Polyp dạ dày có nguy cơ ung thư không?

Polyp dạ dày có nguy cơ ung thư không?
6 giờ trướcBài gốc
Nguyên nhân gây ra polyp dạ dày
Polyp dạ dày có thể gặp phải đồng đều ở nam giới và phụ nữ ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, chúng có khuynh hướng trở nên phổ biến hơn ở người già và đặc biệt ảnh hưởng đến những người trên 65 tuổi. Trong khi đó, một số loại polyp nhất định, chẳng hạn như polyp tuyến thường được tìm thấy ở phụ nữ trung niên.
Có nhiều nguyên nhân gây ra polyp dạ dày, trong đó có một số đã ghi nhận nhiều bằng chứng nguy cơ, bao gồm:
Tình trạng viêm dạ dày mạn tính.
Nhiễm Helicobacter pylori.
Thiếu máu ác tính.
Tổn thương niêm mạc dạ dày kéo dài, chẳng hạn như do loét.
Sử dụng thuốc ức chế bơm proton kéo dài, như omeprazole.
Ngoài ra, yếu tố di truyền cũng đóng một vai trò hình thành polyp. Một người có thể có nguy cơ mắc polyp dạ dày cao hơn nếu trong gia đình đã có người từng mắc. Đồng thời, khả năng mắc bệnh cũng tăng nếu có các bệnh lý di truyền trên đường tiêu hóa khác.
Polyp dạ dày có thể gặp phải đồng đều ở nam giới và phụ nữ ở mọi lứa tuổi.
Các loại polyp dạ dày thường gặp
Polyp tăng sản: Đây là dạng polyp phổ biến nhất ở những người bị viêm dạ dày, tạo thành như một phản ứng viêm mạn tính trong các tế bào lót mặt trong của dạ dày. Vi khuẩn HP là nguyên nhân chính dẫn tới dạng polyp này. Hầu hết polyp tăng sản không có khả năng "ung thư hóa", nhưng với những polyp có đường kính lớn hơn 2cm thì sẽ có nguy cơ trở thành ung thư.
Polyp tuyến: Polyp tuyến tạo thành từ các tế bào tuyến trên lớp niêm mạc bên trong dạ dày. Dạng polyp này xuất hiện ở những người bị hội chứng di truyền hiếm gặp được gọi là polyp u tuyến gia đình, những người thường xuyên sử dụng thuốc giảm axit trong dạ dày. Dù không phải là mối lo đáng ngại, nhưng những người bị polyp tuyến có kích thước đường kính lớn hơn 1cm cần phải cắt bỏ bởi có thể trở thành ung thư.
U tuyến hay còn gọi là Adenoma: U tuyến là loại phố biến nhất của polyp dạ dày, nhưng cũng là loại có nhiều khả năng trở thành ung thư dạ dày. U tuyến có liên quan đến viêm dạ dày và bệnh polyp u tuyến có tính chất gia đình, nghĩa là nếu gia đình có người mắc Adenoma thì nguy cơ các thành viên khác mắc bệnh này cũng cao hơn so với gia đình không có người bị căn bệnh này.
Chẩn đoán polyp dạ dày
Để chẩn đoán polyp dạ dày phương pháp tốt nhất là soi dạ dày. Nội soi dạ dày cho phép phát hiện được những polyp rất nhỏ khoảng 1-2 mm, xác định được vị trí, kích thước số lượng hình dạng và những biến chứng của polyp như viêm loét, chảy máu. Qua nội soi các bác sĩ có thể tiến hành sinh thiết polyp làm xét nghiệm tế bào để chẩn đoán polyp thuộc loại tế bào nào, đã có biến chứng chưa.
Triệu chứng của polyp dạ dày
Polyp dạ dày thường không gây ra bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào. Tuy nhiên, khi một polyp dạ dày to lên, vết loét mở có thể phát triển trên bề mặt của nó. Hiếm khi, polyp có thể chặn đường thông giữa dạ dày và ruột non. Nếu tắc nghẽn xảy ra, các dấu hiệu và triệu chứng polyp dạ dày bao gồm:
Đau hoặc đau khi nhấn vào bụng
Buồn nôn
Máu trong phân
Thiếu máu
Điều trị polyp dạ dày
Polyp dạ dày thường không gây ra bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào.
Điều trị tùy thuộc vào loại polyp dạ dày mà các bác sĩ sẽ chỉ định phù hợp, cụ thể:
Nếu là polyp nhỏ không Adenoma. Những polyp này có thể không cần điều trị. Chúng thường không gây ra các dấu hiệu và triệu chứng và hiếm khi trở thành ung thư. Bác sĩ của bạn có thể đề nghị theo dõi định kỳ.
Nếu là polyp lớn. Những polyp này có thể cần phải được loại bỏ. Hầu hết các polyp dạ dày có thể được loại bỏ trong khi nội soi.
Nếu là u tuyến hay còn gọi là Adenoma là những polyp có thể trở thành ung thư và thường được loại bỏ trong khi nội soi.
Nếu là polyp liên quan đến polyp tuyến thượng thận gia đình. Những polyp này được loại bỏ vì chúng có thể trở thành ung thư. Bác sĩ có thể sẽ đề nghị nội soi theo dõi để kiểm tra polyp định kỳ.
Điều trị nhiễm H.pylori. Nếu bị viêm dạ dày do vi khuẩn H. pylori trong dạ dày, bác sĩ có thể sẽ khuyên nên điều trị bằng kháng sinh. Điều trị nhiễm trùng H. pylori có thể làm cho polyp tăng sản biến mất, và cũng có thể ngăn chặn polyp tái phát.
Tóm lại: Polyp dạ dày là vấn đề thường gặp, mặc dù đại đa số các polyp dạ dày, hơn 90%, là không dẫn đến ung thư, một số loại polyp nhất định cần kiểm tra thêm để đảm bảo không có tế bào tiền ung hay có nguy cơ cao chuyển dạng ác tính thực sự. Do đó, việc thăm khám định kỳ và tầm soát, nhất là các đối tượng từ tuổi trung niên hay có nguy cơ cao là cần thiết để điều trị sớm và cải thiện về lâu dài.
BS Nguyễn Phương Anh
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/polyp-da-day-co-nguy-co-ung-thu-khong-169240930163227234.htm