Phương Tây và sự chia rẽ tất yếu: Sự đa diện trên thượng tầng

Phương Tây và sự chia rẽ tất yếu: Sự đa diện trên thượng tầng
2 giờ trướcBài gốc
Và, cũng vì vậy, như giới quan sát quốc tế nhận định: Chưa bao giờ trật tự đơn cực, mà phương Tây nắm quyền điều khiển kể từ sau Chiến tranh Lạnh, lại rung chuyển dữ dội như bây giờ.
1. Ngày 15/10, có một bài viết lan truyền trên mạng xã hội X, từ tài khoản mang tên Jason. Sau 5 ngày, nó đã thu hút tới hơn 114 triệu lượt xem, 195.000 lượt yêu thích, 57.000 lượt chia sẻ và 13.000 bình luận.
Status ấy nói về lý do vì sao tác giả - một người vốn căm ghét ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - lại quyết định đổi ý, để bầu cho ông lần này. Trong đó, có một đoạn rất đáng chú ý: “Tôi phát chán với việc nước Mỹ cứ bị lôi kéo vào những cuộc chiến ở những quốc gia xa lạ. Donald Trump sẽ giữ cho chúng ta tránh xa khỏi chúng, một lần nữa. Ông ta đủ điên rồ để bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới cũng sẽ phải chùn bước. Họ không sợ Kamala Harris. Họ e sợ Donald Trump”.
Câu hỏi giận dữ của một công dân Mỹ về chuyện quyên góp giúp đỡ các nạn nhân siêu bão Helene.
Trên thực tế, trong những ngày qua, càng gần đến thời điểm chính thức diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ - siêu cường số 1 thế giới và lãnh đạo phương Tây, vấn đề liên quan đến những điểm nóng xung đột quốc tế lại càng trở thành một câu chuyện nhức nhối và bức thiết, đối với đông đảo cử tri Mỹ. Đơn cử, sau khi siêu bão Helene quét qua và để lại những khung cảnh tang thương, không ít người giận dữ đặt câu hỏi: Sau khi phải chứng kiến chính quyền đương nhiệm (của Tổng thống thuộc đảng Dân chủ Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris) viện trợ hàng trăm tỷ USD cho Ukraine, cũng như chi hàng nghìn USD/tháng cho mỗi người nhập cư bất hợp pháp, các công dân Mỹ sẽ phải cảm thấy thế nào đây, khi được kêu gọi quyên góp tiền bạc để giúp đỡ các nạn nhân thiên tai?
Tuy nhiên, cho đến lúc này, những gì đang chờ đợi lại không chỉ còn là chiến sự ở miền Đông Ukraine nữa. Đó đã là cả bóng đen khủng khiếp của một cuộc chiến tranh toàn diện phủ bóng xuống Trung Đông, với những gì đã và đang diễn ra ở Jerusalem, Bờ Tây, Dải Gaza, Lebanon..., với Iran bắt đầu tiến lên phía trước, để công nhiên cùng những lực lượng như Hamas, Hezbollah hay Houthi thách thức các hành động quân sự cứng rắn đến tàn nhẫn của Israel. Đó cũng còn là một cả dải Tây Thái Bình Dương đang sẵn sàng dậy sóng, như khiêu khích lộ trình xoay trục của nước Mỹ về vùng trọng địa này.
Và, ở châu Âu, các đảng phái có quan điểm phản chiến cũng đang giành được ngày càng nhiều sự ủng hộ, ở Pháp, ở Đức, ở Trung Âu. Như Ngoại trưởng Phần Lan Elina Valtonen thừa nhận ngày 16/10: Xu hướng giảm bớt sự chú ý và nguồn lực cho Ukraine, nghĩa là sự mệt mỏi với chiến tranh, là có thực và đang trở nên rõ rệt hơn. Vấn đề là, cho dù như thế, bà cũng vẫn khẳng định: “Nếu chúng ta để Nga giành chiến thắng ở Ukraine thì về cơ bản, niềm tin dành cho khả năng răn đe của chúng ta (NATO) sẽ chấm dứt”.
Đó chính là một biểu hiện rõ rệt khác về sự mâu thuẫn và chia rẽ nội tại của phương Tây.
Những khẩu đội THAAD và quân nhân Mỹ đã có mặt tại Israel.
2. Trên thượng tầng chính trị, điều không thể phủ nhận là những mối quan tâm của các nhà lãnh đạo phương Tây đang bị phân tán mãnh liệt, khi buộc phải “để ý” đến cả Đông Âu lẫn Trung Đông, trong bối cảnh NATO “chỉ tay day mặt” Nga và Trung Quốc là những đối tượng hàng đầu mà tổ chức quân sự này hướng đến, từ hội nghị thượng đỉnh tháng 10/2021.
Tuy nhiên, cũng phải nói rằng phương hướng kiềm tỏa những “cường địch” ấy lại được thể hiện với không ít khía cạnh kỳ lạ. Thí dụ, chi phí cho các hoạt động hiện diện của Hạm đội 7 Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ đã bị thu hẹp khá nhiều, so với thời cựu Tổng thống Donald Trump. Thí dụ, cho đến hiện tại, những yêu cầu dai dẳng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, về các loại tên lửa tầm xa tối tân như Storm Shadow của Anh, Taurus của Đức hay JASSM của Mỹ, vẫn chưa từng được đáp ứng. Thậm chí, ngày 19/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin còn khuyên Ukraine tập trung sản xuất và sử dụng UAV giá rẻ - một cách tinh tế để nói với Kiev rằng họ hãy biết cách tự lo liệu.
