Phương Tây nghĩ lại về mục tiêu ở Ukraine: Đẩy lùi Nga hay giữ nguyên hiện trạng?

Phương Tây nghĩ lại về mục tiêu ở Ukraine: Đẩy lùi Nga hay giữ nguyên hiện trạng?
3 giờ trướcBài gốc
Phương Tây nghĩ lại về mục tiêu ở Ukraine
Ukraine đang bước vào mùa đông thứ ba của cuộc xung đột với tâm trạng u ám hơn bao giờ hết. Ở phía Đông, quân đội của họ đang mất dần lãnh thổ trước các cuộc tiến công dữ dội của Nga, mặc dù Moscow cũng phải chịu tổn thất nhất định. Với một nửa sản lượng điện bị tổn thất, người dân Ukraine phải sống trong cảnh nhiều giờ trong ngày không có ánh sáng hoặc lò sưởi. Tại Washington và một số nước phương Tây, thái độ đang thay đổi: từ quyết tâm rằng xung đột chỉ có thể kết thúc khi quân đội Nga bị đẩy lùi khỏi Ukraine sang sự thừa nhận miễn cưỡng rằng một giải pháp đàm phán giữ nguyên hiện trạng có lẽ là hy vọng tốt nhất. Tuy nhiên, Kiev đang không nhận được sự hỗ trợ cần thiết ngay cả để đạt được mục tiêu thu hẹp đó.
Binh lính Ukraine tham gia cuộc tập trận quân sự gần tiền tuyến ở khu vực Donetsk. Ảnh: Reuters
Triển vọng của Ukraine có thể bị phủ bóng bởi khả năng ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ vào tháng tới và tìm cách nhanh chóng kết thúc cuộc xung đột như ông đã cam kết. Một số quan chức Mỹ và châu Âu hy vọng ông Trump ít nhất có thể bị ngăn cản không ép Kiev ký một thỏa thuận bất lợi với Moscow bởi điều này sẽ gây ra rủi ro nghiêm trọng cho an ninh tương lai của châu Âu và Mỹ.
Tuy nhiên, trước tình hình Trung Đông leo thang căng thẳng, ngay cả một số nước phương Tây trước đây khăng khăng đòi đánh bại Tổng thống Vladimir Putin về mặt quân sự cũng đang điều chỉnh lại mục tiêu của họ. Các quan chức Kiev cũng bày tỏ lo ngại kín đáo rằng họ thiếu nhân sự, hỏa lực và sự hỗ trợ phương Tây để khôi phục tất cả lãnh thổ mà Nga kiểm soát. Đã có những cuộc thảo luận kín về một thỏa thuận trong đó Moscow vẫn giữ quyền kiểm soát trên thực tế với 1/5 lãnh thổ ở Ukraine - mặc dù chủ quyền của Nga không được công nhận - trong khi phần còn lại của đất nước được phép gia nhập NATO hoặc được đưa ra những đảm bảo an ninh tương đương. Dưới sự bảo trợ đó, họ có thể tái thiết và hội nhập với EU, giống như Tây Đức trong Chiến tranh Lạnh.
Tuy nhiên, kịch bản này dựa trên những giả định đầy tham vọng. Một là Mỹ và đồng minh phải chuẩn bị trao tư cách thành viên NATO hoặc những đảm bảo cần thiết cho Ukraine, song thực tế là cho đến nay họ vẫn do dự trao cho Kiev một lộ trình ràng buộc với liên minh. Điều này sẽ đòi hỏi việc triển khai lực lượng khổng lồ và tốn kém của Mỹ cũng như các đối tác, đồng thời đặt họ vào tình thế nguy hiểm như trong Chiến tranh Lạnh.
