Từ hôm nay (ngày 1/7), phường Sài Gòn sẽ chính thức đi vào vận hành trên cơ sở sáp nhập toàn bộ phường Bến Nghé, một phần phường Đa Kao và một phần phường Nguyễn Thái Bình cũ. Đây cũng là khu vực có giá trị bất động sản và thương mại cao nhất TP.HCM hiện nay.
Bản đồ phường Sài Gòn. Đồ họa: Đại Bùi.
Trước khi sáp nhập, khu vực này vốn đã nổi tiếng với các tuyến phố sầm uất, nhiều khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại lớn, tòa nhà văn phòng hạng A và những căn nhà mặt tiền có giá cao kỷ lục. Sau khi hợp nhất, sự kết hợp của các phường sẽ tạo nên một đơn vị hành chính mới, song vẫn mang trong mình nền tảng kinh tế lâu đời và giá trị bất động sản đắt đỏ.
Phường Sài Gòn bao trùm khu vực lõi quận 1, tập trung nhiều tuyến đường có giá trị thương mại hàng đầu như Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Lê Duẩn, Hàm Nghi...
Trong đó, đường Đồng Khởi (trước đây mang tên Catinat) được xem là một trong những tuyến phố biểu tượng. Hiện nơi đây quy tụ nhiều thương hiệu xa xỉ như Gucci, Hermes, Dior, Louis Vuitton... cùng các khách sạn và trung tâm thương mại lớn như Vincom Center, Union Square, Parkson Đồng Khởi, khách sạn Rex, Majestic...
Theo báo cáo Đại lộ bán lẻ thế giới 2024 của Cushman & Wakefield, giá thuê mặt bằng bán lẻ tại đường Đồng Khởi đạt 368 USD/feet vuông/năm, tương đương khoảng 330 USD/m2/tháng. Với mức giá này, Đồng Khởi tiếp tục nằm trong nhóm 15 tuyến phố thương mại đắt nhất toàn cầu, xếp vị trí thứ 14.
Bên cạnh mặt bằng thương mại, nhà phố tại khu vực này cũng có mức giá thuộc nhóm cao nhất cả nước.
Một số căn mặt tiền trên các tuyến đường như Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Tôn Thất Thiệp từng được giao dịch hơn 1 tỷ đồng/m2. Khảo sát trên nền tảng Batdongsan.com.vn, có bất động sản ở đây được rao bán với giá lên đến 1,7 tỷ đồng/m2.
Tọa lạc ở trung tâm TP.HCM, địa bàn phường Sài Gòn cũng có tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đi qua, góp phần gia tăng khả năng kết nối với các khu vực khác của thành phố.
Riêng địa bàn phường Bến Nghé cũ có 2 nhà ga ngầm gồm ga Ba Son (trên đường Tôn Đức Thắng) và ga Nhà hát Thành phố (trên đường Lê Lợi).
Hạ tầng metro không chỉ góp phần rút ngắn thời gian di chuyển, mà còn tạo động lực phát triển thương mại, dịch vụ và bất động sản tại khu vực này.
Ngoài ra, cầu Ba Son được đưa vào khai thác từ năm 2022 cũng là hạ tầng quan trọng thay đổi diện mạo khu vực ven sông.
Nhờ cây cầu này, trục giao thông giữa vùng trung tâm và Khu đô thị Thủ Thiêm (thuộc TP Thủ Đức cũ) được kết nối liền mạch, kéo theo sự gia tăng rõ rệt về giá trị bất động sản hai bên bờ.
Với vị trí đắc địa và khả năng kết nối thuận lợi, phường Sài Gòn cũng là nơi tập trung trụ sở của nhiều ngân hàng lớn, công ty đa quốc gia, tổ chức tài chính, cơ quan ngoại giao...
Cũng chính vì vậy, không khó để bắt gặp hình ảnh nhân viên văn phòng, chuyên gia nước ngoài và khách thương mại tấp nập di chuyển qua các tuyến phố trong khu vực này.
Các công trình biểu tượng của thành phố như Nhà hát Thành phố, trụ sở UBND TP.HCM, phố đi bộ Nguyễn Huệ... đều nằm trong ranh giới phường này.
Bên cạnh đó, khu vực phường Sài Gòn còn ghi nhận nhiều dự án nhà ở, văn phòng cao cấp đang được triển khai. Nổi bật là khu căn hộ hàng hiệu Grand Marina Saigon, hướng đến nhóm khách hàng siêu sang. Giá căn hộ tại đây hiện được rao bán quanh mức 300-500 triệu đồng/m2, thuộc nhóm cao nhất thị trường.
Một số dự án văn phòng đáng chú ý khác như Marina Central Tower, The Nexus... cũng đang góp phần định hình lại diện mạo đô thị trung tâm TP.HCM.
Sáng 30/6, trụ sở phường Sài Gòn đã chính thức được ra mắt tại số 45-47 đường Lê Duẩn. Đây từng là trụ sở của Đảng ủy - HĐND - UBND quận 1 cũ. Ảnh: Khương Nguyễn.
Với vị trí đắc địa, giá trị thương mại và sức hút đầu tư lớn, phường Sài Gòn được kỳ vọng sẽ tiếp tục giữ vững vai trò trung tâm kinh tế, tài chính và thương mại trong giai đoạn phát triển mới.
Quỳnh Danh - Liên Phạm