Phục hồi, tu bổ di tích lịch sử cách mạng trên vùng đất Quần Tín

Phục hồi, tu bổ di tích lịch sử cách mạng trên vùng đất Quần Tín
một ngày trướcBài gốc
Giếng cổ tại Khu lưu niệm Hội Văn nghệ Việt Nam (thời kỳ 1947 - 1954) được tôn tạo.
Tương truyền, khi đi qua Quần Tín chiêu mộ thêm binh lính để tiếp tục cuộc chiến chống giặc Minh, Lê Lợi và binh lính đã nghỉ tại đây và được dân làng đón tiếp nhiệt tình, chu cấp lương thảo. Ðêm hôm ấy, Lê Lợi được Thành hoàng làng báo mộng: “Sáng sớm nhà ngươi ra giếng làng, thấy làn khói bốc lên từ giếng bay về hướng nào, thì tiến quân về hướng ấy, ắt sẽ thắng trận”. Tin theo lời báo mộng của Thành hoàng làng, nghĩa quân Lam Sơn đã tiến quân theo hướng khói bay và giành chiến thắng trong trận chiến với quân giặc. Sau đó, Lê Lợi trở lại và ban sắc phong, đặt tên cho làng là Quần Tín. Từ đó đến nay, dân làng Quần Tín lấy ngày 10 tháng Giêng làm ngày hội làng.
Bia lưu niệm tại khu di tích.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, làng Quần Tín vẫn trường tồn, phát triển. Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ năm 1946, khu Bốn nói chung và Thanh Hóa nói riêng là vùng tự do, vì thế nhiều cơ quan Trung ương và Hà Nội đã chọn làm nơi sơ tán. Làng Quần Tín là nơi tập hợp văn nghệ sĩ lớn của cả nước - một trung tâm đào tạo cán bộ văn hóa cho công cuộc kháng chiến và kiến quốc sau này. Thời điểm đó, nơi đây là trụ sở làm việc của Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Việt Nam (sau này là Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam).
Từ trung tâm đào tạo cán bộ văn hóa này, nhiều học viên đã thành đạt, trở thành những người nổi tiếng trên các lĩnh vực, như các đồng chí: Phan Diễn - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Mạnh Cầm - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Giáo sư, họa sĩ Vũ Giáng Hương - Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam... cùng nhiều nhà văn, nhà thơ khác.
Ngày ấy, ở Quần Tín có 70 hộ dân, trong đó 35 hộ luôn có người tá túc. Các hộ đã tự nguyện chở che, đùm bọc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho văn nghệ sĩ và các nhà chính trị hoạt động.
Ngày 31/1/2013, Chủ tịch UBND tỉnh có quyết định công nhận địa điểm khu lưu niệm Hội Văn nghệ Việt Nam (thời kỳ 1947 - 1954) làng Quần Tín là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh.
Một góc của di tích được đầu tư xây dựng khang trang.
Thời gian trôi qua, một số ngôi nhà cổ là nơi ở của một các văn nghệ sỹ đã tháo dỡ xây mới hiện đại hoặc chuyển đổi sang kiểu nhà thờ họ. Song, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước khu lưu niệm được khôi phục, tu bổ với các hạng mục, như: Bảo tồn, tôn tạo giếng cổ; tôn tạo làm mới nhà bia lưu niệm; đình; các công trình phụ trợ... với tổng mức đầu tư hơn 10 tỷ đồng. Công trình được khởi công xây dựng vào tháng 7/2024, dự kiến hoàn thành tháng 5/2025. Hiện nay, hạng mục giếng cổ, nhà bia lưu niệm đã hoàn thành theo đúng hồ sơ thiết kế được phê duyệt.
Ông Lê Đình Chiến, một hộ dân làng Quần Tín, cho biết: Những năm trước đây nhìn thấy di tích xuống cấp tôi rất xót xa. Nay, được sự quan tâm của Nhà nước, khu di tích được phục hồi, tu bổ, tôn tạo. Để góp một phần công sức vào việc tu bổ, tôn tạo di tích, tôi đã bàn bạc với gia đình tự nguyện hiến hơn 200m2 đất. Nhìn thấy di tích từng ngày được khôi phục, tôi cảm thấy tự hào và sẽ tiếp tục cùng với bà con trong thôn có những việc làm thiết thực để gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa.
Nhận thức được trách nhiệm của nhà trường trong việc gìn giữ và phát huy giá trị của di tích lịch sử, thời gian qua, Trường THCS Thọ Cường luôn chú trọng lồng ghép trong các bộ môn khoa học xã hội và tổ chức hoạt động dạy học thực địa tại Di tích lịch sử, cách mạng Khu lưu niệm Hội Văn nghệ Việt Nam. Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên tổ chức cho giáo viên và học sinh quét dọn, vệ sinh môi trường xung quanh khu di tích.
Diện mạo làng Quần Tín ngày càng đổi thay.
Thầy giáo Lê Tiến Dũng, Hiệu trưởng trường THCS Thọ Cường cho biết: Thầy và trò nhà trường rất vui khi Di tích lịch sử, cách mạng Khu lưu niệm Hội Văn nghệ Việt Nam được phục hồi, tu bổ, tôn tạo. Thời gian tới nhà trường tiếp tục tăng cường giáo dục giá trị di tích lịch sử, văn hóa cho học sinh; tăng cường các buổi dạy học thực địa để học sinh hiểu hơn về một thời văn nghệ kháng chiến, từ đó nhận thức đầy đủ về việc cần thiết phải giữ gìn, phát huy các giá trị của di tích.
“Di tích lịch sử, cách mạng Khu lưu niệm Hội Văn nghệ Việt Nam là niềm tự hào của cán bộ, Nhân dân xã Thọ Cường. Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, thời gian tới, xã Thọ Cường tiếp tục vận động Nhân dân chỉnh trang khuôn viên, trồng hoa, cây cảnh tạo diện mạo cho di tích. Tăng cường công tác kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp xâm hại di tích”, ông Lê Đình Hùng, Chủ tịch UBND xã Thọ Cường, cho biết.
Bài và ảnh: Xuân Cường
Nguồn Thanh Hóa : https://vhds.baothanhhoa.vn/phuc-hoi-tu-bo-di-tich-lich-su-cach-mang-tren-vung-dat-quan-tin-nbsp-35722.htm