Phước Chỉ - Đi lên từ gian khó Bài 1: Phát huy vai trò nòng cốt của cấp ủy cơ sở

Phước Chỉ - Đi lên từ gian khó Bài 1: Phát huy vai trò nòng cốt của cấp ủy cơ sở
4 giờ trướcBài gốc
Xã Phước Chỉ nằm ở cánh Tây thị xã Trảng Bàng, có diện tích tự nhiên gần 4.818 ha. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, vùng đất này còn rất nhiều khó khăn. Đường giao thông cách trở, cuộc sống người dân chủ yếu bằng nghề nông, làm lúa 1 vụ/năm.
Phát huy truyền thống xã anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân chung sức đồng lòng từng bước khắc phục khó khăn, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đảng bộ xã đề ra, đưa Phước Chỉ từ một xã nghèo vươn lên thành xã nông thôn mới nâng cao thứ hai ở thị xã Trảng Bàng vào năm 2023.
Những ngày đầu tháng 10.2024, có dịp trở lại Phước Chỉ, chúng tôi ghi nhận rất nhiều sự đổi thay trên vùng đất vốn còn nhiều khó khăn ở vùng biên giới của Tây Ninh. Thành quả đó được tạo nên từ sự nỗ lực vượt bậc của cấp ủy, chính quyền và người dân nơi đây.
Ông Trương Tấn Đạt- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT trao bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao cho lãnh đạo xã Phước Chỉ.
Cái nôi cách mạng của vùng đất anh hùng
Năm 1937, tại Rạch Tràm (xã Phước Chỉ) có một nhóm thanh niên yêu nước gồm các ông Lê Văn Vẳng, Bùi Quang Ngỡi, Dương Quang Thạnh, được sự chỉ đạo của cán bộ Tổng ủy Cầu An Thượng (thuộc Quận ủy Đức Hòa, tỉnh Long An), tham gia tổ chức Hội Ái hữu, thông qua các hoạt động giúp nhau cày cấy, ma chay, cưới hỏi, giỗ chạp… để tuyên truyền giác ngộ cách mạng và tổ chức các nhóm đấu tranh đòi giảm sưu thuế, được quần chúng ủng hộ.
Đến tháng 10.1940, Chi bộ Ðảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của tỉnh Tây Ninh được thành lập tại Rạch Tràm, gồm 4 đảng viên: Lê Văn Vẳng, Bùi Quang Ngởi, Trần Quang Thanh, Thân Văn Củ, do ông Lê Văn Vẳng làm Bí thư. Chi bộ Rạch Tràm - Phước Chỉ được thành lập đánh dấu mốc lịch sử quan trọng đối với phong trào đấu tranh cách mạng của huyện Trảng Bàng lúc bấy giờ nói riêng, tỉnh Tây Ninh nói chung. Ðây là cơ sở để xây dựng và hình thành các tổ chức Ðảng cộng sản khác ở Tây Ninh, góp phần tích cực vào phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Người dân làm thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa của xã.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Chi bộ và Nhân dân xã Phước Chỉ luôn nêu cao tinh thần chiến đấu, dũng cảm, một lòng theo Ðảng. Suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Ðảng bộ và Nhân dân xã Phước Chỉ tiếp tục chiến đấu dưới cờ Ðảng, lập nhiều chiến công hiển hách, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân 1975 thống nhất đất nước.
Với những thành tích và chiến công trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, Ðảng bộ và Nhân dân xã Phước Chỉ được Ðảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cùng với 27 danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 39 bằng Dũng sĩ diệt Mỹ và hơn 500 bằng khen, giấy khen cho các tập thể, cá nhân.
Ngày 21.8.2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1921 xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đối với di tích cách mạng Rạch Tràm - Phước Chỉ, địa điểm thành lập Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của Tây Ninh. Đây là niềm tự hào của Đảng bộ và Nhân dân xã Phước Chỉ, luôn giữ gìn và phát huy truyền thống cách mạng của vùng đất anh hùng.
Lãnh đạo xã và đơn vị tài trợ cắt băng khánh thành cầu nông thôn tại ấp Phước Hội.
Sau một thời gian khảo sát, lấy ý kiến người dân để xác định vị trí, sáng 6.9.2024, UBND thị xã Trảng Bàng tổ chức lễ khởi công công trình tu bổ, tôn tạo di tích Rạch Tràm - Phước Chỉ tại ấp Phước Bình, xã Phước Chỉ theo Quyết định số 1332/QĐ-UBND ngày 24.2.2023 của UBND thị xã Trảng Bàng.
Công trình gồm các hạng mục: Nhà tưởng niệm, nhà trưng bày sinh hoạt truyền thống, nhà nghỉ, phục vụ, sân lễ, bồn hoa cây xanh, đường nội bộ, thoát nước, hệ thống chiếu sáng tổng thể… với tổng mức đầu tư trên 4,4 tỷ đồng. Công trình do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã Trảng Bàng làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành sau 6 tháng thi công.
Công chào xã NTM nâng cao Phước Chỉ, điểm tiếp giáp xã Mỹ Quý Đông, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An.
Ý Đảng hợp lòng dân
Xã Phước Chỉ có 11 ấp, gồm 4 ấp ven sông, 1 ấp ven rạch và 6 ấp giồng, với 2.669 hộ và 9.465 nhân khẩu. Địa hình các ấp ven sông kênh rạch chằng chịt, lưu thông chủ yếu bằng ghe, xuồng, điều kiện để phát triển kinh tế rất hạn chế; trong khi các ấp giồng thì thiếu nước, chưa có thủy lợi nội đồng, chỉ sản xuất 1 vụ lúa, lệ thuộc vào thời tiết.
