Phường Tây Hoa Lư trước sứ mệnh lịch sử mới

Phường Tây Hoa Lư trước sứ mệnh lịch sử mới
9 giờ trướcBài gốc
Di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư thuộc địa phận phường Tây Hoa Lư. Ảnh: CTV
Một đơn vị hành chính mới mang tầm vóc đặc biệt
Phường Tây Hoa Lư được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của phường Ninh Giang, xã Trường Yên, xã Ninh Hòa (thuộc thành phố Hoa Lư); xã Phúc Sơn (thuộc huyện Nho Quan); xã Gia Sinh và một phần diện tích 0,45 km² với 563 người dân của xã Gia Tân (thuộc huyện Gia Viễn).
Sau sắp xếp, phường Tây Hoa Lư có diện tích tự nhiên 84,96 km², dân số gần 47.000 người, trở thành đơn vị hành chính có quy mô lớn, hội tụ nhiều yếu tố về địa lý, nhân văn, văn hóa và lịch sử. Trong số các phường hiện nay của tỉnh Ninh Bình, Tây Hoa Lư là một trong những phường có diện tích lớn nhất, vượt xa diện tích trung bình của các phường khác vốn chỉ dao động từ 13 đến 36 km². Với lợi thế diện tích rộng lớn, phường Tây Hoa Lư sở hữu dư địa phát triển vượt trội, thuận lợi trong quy hoạch không gian đô thị, bố trí hạ tầng, cũng như bảo tồn và khai thác giá trị di sản văn hóa - thiên nhiên phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Phần lớn diện tích của phường Tây Hoa Lư nằm trong vùng di sản Quần thể danh thắng Tràng An. Ảnh: Ngọc Linh
Đây là kết quả từ chủ trương lớn của Chính phủ trong việc tinh gọn bộ máy quản lý, sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã nhằm tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao hiệu quản lý và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Trong bối cảnh tỉnh Ninh Bình hợp nhất với Hà Nam và Nam Định thành tỉnh Ninh Bình, việc hình thành phường Tây Hoa Lư cho thấy bước đi chiến lược để khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng lõi di sản, tạo điểm tựa cho phát triển đô thị di sản thiên niên kỷ và công nghiệp văn hóa.
Theo đồng chí Cao Trường Sơn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy phường Tây Hoa Lư, trong thời gian tới, phường xác định tập trung ổn định tổ chức bộ máy, kiện toàn hệ thống hành chính công phục vụ Nhân dân với phương châm “lấy người dân là trung tâm để phục vụ”. Đây không chỉ là khẩu hiệu hành động mà là cam kết chính trị rõ ràng nhằm củng cố niềm tin của người dân vào bộ máy chính quyền mới.
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại phường trong những ngày đầu vận hành chính quyền địa phương 2 cấp. Ảnh: Nguyễn Thơm
Cùng với đó, cấp ủy Đảng phường đang khẩn trương chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ phường lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025-2030, xây dựng chương trình hành động toàn diện, phát huy lợi thế địa phương trên cơ sở những quy hoạch của tỉnh và gắn với Quy hoạch phát triển Đô thị Ninh Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trên tinh thần đó, phường Tây Hoa Lư sẽ tiến hành quy hoạch chi tiết các phân khu, đánh giá tiềm năng, thế mạnh của từng vùng để phát triển đúng định hướng.
Bản sắc văn hóa là nền tảng phát triển
Với đặc điểm hợp nhất từ nhiều địa phương có truyền thống lịch sử, văn hóa phong phú, phường Tây Hoa Lư sở hữu một nền tảng văn hóa đa tầng, là sự giao thoa giữa các giá trị văn hóa dân tộc, tôn giáo và di sản. Đây là khu vực hội tụ nhiều di tích lịch sử, danh thắng và di sản vật thể, phi vật thể mang tính quốc gia và quốc tế.
Du lịch sẽ là thế mạnh trong định hướng phát triển kinh tế bền vững của địa phương. Ảnh: Minh Đường
Trong đó, Trường Yên là địa bàn có vị trí trọng yếu trong vùng Cố đô Hoa Lư, nơi lưu giữ hệ thống di tích gắn với triều đại Đinh - Tiền Lê và các lễ hội truyền thống quy mô lớn. Gia Sinh nổi bật với chùa Bái Đính, một trong những trung tâm Phật giáo lớn nhất Việt Nam, vừa là điểm nhấn tâm linh, vừa là hạt nhân phát triển du lịch tâm linh và sinh thái. Ninh Hòa và Phúc Sơn đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ các giá trị văn hóa bản địa, đặc biệt là văn hóa Mường với nhiều phong tục, lễ hội truyền thống còn được bảo tồn đến ngày nay. Nhiều thôn, bản ở khu vực này còn lưu giữ nét sinh hoạt truyền thống đặc trưng của người Tràng An cổ.
Chùa Bái Đính, một trong những trung tâm Phật giáo thuộc địa phận phường Tây Hoa Lư. Ảnh: Ngọc Linh
Tổng thể không gian văn hóa của phường Tây Hoa Lư là sự tiếp nối liên tục giữa các tầng giá trị lịch sử và hiện đại. Đây không chỉ là điểm tựa cho bản sắc địa phương mà còn là nền móng để xây dựng một đô thị di sản, nơi phát triển kinh tế dựa trên khai thác hiệu quả di sản văn hóa, thiên nhiên và con người. Chính sự đa dạng và chiều sâu văn hóa này giúp Tây Hoa Lư có được lợi thế riêng biệt trong việc hoạch định chiến lược phát triển bền vững và hội nhập.
Những lễ hội, phong tục văn hóa của người Mường Thổ Hà được bảo tồn để phục vụ du lịch. Ảnh: Minh Đường
Trong định hướng phát triển giai đoạn mới, phường Tây Hoa Lư xác lập rõ nguyên tắc: Bảo tồn di sản không chỉ là trách nhiệm, mà là nền tảng chiến lược để kiến tạo tương lai. Mỗi quyết sách kinh tế - xã hội đều đặt di sản vào trung tâm, xem đó là sức mạnh nội lực, là nguồn lực bền vững để xây dựng một đô thị hiện đại, có chiều sâu văn hóa và bản sắc riêng biệt. Trong quy hoạch đô thị, Tây Hoa Lư kiên định mục tiêu không đánh đổi cảnh quan lấy phát triển, mà hướng tới mô hình phát triển hài hòa, lịch sử được tôn trọng, không gian sống được nâng cao và bản sắc được gìn giữ.
Như khẳng định của đồng chí Cao Trường Sơn, Bí thư Đảng ủy phường: “Giữ gìn di sản là chưa đủ, chúng tôi sẽ làm sống dậy những giá trị ấy bằng cách đưa chúng vào trong từng hơi thở của đời sống đương đại”. Đó là cam kết chính trị, khát vọng phát triển của một Tây Hoa Lư bản lĩnh, tự tin bước vào vận hội mới, mà còn là thông điệp hành động cho toàn hệ thống chính trị và Nhân dân địa phương: đồng lòng, quyết liệt, sáng tạo vì một Tây Hoa Lư phát triển hài hòa, bản sắc và thịnh vượng.
Nguyễn Thơm
Nguồn Ninh Bình : https://baoninhbinh.org.vn/phuong-tay-hoa-lu-truoc-su-menh-lich-su-moi-019941.htm