Mọi lần trình bày “Kế hoạch chiến thắng” gần đây của ông Zelensky, dù là trên đất Mỹ hay tại châu Âu, đều chỉ nhận được những phản hồi hờ hững, kể cả khi ông cố gắng “quyến rũ” các đối tác bằng việc chia sẻ nguồn lợi tài nguyên, hay để ngỏ khả năng Kiev sẽ tự nghiên cứu chế tạo vũ khí hạt nhân. Thật ra, tình cảnh này đã sớm được tờ Politico tiên liệu, từ trước chuyến công du sang Mỹ của người đứng đầu chính quyền Kiev. Những phân tích ấy dựa trên căn cứ là thực trạng “hiu hắt”: Nhiều quốc gia trong liên minh phương Tây đang cảm thấy áp lực và căng thẳng ngày càng tăng. Sự mệt mỏi đang xuất hiện khi các gói viện trợ quân sự bắt đầu trở nên nhỏ hơn và chậm trễ trong việc chuyển giao do các vấn đề nội bộ và những rào cản về mặt hành chính.
Minh chứng rõ rệt nhất là nước Đức. Nhà tài trợ lớn nhất cho Ukraine trong Liên minh châu Âu (EU) đã thông báo rằng họ không còn vũ khí hạng nặng để chuyển cho Ukraine. Nhiều nước EU khác cũng than vãn rằng dự trữ khí tài của họ không còn đáp ứng được nhu cầu bảo đảm quốc phòng của chính họ. Trong khi đó, tình hình tài chính lại chẳng dư dả (bởi suy thoái kinh tế) dẫn đến ngân sách quốc phòng hạn chế. Ngay cả Washington cũng nói rằng họ đang phải vật lộn để bổ sung kho dự trữ vũ khí của mình. Đến ngày 19/10, như một sự “thức tỉnh” (hoặc một động thái xoa dịu), Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot tuyên bố: Nước Pháp sẵn sàng tập hợp các nước phương Tây ủng hộ "Kế hoạch chiến thắng” và sẽ viện trợ cho Ukraine tiêm kích đa năng Mirage 2000 (điều thực ra cũng chẳng có nhiều giá trị tác chiến thực địa).
Phương Tây không cho phép Ukraine thực hiện các cuộc tấn công tầm xa vào lãnh thổ Nga, cũng không tiếp sức cho phòng không Ukraine. Song, câu chuyện với Israel lại hoàn toàn khác. Khi Iran thực hiện cuộc oanh kích bằng 200 tên lửa, các hạm đội NATO ở Hồng Hải lập tức tham gia bắn chặn - nghĩa là không ngại trực diện đối kháng với Iran, thay vì sự né tránh đối đầu với Nga. Mỹ lập tức tuyên bố sẽ triển khai hệ thống phòng không hiện đại THAAD cho Israel, bất chấp sự “dằn dỗi” từ Kiev (bởi họ đã đề nghị chuyện này từ rất lâu trước đây, nhưng vẫn bị từ chối”.
Điều đó có nghĩa là gì?
3. Nghĩa là, trong sâu thẳm, tầm quan trọng về mặt lợi ích của Ukraine, trong mắt phương Tây, không bao giờ so sánh được với “rốn dầu của thế giới” là Trung Đông. Phương Tây không chỉ đơn thuần hỗ trợ Israel. Thông qua điều đó, phương Tây (mà đứng đầu là Mỹ) bảo vệ những lợi ích cốt lõi của mình. Và, khi không có đủ nguồn lực để “bao thầu” tất cả mọi trọng điểm, khi bắt buộc phải lựa chọn, thì các ưu tiên dĩ nhiên sẽ khác nhau, có nặng có nhẹ.
Đây cũng là lý do để trong chặng cuối cuộc đua bầu cử, bà Kamala Harris - người được trông đợi sẽ thừa kế di sản của đương kim Tổng thống Joe Biden - vừa không còn nhắc nhiều đến Ukraine, vừa phải cân nhắc từng ngôn từ (trung tính và chung chung nhất có thể) về xung đột ở Gaza hay Lebanon. Rõ ràng, bà vừa cần sự ủng hộ của các đại tài phiệt gốc Do Thái, vừa không muốn làm mất lòng khối cử tri gốc Arab/Hồi giáo, nhất là tại các bang chiến địa. Trước đây, chính quyền đảng Dân chủ của bà không ngại nói đến chiến tranh.
Hiện tại, bà lại không thể dõng dạc nói như đối thủ Donald Trump, rằng mình có thể chấm dứt mọi cuộc chiến trong thời gian sớm nhất.
Trong lúc đó, Lầu Năm Góc vẫn lại vừa phải cam kết tăng cường hỗ trợ cho khả năng phòng thủ của Nhật Bản (ngày 19/10), điều sẽ đòi hỏi thêm một khoản kinh phí không nhỏ. Và, như chúng ta đã biết, chưa bao giờ thị trường chứng khoán ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ lại đạt được những đỉnh cao như bây giờ...
Đông Phong
Nguồn ANTG : https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/phuong-tay-va-su-chia-re-tat-yeu-su-da-dien-tren-thuong-tang-i748172/