Trước khó khăn của người dân, cấp ủy, chính quyền luôn trăn trở tìm cách để người dân có thể làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Chỉ tiêu nghị quyết của cấp ủy hằng năm và nhiệm kỳ đều quan tâm việc nâng cao thu nhập trên một diện tích đất để người dân an tâm bám ruộng, phát triển nông nghiệp nông thôn. Được sự quan tâm của tỉnh và thị xã, một hệ thống thủy lợi nội đồng, đê bao tiểu vùng dần hình thành trên vùng đất này. Đầu tiên là Trạm bơm điện Phước Chỉ với hệ thống thủy lợi nội đồng phục vụ tưới tiêu các ấp giồng, kế đến là đê bao tiểu vùng các ấp ven sông.
Khởi điểm vào năm 2000, xã xây dựng thí điểm đê bao tiểu vùng nhằm ngăn nước lũ tại ấp Phước Long. Bước đầu, bằng nội lực của người dân trong ấp, đê bao được thực hiện gần 1km, bao bọc ngăn nước cho khoảng 7 ha đất sản xuất. Hiệu quả thật bất ngờ khi diện tích trong đê bao sản xuất được 3 vụ lúa/năm, ngoài ra còn kết hợp nuôi cá mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân.
Xây dựng Di tích Rạch Tràm - Phước Chỉ tại ấp Phước Bình.
Nhờ có đê bao, thu nhập trên một diện tích cao hơn, bà con không còn lo chạy lũ khi gieo sạ, từ đó cuộc sống dần ổn định. Điều phấn khởi nhất của người dân là hệ thống đê bao phát triển rộng khắp, giúp việc đi lại dễ dàng hơn, không còn lệ thuộc phương tiện đường thủy.
Đến nay, hệ thống thủy lợi đáp ứng tưới, tiêu nước chủ động cho sản xuất nông nghiệp đạt 100% tổng số diện tích nông nghiệp. Thực hiện đê bao tiểu vùng 9 tuyến kết hợp giao thông nội đồng với 21 tuyến đường trục chính nội đồng gần 37 km, được cứng hóa 100% đáp ứng yêu cầu sản xuất và vận chuyển hàng hóa. Đường trục ấp, liên ấp 8 tuyến với chiều dài 6,34km, cứng hóa 100%, láng nhựa 4 tuyến. Nhân dân đóng góp thắp sáng đường quê tất cả các tuyến đường trục ấp, liên ấp.
Ông Từ Thanh Vân, sinh năm 1964, ngụ ấp Phước Lập (ấp ven sông) cho biết, người dân các ấp ven sông rất phấn khởi khi hệ thống đê bao được đầu tư vừa có thể chống lũ vừa kết hợp làm đường giao thông rất thuận tiện, con em đến trường an toàn hơn; việc sản xuất, vận chuyển phân bón, nông sản cũng thuận lợi hơn. Đặc biệt, từ khi có đường nhựa, đường bê tông ra các ấp ven sông, những cây cầu bê tông thay cho cầu khỉ, rồi điện lưới quốc gia phủ kín các ấp, đời sống người dân thay đổi rõ rệt, có nhiều phát triển, người dân hưởng thụ nhiều hơn về văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống tinh thần. “Những ngày đầu sau giải phóng, người dân có nằm mơ cũng không nghĩ rằng các ấp ven sông lại có điện lưới và đường nhựa chạy xe bon bon như bây giờ”- ông Vân nói một cách tự hào.
Bí thư Đảng ủy xã Phước Chỉ Trần Minh Tùng quán triệt nhiệm vụ thường xuyên đối với cán bộ chủ chốt.
Nói về thành tựu các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, ông Trần Minh Tùng- Bí thư Đảng ủy xã Phước Chỉ cho rằng, tất cả được tạo nên từ những chủ trương, đường lối đúng đắn, sát hợp tình hình, phục vụ trực tiếp cuộc sống dân sinh. Và điều quan trọng là cấp ủy cơ sở phải biết đưa những chủ trương, nghị quyết đó vào cuộc sống, biến nghị quyết thành thực tiễn, bởi khi xây dựng nghị quyết, cấp ủy đã căn cứ từ nhu cầu thực tế của đời sống xã hội. “Khi chủ trương, đường lối và Nghị quyết của Đảng hợp lòng dân, ắt sẽ tạo sự đồng thuận và người dân sẽ mạnh dạn phát huy vai trò làm chủ của mình”- Bí thư Đảng ủy xã Phước Chỉ nhấn mạnh.
Ông Trần Minh Tùng cũng chia sẻ, gần nửa thế kỷ sau ngày đất nước được hòa bình thống nhất, người dân được sống trong tự do, được Đảng và Nhà nước tạo mọi điều kiện phát triển về đời sống vật chất lẫn tinh thần. Đến nay Phước Chỉ không còn hộ nghèo, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Thành tựu đó có sự đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ, đảng viên xã Phước Chỉ, phát huy tích cực vai trò nòng cốt ở cơ sở, thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, từ đó phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh.
Phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất từ ý chí đến hành động, mỗi cán bộ, đảng viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, gắn bó với nhân dân, không ngừng rèn luyện, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đảng bộ xã Phước Chỉ phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện, nhiều năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu.
Ngô Mẫn - Đại Dương
(còn tiếp)
Nguồn Tây Ninh : https://baotayninh.vn/bai-1-phat-huy-vai-tro-nong-cot-cua-cap-uy-co-so-a180617.html