chính sách hỗ trợ cho khu vực này, trong khi Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị ban hành thông tư cho phép cơ cấu. Mặt khác, khi tỷ giá đã ổn định hơn, một số nhà phân tích đã nhắc đến khả năng tiếp tục giảm lãi suất.
Nhưng trong khi chờ đợi những chính sách hỗ trợ mới, rủi ro không chỉ đến từ việc khắc phục hậu quả từ bão Yagi, mà còn liên quan đến những biến số vĩ mô trên thị trường toàn cầu và cả diễn biến thị trường trong nước không thuận lợi, theo các chuyên gia.
Theo bà Thu của VinaCapital, một rủi ro nhắc đến là khả năng tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm lại, trong khi Trung Quốc dư thừa hàng hóa có thể dẫn đến tình trạng mang đi bán rẻ và các quốc gia xuất khẩu như Việt Nam sẽ gặp áp lực. Mặt khác, rủi ro địa chính trị quốc tế cũng được nhắc đến khi các cuộc xung đột leo thang, chuỗi cung ứng cũng sẽ bị ảnh hưởng theo.
Theo nhóm chuyên gia của ADB, rủi ro suy thoái có thể làm chậm đà tăng trưởng của Việt Nam. “Nhu cầu bên ngoài tại một số nền kinh tế lớn vẫn yếu, trong khi căng thẳng địa chính trị và những bất ổn liên quan tới cuộc bầu cử tại Mỹ trong tháng 11 có thể khiến thương mại bị phân tán, ảnh hưởng tiêu cực tới xuất khẩu, hoạt động sản xuất và việc làm”, thông cáo của ADB có đoạn.
Còn nhóm phân tích của HSBC đánh giá Việt Nam vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi các biến động đột ngột của giá thực phẩm, bên cạnh giá năng lượng thế giới. Ngoài ra, nhu cầu đối với hàng hóa từ bên ngoài sẽ đóng vai trò quyết định đối với mức độ phục hồi, bởi các thị trường phương Tây chiếm gần một nửa xuất khẩu của Việt Nam. “Do vậy, cần theo dõi sát sao xu hướng và tốc độ chi tiêu tiêu dùng ở phương Tây”, HSBC nhận định.
Thị trường trong nước cũng có những rủi ro riêng khi nhu cầu tiêu dùng nội địa không như kỳ vọng, theo đại diện VinaCapital, khi con số nửa đầu năm chưa khả quan dù kinh tế phục hồi so với năm 2023. “Thị trường bất động sản được dự báo phục hồi năm 2025 nhưng rõ ràng còn nhiều yếu tố bất định cần tiếp tục quan sát”, bà Thu bình luận.
Để thúc đẩy kinh tế, hướng đi mà VinaCapital nhấn mạnh là tăng cường chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và đẩy nhanh sự phục hồi của thị trường bất động sản. Còn ADB cho rằng để gia tăng nhu cầu trong nước, sẽ đòi hỏi phải có các biện pháp kích thích tài khóa mạnh mẽ hơn, như đẩy nhanh triển khai đầu tư công, trong khi vẫn duy trì lãi suất thấp. “Các biện pháp chính sách có sự phối hợp là điều cần thiết để phục hồi kinh tế, trong bối cảnh giá cả tương đối ổn định và nhu cầu yếu”, thông cáo của ADB có đoạn.
D.Nguyễn
Nguồn Saigon Times : https://thesaigontimes.vn/phuc-hoi-kinh-te-hau-bao-yagi-nhung-bien-so-moi/