Giả định thứ hai là Tổng thống Nga Putin có thể bị thuyết phục để đàm phán và chấp nhận một kịch bản như vậy. Tuy nhiên, việc ngăn cản Ukraine gia nhập NATO là một trong những mục tiêu rõ ràng của ông. Phương Tây và Ukraine cũng nghi ngờ về việc ông Putin có động cơ đàm phán để đổi đất lấy hòa bình trong khi ông tin rằng các lực lượng của mình vẫn có thể mở rộng thành quả.
Mới đây, ngày 7/10, Ngoại trưởng Lavrov cho biết trong hơn 2 năm rưỡi xung đột ở Ukraine, Điện Kremlin đã đưa ra một kế hoạch khả thi nhằm chấm dứt giao tranh và sửa chữa cấu trúc an ninh châu lục.
Theo đó, kế hoạch của Nga đồng nghĩa với việc Ukraine sẽ nhượng bộ đáng kể các khu vực của Donetsk, Kherson, Lugansk và Zaporizhzhia mà Moscow tuyên bố sáp nhập vào tháng 9/2022 sau một cuộc trưng cầu ý dân, cùng với Bán đảo Crimea Nga sáp nhập năm 2014. Kiev cũng sẽ phải từ bỏ mong muốn trở thành một thành viên NATO và tiến hành một số biện pháp khác mà Tổng thống Zelensky và một số đối tác phương Tây bác bỏ, trong đó có Mỹ.
Ngoại trưởng Nga cũng cảnh báo "những hậu quả nguy hiểm" mà phương Tây có thể đối mặt nếu tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine thay vì ủng hộ giải pháp Nga đề xuất.
"Hiện nay, như chúng ta thấy, việc khôi phục hòa bình không phải là một phần trong kế hoạch của đối phương. Ông Zelensky vẫn chưa thu hồi sắc lệnh cấm đàm phán với Nga. NATO cung cấp sự hỗ trợ chính trị, quân sự và tài chính cho Kiev để xung đột tiếp diễn. Họ đang thảo luận về việc cho phép lực lượng vũ trang Ukraine sử dụng các tên lửa tầm xa của phương Tây để tấn công vào lãnh thổ Nga. Đùa với lửa theo cách này có thể dẫn đến những hậu quả nguy hiểm", ông Lavrov nói.
Củng cố vị thế của Ukraine
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã trình bày một "kế hoạch chiến thắng" tại Washington vào tháng trước nhằm thuyết phục các đồng minh của Kiev củng cố vị thế của mình về mặt quân sự và ngoại giao, đồng thời buộc Moscow phải ngồi vào bàn đàm phán. Ông Zelensky đã ra về tay trắng với 2 yêu cầu chính: đó là tiến triển gia nhập NATO và việc Mỹ cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa phương Tây để tấn công lãnh thổ Nga.
Giới quan sát phương Tây cho rằng, dù mục tiêu là giành chiến thắng hoàn toàn hay đưa Nga vào bàn đàm phán thì các nước phương Tây đều cần củng cố vị thế của Ukraine. Điện Kremlin chỉ có thể bị thúc đẩy vào các cuộc đàm phán về một thỏa thuận làm hài lòng Kiev và phương Tây nếu họ cảm thấy chi phí chiến đấu quá cao. Và bất kỳ giải pháp nào cho cuộc xung đột để toàn bộ hoặc một phần Ukraine tồn tại và thịnh vượng đều cần những đảm bảo an ninh nhất định.
Trong 3 tháng tại nhiệm còn lại, Tổng thống Joe Biden và các đồng minh châu Âu sẽ tăng cường hỗ trợ cho Ukraine. Mục tiêu là đưa Kiev vào vị thế mạnh nhất có thể trước nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump hoặc tạo dựng nền tảng cho bà Kamala Harris nếu bà giành chiến thắng.
Kiều Anh/VOV.VN Theo: Financial Times, Newsweek
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/phuong-tay-nghi-lai-ve-muc-tieu-o-ukraine-day-lui-nga-hay-giu-nguyen-hien-trang-post1126909.vov